ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Sáng 27/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia ý kiến
Góp ý về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia một số ý kiến, cụ thể đó là:
Về đóng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó việc quy định tại khoản 5 Điều 58 Dự thảo “...người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội, để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHTN” là chưa hợp lý, bởi:
Để xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHTN là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đôn đốc thu, xử lý hành vi vi phạm về việc chậm đóng, trốn đóng BHTN. Khi thất nghiệp, người lao động đã khó khăn, không có nguồn thu nhập, lại phải đóng tiếp phần đóng của mình mà doanh nghiệp đã thu nhưng không đóng cho người lao động lại càng thêm khó khăn cho người lao động. Hơn nữa, khi mà các biện pháp quản lý nhà nước không thể xử lý dứt điểm được hành vi vi phạm của doanh nghiệp, đẩy gánh nặng sang cho người lao động, rồi chờ “Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng” là chưa đảm bảo quyền của người lao động khi tham gia đóng BHTN.
Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, vẫn còn một bộ phận người lao động khi nghỉ việc, mất việc không được hưởng quyền lợi về BHTN do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn... không đóng, nợ đóng, trốn đóng và có trường hợp chiếm dụng cả tiền đóng BHTN của người lao động, dẫn đến tình trạng thiệt thòi rất lớn cho người lao động đã bị nghỉ việc, mất việc đồng nghĩa với việc mất thu nhập..., người lao động mong muốn được nhà nước có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHTN để người lao động được hưởng quyền lợi về BHTN đúng quy định, đảm bảo cuộc sống, phát triển việc làm mới.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đề nghị cần nghiên cứu quy định dành một nội dung Quỹ BHTN hỗ trợ cho người lao động đóng số tiền vào Quỹ BHTN thuộc trách nhiệm đóng BHTN của người lao động nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHTN. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền Quỹ BHTN đã hỗ trợ người lao động.
Thực tế nguồn Quỹ BHTN ngoài phần đầu tư sinh lời, lãi suất... thì cơ bản có từ 3 nguồn chính: Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động đóng, như vậy việc trích từ nguồn Quỹ này vẫn đảm bảo tính chất công bằng, không ảnh hưởng đến phần đóng của các người lao động khác khi tham gia BHTN, nó chỉ nằm trong phần Nhà nước hỗ trợ và phần các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng.
Về thời gian đóng BHTN không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo (điểm đ khoản 2 Điều 60). Theo đó, điểm đ khoản 2 Điều 60 quy định: “Thời gian đóng BHTN không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong các trường hợp sau: đ) Thời gian đóng BHTN trên 144 tháng”.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn cho rằng, việc không tính hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với “thời gian đóng BHTN trên 144 tháng” sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động, dễ dẫn đến tình trạng người lao động tìm cách để “bớt thiệt” cho cá nhân, với việc nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đến ngưỡng. Điều này sẽ gây xáo trộn thị trường lao động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi mất đi những người lao động làm việc lâu năm hoặc xảy ra tình trạng người lao động phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách BHTN.
Việc không tính thời gian đóng BHTN trên 144 tháng cũng chưa đảm bảo nguyên tắc về mức hưởng BHTN: “Mức hưởng BHTN được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHTN” khoản 3 Điều 54 Dự thảo.
Trợ cấp thất nghiệp là chính sách nhân văn đối với người lao động khi họ nghỉ việc mà chưa tìm được việc làm mới. Khoản trợ cấp này giúp người lao động giảm bớt gánh nặng cuộc sống trong quá trình tìm việc làm. Do đó, chính sách trợ cấp BHTN cần xây dựng trên sự bình đẳng trong đóng góp; chẳng hạn, người có thời gian đóng nhiều thì hưởng nhiều hơn người đóng ít.
Do vậy, đại biểu cho rằng nên xem xét quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp cho tới khi tìm được việc làm mới.
Về công nhận tương đương hoặc miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Theo đó, điểm b khoản 3 Điều 41 dự thảo quy định về Công nhận tương đương hoặc miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia: "... Người lao động có chứng chỉ, chứng chỉ năng lực thực hiện, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hoặc kỹ năng, khả năng thực hành nghề nghiệp ở trình độ cao theo quy định của pháp luật liên quan được xem xét miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia hoặc công nhận tương đương với trình độ kỹ năng nghề quốc gia”.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị cần quan tâm làm rõ nội dung xem xét miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia hoặc công nhận tương đương với trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho phù hợp, tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là Luật số 15/2023/QH15 khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2024, đối với đối tượng công tác trong ngành y tế, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính, chồng chéo giữa các văn bản. Bởi vì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thường phải trải qua quá trình đào tạo, thử việc dài hạn, nhiều áp lực, kinh phí, mặt khác đã được cấp giấy phép hành nghề. Nếu tiếp tục phát sinh thêm thủ tục đề nghị xem xét miễn đánh giá kỹ năng nghề quốc gia hoặc công nhận tương đương với trình độ kỹ năng nghề quốc gia sẽ khó khăn thêm về thời gian, kinh phí cho đối tượng công tác trong ngành y tế.
Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định hiện nay chưa có quy định nào dành cho người người lao động tuân thủ và tham gia đóng đầy đủ BHTN. Để khuyến khích người lao động tích cực tham gia BHTN, đề nghị nên nghiên cứu thêm, cần có quy định hỗ trợ đối với đối tượng này khi về hưu hoặc hỗ trợ thân nhân người lao động khi gặp rủi ro về việc làm.
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (khoản 1 Điều 65). Theo đó, việc quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp như hiện nay là thấp, chưa hấp dẫn, thu hút được người lao động tham gia, gắn bó lâu dài với chính sách BHTN.
Thực tế hiện nay đa số các doanh nghiệp đóng BHTN cho người lao động chỉ vừa bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Khi thất nghiệp, người lao động không có nguồn thu nhập, cuộc sống của bản thân và gia đình gặp rất nhiều khó khăn, với mức hỗ trợ thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN không đủ để trang trải cuộc sống, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đề nghị cần xem xét tính toán gia tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động lên 75% thay vì 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc như hiện nay.
Đối với trường hợp người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 Dự thảo quy định: “Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động...” không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều này cần nghiên cứu xem xét thêm, bởi vì:
Thực tế thị trường lao động hiện nay cho thấy, không ít doanh nghiệp muốn sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng đã thực hiện rất nhiều hình thức, mánh khóe như đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc lên mức không thể thực hiện được, ban hành nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác khi không bảo đảm được chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, vi phạm các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc... để trừ phần lớn lương, thưởng của người lao động, khiến người lao động rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thu nhập quá thấp, không đủ chi trả cho nhu cầu sống cơ bản hàng ngày. Thông qua đó, ép người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với lao động lớn tuổi, nhất là những lao động nữ, ngoài 40 tuổi trở lên thường bị chủ sử dụng lao động, quản lý của công ty tìm cách cho nghỉ việc vì lý nhiều lý do khác nhau. Với những lao động kiên trì, nhẫn nhịn để làm việc, thì chủ sử dụng tìm cách bắt lỗi, phạt lương, thưởng... để chấm dứt hợp đồng, tuyển dụng lao động trẻ hơn thay thế.
Mối quan hệ lao động giữa chủ sử dụng và người lao động, trên thực tế thường “muôn hình vạn trạng” trong việc bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Chưa bàn tới chuyện đúng sai trong việc bị thôi việc, nhưng với người lao động luôn ở thế thiệt thòi hơn. Khi bị buộc thôi việc, kỷ luật thì bản thân người lao động sẽ bị giảm cơ hội việc làm tại công ty khác; đặc biệt là ngay lập tức mất đi nguồn thu nhập để lo cho sinh hoạt, gia đình, con cái. Chưa tìm được việc làm ngay thì người lao động chỉ biết trông vào nguồn tiền trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, dự thảo luật lại không cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian khó khăn tìm kiếm công việc mới là không bảo đảm được mục đích của chính sách BHTN nhằm hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm.
Ngoài ra, việc quy định bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là cũng chưa phù hợp với nguyên tắc “đóng - hưởng” được quy định trong pháp luật về BHXH. Bản thân người lao động phải trích tiền lương đóng BHTN trong quá trình lao động, lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị sa thải, buộc thôi việc là không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn đề nghị xem xét, nghiên cứu quy định phù hợp liên quan đến vấn đề tiếp tục tham gia BHXH của người lao động bị sa thải, trường hợp đơn vị sử dụng lao động không tiếp nhận lao động thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc xem xét nghiên cứu xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này, có thể nghiên cứu quy định cho phép họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối nhận việc vì lý do đã bị sa thải, buộc thôi việc ở doanh nghiệp, đơn vị trước đó. Về góc độ việc làm, cần thiết có quy định hoặc cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến vấn đề người lao động bị sa thải, buộc thôi việc trước đó.
Nguồn (Baothanhhoa.vn)