ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Chiều 5/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Tham gia góp ý, ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ĐBQH Võ Mạnh Sơn tham gia một số ý kiến cụ thể đó là: Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản. Trong đó, tại Điều 14 về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, dự thảo quy định: “Chính phủ phân công cơ quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản; quy định việc lập phương án quản lý về địa chất và khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh”.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, việc quy định như thế này còn rất chung chung, không đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt. Mỗi thời kỳ có cách hiểu và triển khai khác nhau dẫn đến tình trạng ở giai đoạn này Chính phủ giao cho một Bộ, ở giai đoạn khác Chính phủ lại giao cho Bộ khác chủ trì. Để tránh tình trạng này, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt trong quá trình triển khai, thực hiện Luật, đề nghị cần thống nhất giao cụ thể cho Bộ chủ quản có trách nhiệm lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản, đồng thời đảm bảo được nguyên tắc “Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất với phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch khoáng sản như trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã nêu.
Để tránh tình trạng không bảo đảm tính khách quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản khi cơ quan lập, quản lý quy hoạch đồng thời là cơ quan cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Khi Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản, Luật cần quy định trách nhiệm có ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản.
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh phương án quản lý về địa chất, khoáng sản. Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, việc giao cho Chính phủ tại khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật “3. Chính phủ quy định các trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản theo trình tự, thủ tục rút gọn” là phù hợp, giải quyết được các khó khăn, bất cập hiện nay về quy hoạch khoáng sản, giải quyết được các trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (khoáng sản nhóm IV) phục vụ kịp thời các dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình dự án trọng điểm quốc gia hiện nay.
Cũng còn nhiều ý kiến về nội dung này, đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu.
Về việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV. Trong đó, tại khoản 5 Điều 75 Dự thảo giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV, trong khi nội dung điều luật này không thể hiện các nội dung mang tính nguyên tắc trong việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV. Tại điểm i, khoản 4 Điều 75 cũng mới chỉ quy định Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhóm IV: Cải tạo, phục hồi môi trường và đưa khu vực sau khai thác về trạng thái an toàn theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một khoản mang tính nguyên tắc trong việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV.
Về thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (Điều 86). Theo đó về trách nhiệm, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân sau đã bỏ địa điểm kinh doanh nhưng chưa tiến hành thủ tục giải thể, phá sản thì pháp nhân đó vẫn còn tồn tại, do đó, vẫn phải chịu trách nhiệm đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định của Luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn xảy ra có trường hợp đơn vị khai thác khoáng sản chây ỳ không đóng cửa mỏ đã bỏ địa điểm kinh doanh, nhưng không tiến hành làm thủ tục giải thể, phá sản..., các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên quan không phát huy tác dụng để yêu cầu các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện đến cùng, dẫn đến tình trạng mỏ khoáng sản đã dừng hoạt động lâu ngày, không đảm bảo an toàn.
Để việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đi vào thực tế, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị bổ sung quy định về đơn vị có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để mỏ về trạng thái an toàn trong trường hợp các đơn vị khai thác khoáng sản chây ỳ không đóng cửa mỏ đã bỏ địa điểm kinh doanh, nhưng không tiến hành làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc do thiếu nguồn kinh phí thực hiện; bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp doanh nghiệp tổ chức khai thác khoáng sản không giải thể, không phá sản, nhưng cũng không thực hiện việc đóng cửa mỏ theo quy định.
Nguồn: Baothanhhoa.vn