Công đoàn ngành Y tế: Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Công đoàn lập thành tích chào mừng Đại hội XX Công đoàn tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Với mục tiêu tạo động lực và tinh thần làm việc hăng say, hiệu quả, vì sự hài lòng của người bệnh, Công đoàn ngành Y tế đã phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, tạo lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Phong trào nghiên cứu khoa học tại các CĐCS trực thuộc
Công đoàn ngành Y tế Thanh Hóa hiện có 90 Công đoàn cơ sở với trên 16 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước và nhiệm vụ chính trị của ngành, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đã và đang từng bước góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đáp ứng kịp thời với thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp Công đoàn ngành đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích Điều lệ, đồng hành cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác chuyên môn, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động yên tâm công tác, đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bám sát nhiệm vụ của ngành, của Công đoàn cấp trên. Hàng năm, Công đoàn ngành phối hợp với Sở Y tế tổ chức phát động, ký cam kết thi đua với các đơn vị cơ sở, từ đó các cấp Công đoàn trong ngành Y tế tổ chức nhiều phong trào thi đua, với nhiều nội dung được cụ thể hóa một cách sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, của đơn vị; cách thức triển khai các phong trào thi đua từng bước có sự điều chỉnh, hướng về cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm. Phong trào thi đua yêu nước do các cấp Công đoàn phát động đã được đoàn viên, người lao động hưởng ứng tham gia tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Y tế.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Mục tiêu chung của phong trào là: Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, thi đua lao động giỏi, công tác tốt, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu xây dựng các công trình, sản phẩm khoa học chuyên ngành có chất lượng cao, được áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào công tác điều trị, chăm sóc người bệnh. Cùng các phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, thể thao”, “Văn hóa công sở”…, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định giá trị cốt lõi và xuyên suốt trong các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn phát động. Phong trào này đã luôn được lãnh đạo quan tâm, đoàn viên tích cực tham gia hưởng ứng và sản phẩm hoàn thành là những đề tài, sáng kiến mang tính chuyên môn kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh được đưa vào thực hiện thường quy. Điển hình trong thời gian qua đã triển khai thực hiện được 20 ca ghép thận, hằng trăm ca mổ tim trong điều trị bệnh lý cũng như chấn thương, thăm dò và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần RF, chụp và can thiệp mạch não bằng dụng cụ cơ học, đặt Coil điều trị phình động mạch não, đặt stent mạch cảnh trong điều trị hẹp mạch cảnh, đặt Stent Graft, nối chi thể trong chấn thương đứt rời chi thể, điều trị ECMO trong các ca cấp cứu nguy kịch, và nhiều kỹ thuật trong các chuyên ngành khác, nhiều xét nghiệm được công nhận chất lượng theo tiêu chuẩn ISO-15189.
Từ phong trào, chất lượng chẩn đoán và điều trị người bệnh không ngừng được nâng cao, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống, điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, hạn chế được số lượng bệnh nhân chuyển tuyến giúp gia đình bệnh nhân yên tâm điều trị và giảm chi phí ca bệnh đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ nhân dân và để lại nhiều hình ảnh đẹp về người chiến sỹ áo trắng đang ngày đêm cống hiến sức mình vì người bệnh.
Kết quả giai đoạn 2017-2023: toàn ngành có trên 5.500 đề tài, sáng kiến được các cấp có thẩm quyền công nhận, qua đó tiết kiệm và làm lợi hàng tỷ đồng, có 35 cá nhân được được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; Trong nhiệm kỳ, có 01 tập thể và 01 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng 2; 05 tập thể và 05 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng 3; có 07 Thầy thuốc Nhân dân; 79 Thầy thuốc Ưu tú; 09 tập thể và 30 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 28 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua; 188 tập thể và 353 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 30 cá nhân; Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen cho 47 tập thể và 83 cá nhân.
Nhìn lại chặng đường vừa qua với nhiều biến động phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, việc làm, thu nhập, tâm tư, tình cảm của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động. Song, dưới sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, ra sức thi đua, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác chuyên môn và các phong trào đoàn thể. Đồng thời với các phong trào thi đua, các cấp Công đoàn đã luôn quan tâm đến công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; Phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục thể thao, thăm quan, nghỉ dưỡng… Từ những thành tích đạt được và những giá trị của các phong trào thi đua trong tổ chức Công đoàn mang lại. Có thể khẳng định rằng, các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của người lao động, kết tạo nên những sản phẩm, công trình khoa học chất lượng được ứng dụng rộng rãi, đồng thời qua đó tạo động lực cho cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động phát triển sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, phát huy những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua Công đoàn ngành đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, đổi mới tư duy trong thực hiện công tác thi đua theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, đó là “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trước hết là từ cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn, người đứng đầu đơn vị gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hai là, xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể ngay từ đầu năm; định hướng cho cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, cải tiến chất lượng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày của mỗi cá nhân, khoa, phòng, trung tâm, cơ quan, đơn vị nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, khám bệnh, chữa bệnh, giảm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị của người bệnh.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua. Công tác biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, thỏa đáng, khách quan, minh bạch, công bằng, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo. Xây dựng các tiêu chuẩn bình xét khen thưởng có định lượng; khuyến khích các cá nhân và tập thể có đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong công tác chuyên môn.
Bốn là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn, biết vận động người lao động và tổ chức phong trào thi đua, kịp thời tham mưu với lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn trong thực hiện công tác thi đua thiết thực, hiệu quả hơn, phù hợp với thực tế của đơn vị.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức tinh thông nghiệp vụ, vừa hồng vừa chuyên.
Sáu là, Cùng với phong trào thi đua, cần đồng bộ thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; công tác thi đua khen thưởng; có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phong trào thi đua trong mỗi cơ quan, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời tuyên truyền phổ biến các gương điển hình tiên tiến tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong tổ chức và đoàn viên, người lao động./.
Trương Việt Dũng - CTCĐN Y tế