Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 977

    Đã truy cập: 2331891

Hiệp định CP TPP, cơ hội và thách thức với hoạt động công đoàn tại cơ sở

Ngày 9/3 Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại thủ đô Santiago de Chile; Tham gia lễ ký có đại diện 11 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây là thỏa thuận tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP được khởi động cách đây một năm sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP)

    Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

CPTPP là Hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện, bảo đảm sự dịch chuyển tự do ở mức độ cao hơn của hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ thông qua việc cam kết loại bỏ nhanh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và rào cản phi quan thuế; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, qua đó đem lại lợi ích nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh, người lao động cũng như người tiêu dùng. 
CPTPP sẽ thúc đẩy hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong thị trường 11 nước thành viên; tạo điều kiện để phát triển mạnh thương mại nội khối; nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; góp phần giải quyết những thách thức trong nền kinh tế đương đại, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát triển nền kinh tế số, xây dựng chính sách cạnh tranh và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và bảo vệ môi trường. Hiệp định còn có các quy định bảo đảm cơ hội để các nền kinh tế thành viên có trình độ phát triển khác nhau và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể được hưởng lợi; giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển.  CPTPP cũng bao gồm các cam kết về hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và có sự linh hoạt về lộ trình thực thi, phù hợp với sự khác biệt về trình độ phát triển để các bên có khả năng đáp ứng cam kết và tận dụng đầy đủ lợi ích của hiệp định. Đồng thời, quy định cơ chế giám sát thực thi và chế tài xử lý các vi phạm.

      CPTPP tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước; thừa nhận yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế và không bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh. Hiệp định cũng được kỳ vọng là tạo ra một nền tảng mới cho hội nhập kinh tế khu vực và tạo cơ hội cho các quốc gia khác trên vành đai Châu Á-Thái Bình Dương tham gia.

Cùng với những cơ hội thuận lợi, các hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị đoãng ra nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng. Thách thức về thực thi cũng rất lớn, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, chuyên gia kỹ thuật và pháp lý. Nội dung về lao động, việc làm và hoạt động công đoàn cũng đặt ra những thách thức và yêu cầu mới trong hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam và cả hệ thống chính trị của nước ta.

Tham gia CPTPP sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ cho hoạt động công đoàn, sự biến động về đội ngũ CNLĐ và cán bộ, đoàn viên công đoàn, về pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Những yếu tố đó tạo ra tích cực và tiêu cực đan xen đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn.

Huyện Yên Định theo thông kê  của Phòng Kinh tế Hạ tầng đến tháng 5 năm 2018 có 268 Doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 25 nghìn người lao động trong đó có 3 Doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn với trên 8 nghìn người; có 16 Doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với 8657 đoàn viên. Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay đối với LĐLĐ huyện và các CĐCS  phải bằng các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giữ vững đoàn viên, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cung cấp thông tin thời sự cho đội ngũ cán bộ công đoàn và đội ngũ báo cáo viên cơ sở; bám sát cơ sở cùng với cơ sở phát động các phong trào thi đua hiệu quả thiết thực để Doanh nghiệp ổn định sản xuất phát triển, nắm bắt kịp thời diễn biến  tư tưởng của người lao động, đề xuất với cấp ủy và phối hợp với Chính quyền giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn giữa Chủ Doanh nghiệp và người lao động; các công đoàn cơ sở làm tốt việc đối thoại định kỳ và Hội nghị người lao động đảm bảo thực hiện tốt Dân chủ tại nơi làm việc, nhằm nâng cao tư duy, nhận thức về công đoàn đối với CNVCLĐ.

CP TPP là cơ hội vừa là thách thức để tổ chức Công đoàn các cấp  phát triển, nâng cao vai trò của công đoàn đối với người lao động.

 

Xuân Giáp – LĐLĐ Yên Định

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa