Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức Hội thảo xây dựng “Trường học hạnh phúc”
Nhằm làm tốt công tác truyền thông trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, ngày 09 tháng 4 năm 2022, tại huyện Quan Hóa, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” cụm các trường THPT, THCS&THPT huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Dự và Chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí đại diện Lãnh đạo phòng chuyên môn Sở GD&ĐT; các đồng chí UV BCH Công đoàn ngành Giáo dục. Đến dự Hội thảo còn có Lãnh đạo LĐLĐ huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS huyện Quan Hóa; Lãnh đạo, Chủ tịch CĐ, đại diện giáo viên của các trường THPT, THCS&THPT trong cụm; đại diện cha mẹ học sinh và học sinh trường THPT Quan Hóa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí: Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục đã nhấn mạnh: Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Kế hoạch Liên tịch số 242/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 09/02/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo với Công đoàn ngành Giáo dục về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức, nhà giáo, người lao động giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025 của ngành.
Đồng chí Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục phát biểu khai mạc
Cũng theo đồng chí, trước khi có khái niệm “Trường học hạnh phúc” thì trong các nhà trường đã thực hiện nhiều mục tiêu, phương châm và các cuộc vận động mang nội hàm như “Trường học hạnh phúc”, chẳng hạn cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” hay cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”....xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
Nội dung Chương trình Hội thảo gồm 2 phần chính:Tham luận và tọa đàm. Phần thứ nhất, để làm rõ những nội dung: thế nào là trường học hạnh phúc, tại sao lại phải xây dựng trường học hạnh phúc, các tiêu chí của trường học hạnh phúc, muốn xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong mỗi nhà trường phải làm gì…Ban Tổ chức đã truyền tải đến các đại biểu qua 03 clip về việc xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường THPT Quan Hóa, Hà Văn Mao, THCS&THPT Quan Hóa, xen giữa các tham luận của trường THPT Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn với chủ đề, đó là: Thầy, cô đã, đang và sẽ làm gì để xây dựng trường học hạnh phúc; tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề-giải pháp giúp nâng cao trường học hạnh phúc; việc áp dụng Giáo dục tích cực trong dạy và học tại đơn vị đã đem đến hiệu quả như thế nào trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Bước sang Phần hai, các Đại biểu được mời lên sân khấu tọa đàm gồm: Hiệu trưởng trường THPT Mường Lát, THCS&THPT Bá Thước, Chủ tịch CĐ Trường THPT Hà Văn Mao, THCS&THPT Quan Hóa, 02 Giáo viên trường THPT Bá Thước, THCS&THPT Quan Sơn; Đại diện cha mẹ học sinh của trường THPT Quan Hóa. Nội dung của tọa đàm nói chuyện xung quanh chủ đề: tình trạng bạo lực học đường, khó khăn và thuận lợi trong việc xây dựng trường học hạnh phúc; Mối quan hệ giữa CBQL và giáo viên, phụ huynh học sinh, hiệu quả giáo dục tích cực trong việc xây dựng trường học hạnh phúc .
Các đại biểu được mời tham gia phần tọa đàm
Cũng tại Hội thảo, các Đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ 5 tiêu chí cốt lõi đề xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là: YÊU THƯƠNG- TÔN TRỌNG- AN TOÀN- ĐƯỢC HIỂU- ĐƯỢC CÓ GIÁ TRỊ.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở khẳng định: Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” không chỉ là đích đến mà còn là khát vọng của toàn xã hội đã và đang hướng tới. Xây dựng những tập thể nhà giáo chuẩn mực, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Trường học hạnh phúc là trường có kỷ luật, kỷ cương và niềm vui và hạnh phúc được thực hiện từ sự tự giác và ý thức tích cực của mỗi cá nhân.
Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở, trong thời gian tới các đơn vị cần làm tốt việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, cần bám sát vào các tiêu chí để xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
Các nhà trường cần phải làm tốt việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của mỗi cán bộ, nhà giáo, người lao động; mọi người được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; khen, chê phải công minh, rõ ràng; trong đó hiệu trưởng là “đầu tàu”, luôn hướng các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Ban giám hiệu cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở giáo viên về nhận thức, năng lực nghề nghiệp, tình cảm và sự thân thiện đối với học sinh; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng, cảnh quan trường lớp khang trang, sạch đẹp, thân thiện, nhất là đối với những cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nêu rõ các nhà giáo phải dũng cảm phá vỡ lối mòn, thay đổi bản thân mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, đồng thời cũng không đánh mất vai trò trung tâm của người thầy, giáo viên cần chủ đạo định hướng, gợi mở; chấp nhận sự khác biệt ở mỗi học sinh; quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, tiến tới một ngồi trường văn minh ở đó không còn bạo lực học đường, được hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập.
Qua Hội thảo, thấy rằng: xây dựng trường học hạnh phúc có nhiều cách làm, hướng đi. Trường học hạnh phúc là trường học ở đó mỗi nhà giáo, học sinh đến trường sẽ tìm thấy niềm vui và trách nhiệm. Lấy chỉ số hạnh phúc là chỉ số tiến bộ của mỗi học sinh, làm thước đo giá trị và hướng đến đào tạo những con người tự chủ, trách nhiệm, có khả năng sáng tạo và thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hiện nay.
Nguyễn Đức Tuấn – Chuyên viên Công đoàn ngành Giáo dục