LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá thành lập “Tổ an toàn COVID-19” tại các doanh nghiệp
Chủ động đối phó với dịch COVID-19 ngày càng có diễn biến phức tạp, LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá đã quyết định thành lập “Tổ an toàn COVID-19” tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngày 21.5, LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá đã ban hành các văn bản, quyết định thành lập các “Tổ an toàn COVID-19” tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các doanh nghiệp có đông công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
.png)
Một buổi truyền thông phòng, chống COVID-19 tại doanh nghiệp của LĐLĐ TP. Sầm Sơn, Thanh Hoá. Ảnh: Ngọc Chinh
Theo hướng dẫn, mỗi tổ sản xuất, xưởng, chuyền hoặc bộ phận tương đương thành lập ít nhất 01 “Tổ an toàn COVID-19”, hoạt động kiêm nhiệm. Trường hợp tổ sản xuất có đông người lao động, có thể thành lập nhiều tổ an toàn. Thành viên của “Tổ an toàn COVID-19” là người lao động trực tiếp làm việc tại tổ sản xuất, có am hiểu về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tự nguyện, gương mẫu, có uy tín đối với công nhân lao động (CNLĐ).
Cách thức thành lập: Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp, lựa chọn CNLĐ có đủ điều kiện, lập danh sách đề nghị công ty ban hành quyết định thành lập “Tổ an toàn COVID-19” và quy chế hoạt động. “Tổ an toàn COVID-19” có ít nhất 3 thành viên, hoạt động dưới sự quản lý, hướng dẫn trực tiếp của Ban Chấp hành CĐCS, thông qua phân công nhiệm vụ và quy chế hoạt động do người sử dụng lao động ban hành.
“Tổ an toàn COVID-19” có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn CNLĐ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khoẻ hàng ngày đối với cán bộ, công nhân viên và người lao động trong đơn vị. Phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của doanh nghiệp; báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, CĐCS và bộ phận y tế của doanh nghiệp khi phát hiện các trường hợp CNLĐ có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời.
Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và các trường hợp khẩn cấp khi doanh nghiệp có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá, việc thành lập các “Tổ an toàn COVID-19” nhằm kịp thời chung sức cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi người lao động là một chiến sĩ”.
Cũng theo ông Sơn, đây là việc làm rất cần thiết và chắc chắn có tác dụng, ý nghĩa tốt vì Thanh Hoá là tỉnh có số lượng CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đông với 187.816 người. Trong đó, số doanh nghiệp có từ 200 CNLĐ là 120 đơn vị, số DN có từ 1.000 CNLĐ là 24 đơn vị. Đặc biệt, có những doanh nghiệp có số lượng CNLĐ lên tới hàng vạn người như Cty Annora trên 2,2 vạn, Cty Rollsport 1,5 vạn, Cty Sakurai 1,3 vạn… tiềm ẩn rất lớn nguy cơ bùng phát dịch.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá cũng đã đề nghị các đơn vị chỉ đạo các CĐCS chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện, đảm bảo nhanh chóng kịp thời và hiệu quả trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
Lê Đức Tâm (Baolaodong.vn)