Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 15

    Hôm nay: 2134

    Đã truy cập: 2312124

Bữa cơm công nhân và nỗi lo thực phẩm “bẩn”

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng chợ tạm, chợ tự phát gần khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân (CN), lao động bày bán nhiều loại thực phẩm, hàng hóa hoạt động hết sức nhộn nhịp. Dù biết chất lượng hàng hóa ở các chợ tạm, chợ tự phát không bảo đảm nhưng rất đông CN vẫn mua vì tiện lợi và giá rẻ.

Công nhân có thói quen mua sắm ở các chợ tự phát vì tiện lợi, giá rẻ.

       Khu chợ tự phát tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hoá) hoạt động nhộn nhịp từ 16 giờ cho đến tận 20 giờ - 21 giờ. Sau giờ tan ca, hàng nghìn CN ra về nên chợ luôn tấp nập người mua bán các loại mặt hàng phục vụ đời sống của  CN. Tuy là tự phát nhưng tại đây không thiếu thứ gì, từ quần áo, đồ gia dụng, giày dép, mỹ phẩm… đến cá, thịt, rau các loại. Những phản thịt, những hàng hoa quả, hàng rau, thịt, cá, thực phẩm chế biến sẵn bày tràn lan ra vỉa hè, lòng đường; nhiều loại thực phẩm được đặt tạm bợ trên những tấm nilon; nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bao bì, tem nhãn được bày bán…

       Vừa tan ca, chị Lan, CN Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam ghé ngay vào quầy thực phẩm ở cổng công ty để mua thức ăn tối cho cả nhà. Khi được hỏi có quan tâm về nguồn gốc thực phẩm hay không, chị cho biết: Sau giờ tăng ca, tôi thường xuyên mua thực phẩm tại đây để về nấu ăn cho gia đình. Tôi thấy giá cả phù hợp là mua thôi chứ không quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm.

Công nhân có thói quen mua sắm ở các chợ tự phát vì tiện lợi, giá rẻ.

       Lý giải thói quen mua thực phẩm tại chợ tự phát, chị Minh, CN Công ty TNHH Giày AlenaViệt Nam (đóng trên địa bàn huyện Yên Định) chia sẻ: Do đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở chợ cóc, chợ tạm. Cũng vì thu nhập ít ỏi lại phải lo nhiều chi phí khác nên việc đi chợ phải cân đối, tằn tiện lắm. Nhiều khi biết chỗ bán đồ tươi ngon nhưng đắt, không dám mua, nên đi làm về mua đại cho xong.

       Cũng như chị Lan, chị Minh, phần lớn CN chọn mua thực phẩm, hàng hóa ở các khu chợ tạm, chợ tự phát ven đường vì tiện lợi và quan trọng hơn là giá rẻ, phù hợp với túi tiền CN. Bà Ngát, tiểu thương bán gà trước cổng Khu Công nghiệp Hoàng Long, cho biết: Một ngày tôi bán được hơn 20 kg gà với giá 60 nghìn đồng/kg. Do là chợ của CN nên tôi chỉ bán giá vậy thôi chứ bán giá cao hơn không ai mua.

       Với đồng lương CN ít ỏi, kéo theo điều kiện sinh hoạt hạn chế khiến cho CN khó tiếp cận, lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn ở những cửa hàng thực phẩm sạch. Thực tế đã xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm từ các bữa ăn gia đình của CN nhưng họ đều tự gánh chịu, giải quyết. Và kéo theo đó là những hệ lụy âm ỉ làm tàn phá, suy giảm sức lao động của CN. Cụ thể như trường hợp của chị Lê Thị Tuyết, xã Hợp Thắng (Triệu Sơn). Chị cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, sau giờ tan ca, thấy thịt gà bán ở chợ gần công ty nên tôi mua 1kg với giá 50.000 đồng. Sau khi ăn, tôi bị đau bụng phải lên trạm xá điều trị mấy ngày liền.

       Hiện nay, các chợ CN tự phát, chợ tạm tại các cổng công ty hay khu công nghiệp thường bán chạy nhất vào buổi chiều và mục tiêu chung là  đến người lao động lúc giờ tan tầm. Nhiều CNdựa vào kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm của mình và cho rằng, thực phẩm bán ở chợ là thực phẩm tươi, về chế biến ngay trong ngày thì sẽ ngon. Thế nhưng, ít ai biết được, thói quen này đã mang lại cho gia đình mình những bữa ăn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi thực tế, nhiều khu chợ tạm nhếch nhác, mất vệ sinh, nước thải, rác thải bừa bãi; các hàng bày bán thực phẩm chín, sống lẫn lộn. Hàng thực phẩm giò, nem không có tủ kính che đậy; thịt lợn, thịt bò được đặt tạm bợ trên bàn gỗ; rau, củ, quả cũng bày bán lộn xộn… Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm chéo vi khuẩn từ các nguồn thực phẩm này. Để tiện cho người tiêu dùng, những người bán hàng còn nhận sơ chế thực phẩm ngay tại chợ. Họ vặt lông, giết mổ gia cầm, làm cá ngay dưới nền đất, nhưng không có bất cứ dụng cụ bảo vệ nào. Bên cạnh đó, hầu như các loại thực phẩm bày bán tại các chợ cóc, chợ tạm đều không có cơ quan nào kiểm tra, giám định về chất lượng, độ an toàn cũng như dư lượng chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo. Sự thiếu kiểm soát về hàng hóa trong chợ còn thể hiện ở chỗ, hàng hóa hầu hết là không có nhãn mác. Đây là cơ hội cho những người kinh doanh sử dụng hóa chất bảo quản, tẩm ướp hàng hóa, thực phẩm hết hạn gây hại cho người tiêu dùng.Trong khi đó, công tác quản lý về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ tạm hiện nay vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa