Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 37

    Hôm nay: 3815

    Đã truy cập: 2384429

Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, là giải pháp quan trọng trong xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh

Trong những năm gần đây, hoạt động của các CĐCS trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực


Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Điều 4 Luật Công đoàn). Tổ chức công đoàn có phát triển hay không được quyết định bởi chất lượng của hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS), xây dựng CĐCS vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác của tổ chức công đoàn.

Trong những năm gần đây, hoạt động của các CĐCS trong phạm vi cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì chất lượng  hoạt động của một số công đoàn cơ sở còn hạn chế, một số CĐCS chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình, chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động, thậm trí có nơi còn nể nang , né tránh. Công tác phối hợp với chuyên môn trong việc tuyên truyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa tốt như: Việc thực hiện các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, việc thực hiện các nội quy, quy định trong cơ quan, đơn vị, việc ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể, xác định định mức lao động, xây dựng thang bảng lương, thực hiện  an toàn, vệ sinh lao động...Chất lượng các phong trào thi đua còn thấp, chủ yếu là hình thức, chưa có chiều sâu. Hoạt động công đoàn ở nhiều đơn vị hết sức khó khăn do không có nguồn lực để thực hiện việc tổ chức phong trào, phụ cấp cán bộ công đoàn, thăm hỏi, trợ cấp, hội họp, tham quan, học tập kinh nghiệm…Có nơi việc thành lập và tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó. Cá biệt có một số công đoàn cơ sở bị tê liệt hoàn toàn, người lao động không thiết tha gắn bó với công đoàn.

Là cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, qua thực tiễn công tác, tôi nhận thấy, việc nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS trong tình hình hiện nay là rất cần thiết, và là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Vì vậy tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau đây:

Một là: Để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, Ban chấp hành Công đoàn trước hết phải đổi mới nội dung phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn viên, người lao động,  chú trọng thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên. Quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục, nhằm truyền tải các chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn đến với đoàn viên, lao động; Nhằm nâng cao trình độ nhận thức của đoàn viên và người lao động.

Hai là : CĐCS phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn, các chương trình hoạt động của công đoàn cấp trên và bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, kế hoạch hoạt động của đơn vị; Từ đó để xây dựng nội dung, phương pháp hoạt động cho tổ chức mình một cách cụ thể. Định kỳ hằng năm, công đoàn cơ sở cần đánh giá kết quả phong trào công nhân viên chức, lao động và hoạt động công đoàn, tổng kết công tác thi đua khen thưởng, xây dựng nhiệm vụ cho năm tiếp theo. Trên cơ sở đó chọn những việc trọng tâm, trọng điểm cần tổ chức, triển khai trong từng tháng, từng quý hoặc vào dịp các ngày kỷ niệm của đất nước, của dân tộc, của ngành, của địa phương và đơn vị mình.

Ba là: Ban chấp hành CĐCS phải luôn sáng tạo, đổi mới nội dung hình thức sinh hoạt của công đoàn như: Tại Hội nghị cán bộ công chức, viên chức, Hội nghi người lao động hàng năm, ngày thành lập Công đoàn Việt Nam; ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; ngày 20/10;ngày Gia đình Việt Nam, và các ngày lễ lớn của đất nước, của cơ quan , đơn vị, doanh nghiệp ... Khi tổ chức các hoạt động trên, công đoàn  cơ sở cần phải lồng ghép vào đó là các hoạt động văn nghệ, thể thao, tuyên truyền về thống của công đoàn, về nội dung quy chế của cơ quan, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiên bộ hạnh phúc ..Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ,  tuỳ theo tình hình thực tế, hàng tháng có thể xây dựng nội dung sinh hoạt phù hợp.CĐCS nên tập trung vào một đến hai  nội dung cơ bản, không nên dàn trải nhiều hoặc rập khuôn cứng nhắc. Điều cần chú ý, trong mỗi kỳ sinh hoạt, BCH công đoàn cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tìm hiểu hoàn cảnh của CNVC, lao động, nhắc nhở đoàn viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân…Đồng thời quan tâm  cần đề cập đến các vấn đề thiết thực như: quyền lợi cơ bản, hợp pháp chính đáng về: tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, chế độ làm thêm giờ cho người lao động, quan tâm tới các biện pháp cải thiện việc làm, nâng cao đời sống người lao động.

Bốn là:  Để thực hiện được chức năng của công đoàn trong cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp thì Ban chấp hành CĐCS cần phải chủ động, tích cực trong việc phối hợp với lãnh đạo cơ quan thực hiện tốt quy chế dân chủ theo quy định của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP (về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập); Nghị định 60/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết Khỏan 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc). Đây là giải pháp tích cực, tạo điều kiện để CĐCS hoạt động. Thực hiện tốt quy chế dân chủ sẽ phát huy được vai trò của tổ chức Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Mặt khác để nâng cao vai trò chỉ đạo của công đoàn trong hoạt động tại đơn vị thì BCH phải xây dựng quy chế phối hợp phối hợp hoạt động giữa công đoàn và chuyên môn. Trong đó quy định rõ ràng trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mà công đoàn cơ sở được quyền tham gia, quyết định và giám sát. Qua đó công đoàn mới kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động trong đơn vị.

Năm là: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuôc vân động. Xây dựng, cổ vũ, động viên kịp thời và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến. Chú trọng sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, chăm lo bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, lao động.

Sáu là: Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chấp hành CĐCS. Để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS phải nâng cao chất lượng hoạt động BCH. Ngay từ đầu nhiệm Ban chấp hành CĐCS phải có quy chế hoạt động, nghị quyết về phân công công tác cho từng đồng chí trong BCH không để công việc của tập thể lãnh đạo Ban chấp hành lại rơi vào cá nhân chủ tịch công đoàn cơ sở, biến Chủ tịch công đoàn cơ sở thành thủ trưởng giải quyết mọi vấn đề theo cá nhân mình. Ban chấp hành tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, số ít phục tùng số đông, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ban chấp hành phân công công tác cho các uỷ viên phải rõ ràng, tránh chồng chéo nhiệm vụ. Các uỷ viên Ban chấp hành phát huy tính tích cực trong tham mưu, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và trong phối hợp cộng tác với các uỷ viên khác, các bộ phận khác. Sinh hoạt ban chấp hành phải đều đặn thường kỳ, có ghi sổ nghị quyết để theo dõi thực hiện nhiệm vụ, chú ý phê bình nhắc nhở tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm

Bảy là: Ban chấp hành CĐCS phải thường xuyên quan tâm và tích cực tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn về công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ làm công tác Công đoàn ( vì thực tế hiện nay việc chọn cán bộ CĐCS là rất khó khăn, nhiều nơi không tìm được người làm cán bộ Công đoàn). Đồng thời Ban chấp hành CĐCS  cần phải không ngừng học tâp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận, phương pháp giao tiếp, hiểu biết chính sách pháp luật; trong công tác phải nhiệt tình sáng tạo để ngày càng thu hút đoàn viên, CNVCLĐ tham gia các hoạt động của tổ chức công đoàn.

 

Phạm Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch CĐ Ngành Công Thương Thanh Hoá


Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa