Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 20

    Hôm nay: 2564

    Đã truy cập: 3578912

Cần xem xét bổ sung thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy

Sáng 7/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đóng góp ý kiến.

Tham gia góp ý, ĐBQH Võ Mạnh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật. Nội dung dự thảo Luật Việc làm lần này đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động việc làm trong bối cảnh cả nước đang cơ cấu lại thị trường lao động và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan.

Tuy nhiên, đại biểu Võ Mạnh Sơn bày tỏ băn khoăn nội dung giải trình tại báo cáo số 1264/BC-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Khoản 4 Điều 21 của Bộ luật Dân sự quy định: “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.

Quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 được kế thừa từ Luật Việc làm hiện hành đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua và không phát sinh vướng mắc. Thực tế đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi rất khó để có thể tự mình đưa ra được “phương án sử dụng vốn vay để tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm”.

Để tránh tình trạng hợp thức hóa phương án sử dụng vốn vay, đại biểu đề nghị cần rà soát quy định “người lao động” tại điểm b khoản 1 Điều 9 với quy định tại Điều 3, điểm a khoản 4 Điều 9 và cân nhắc việc người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có đủ độ tuổi, đủ trách nhiệm dân sự để có thể tiếp cận, thực hiện quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, hiện nay đã có văn bản dưới Luật quy định việc xử lý đối với trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị rơi vào tình huống bất khả kháng dẫn đến không có khả năng hoàn trả khoản vay (Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, căn cứ pháp lý của Quyết định, nội dung quy định đối tượng chưa phù hợp với dự thảo Luật việc làm. Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung nội dung chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị rơi vào tình huống bất khả kháng dẫn đến không có khả năng hoàn trả khoản vay.

Tại Điều 13 dự thảo Luật về chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động là thanh niên, cần bổ sung thêm đối tượng là dân quân tự vệ tại địa phương, thanh niên hoàn thành chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy để phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội hiện nay.

Tại khoản 2 Điều 40 quy định: “Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.

Thực tế một số doanh nghiệp đã khấu trừ lương của người lao động hàng tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động, nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đóng BHTN cho người lao động dẫn đến tình trạng khi người lao động nghỉ việc không thể chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN nên không được hưởng BHTN. Trong khi đó, trách nhiệm thu BHTN là trách nhiệm của cơ quan BHXH, xử lý hành vi trốn đóng, nợ đọng... là của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng khi cơ quan BHXH, cơ quan quản lý nhà nước không xử lý được hành vi vi phạm của doanh nghiệp lại không cho người lao động được hưởng BHTN là chưa đảm bảo sự công bằng đối với người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung khoản 2 Điều 40 như sau:

“Người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động đã thu tiền bảo hiểm thất nghiệp của người lao động đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động”.

Hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp xử lý (xử phạt hành chính, lãi chậm đóng, thu hồi khoản nợ....) để đòi lại khoản nợ BHTN từ người sử dụng lao động.

Nguồn: Baothanhhoa.vn

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa