Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 32

    Hôm nay: 929

    Đã truy cập: 3454210

Nâng cao vai trò của công đoàn để giảm ngừng việc tập thể

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 cuộc ngừng việc tập thể với trên 34.000 công nhân (CN) lao động tham gia. Thực tế cho thấy, các vụ việc ngừng việc tập thể của người lao động (NLĐ) trong những tháng đầu năm gia tăng đột biến, phức tạp về nội dung tranh chấp và số người tham gia, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội, sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh.

Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh Nguyễn Xuân Tuấn đối thoại với công nhân, lao động Công ty TNHH Giầy Akalia Việt Nam.

Ngày 6/3/2025, hơn 7.200 CN tại Công ty TNHH Giầy Akalia Việt Nam ở thôn Hải Xuân, xã Hải Long (Như Thanh) đã đồng loạt ngừng việc yêu cầu doanh nghiệp (DN) giải quyết các quyền lợi của NLĐ. Chị Nguyễn Thị Mai, CN Công ty TNHH Giầy Akalia Việt Nam cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc ngừng việc là do quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo. Nhiều CN dù đã làm việc tại công ty nhiều năm nhưng không được tăng lương; có những người làm việc cho công ty đã 5 năm, thế nhưng tiền lương còn thấp hơn một số người mới vào làm việc. Ngoài ra, trước đây công ty còn có tiền ăn ca, nhưng hiện đã bị cắt.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, LĐLĐ huyện Như Thanh và các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; cùng với đó, làm việc với đại diện DN. Đến sáng 7/3/2025, sau khi phía công ty đồng ý tăng 6% lương, CN đã quay trở lại làm việc bình thường.

Đây chỉ là 1 trong nhiều vụ việc ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Rõ ràng, khi xảy ra ngừng việc sẽ gây bất lợi cho người sử dụng lao động, NLĐ, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, ngừng việc còn gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngừng việc tập thể tại các DN xuất phát từ yêu cầu của CN về việc tăng lương tương đương mức tối thiểu vùng 2 (4.900.000 đồng/tháng); nâng tiền ăn ca, xăng xe, nuôi con nhỏ, chuyên cần; tiền thưởng gắn bó.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh cho biết: Ngay từ tháng 1/2025, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã chủ động chỉ đạo công đoàn cơ sở và các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo dõi tình hình và nhận thấy, CN có đề xuất tăng lương cho phù hợp theo quy định. LĐLĐ tỉnh đã có các buổi làm việc với các DN, đề xuất DN giải quyết kiến nghị của CN. Đặc biệt, Tập đoàn Hoa Lợi đã được công đoàn đề nghị tăng lương tại hội nghị làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hoa Lợi tại Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam (tháng 1/2025); hội nghị giao ban với các doanh nghiệp FDI tại LĐLĐ tỉnh (tháng 2/2025). Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn này chỉ tiếp nhận ý kiến mà chưa có động thái giải quyết. Khi CN Công ty TNHH Giầy Rollsport chi nhánh huyện Thọ Xuân thuộc Tập đoàn Hoa Lợi ngừng việc, hiệu ứng dây chuyền đã lan rộng sang các công ty khác trong tập đoàn và các DN trong tỉnh.

Trước sự việc CN ngừng việc tại các DN, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN, đồng thời trao đổi trực tiếp với lãnh đạo DN, kịp thời giải quyết các kiến nghị của NLĐ. Sau quá trình đối thoại, các DN đã đưa ra phương án giải quyết hợp lý, giúp CN nhanh chóng quay lại làm việc, khôi phục sản xuất. Nhờ công đoàn và các ngành chức năng vào cuộc kịp thời, các vụ ngừng việc tập thể được giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi NLĐ và ổn định sản xuất. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của công đoàn trong bảo vệ quyền lợi NLĐ và thúc đẩy DN phát triển bền vững.

Ngay sau khi  liên tiếp các cuộc ngừng việc xảy ra tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác do các đồng chí Thường trực LĐLĐ tỉnh làm trưởng đoàn đã nắm bắt tình hình quan hệ lao động tại công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và DN có đông CN lao động thuộc Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp, LĐLĐ các huyện: Thạch Thành, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá, Hà Trung, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Nga Sơn... Qua làm việc, đoàn công tác của LĐLĐ tỉnh ghi nhận những kiến nghị liên quan đến tiền lương, tiền gắn bó các chế độ phúc lợi cho NLĐ và sẽ tiếp tục làm việc với các DN để giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của NLĐ.

Thực tế hoạt động của nhiều DN ngoài Nhà nước hiện nay cho thấy, vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Bởi, chừng nào lợi ích của NLĐ chưa được quan tâm đúng mức thì việc ổn định quan hệ lao động sẽ khó thực hiện. Vì vậy, để ngăn ngừa ngừng việc tập thể, làm lành mạnh hóa quan hệ lao động trong các DN, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN; đẩy mạnh tuyên truyền vận động DN thực hiện tốt chế độ, chính sách chăm lo cho NLĐ, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho NLĐ. Bên cạnh đó, các DN phải tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc nhằm tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả về tranh chấp lao động, đơn, thư khiếu kiện trong DN, góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người sử dụng lao động và NLĐ... Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn bởi chỉ khi nào tổ chức công đoàn thực sự là người đại diện của NLĐ trong DN thì quan hệ lao động mới thực sự ổn định, hài hòa cho quyền lợi cả đôi bên thì mới hạn chế tranh chấp lao động.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa