Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 459

    Đã truy cập: 2347177

Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở

Trong hoạt động công đoàn, chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong những nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phong trào Công đoàn mạnh, cần có cán bộ Công đoàn tốt. Cán bộ Công đoàn phải là người hiểu biết về sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ Công đoàn phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế, có trình độ cả về tư tưởng, văn hóa, kỹ thuật thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển; phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, thì mới làm tròn được nhiệm vụ của mình. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn là bài học quý giá trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 92 năm qua.

 Ảnh: Đồng chí Lê Chung Văn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh giảng bài  cho Cán bộ CĐCS

Đối với Thanh Hóa, địa bàn hoạt động rộng, đầu mối Công đoàn cơ sở (CĐCS), số lượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), đoàn viên đông và không ngừng tăng lên, do chính sách thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội thông thoáng của tỉnh, dự kiến đến năm 2025, số lượng CNVCLĐ tiếp tục tăng lên khoảng 400.000 người, đoàn viên Công đoàn khoảng 350.000 người, chủ yếu tập trung ở khối sản xuất kinh doanh (hiện tại LĐLĐ đang quản lý 3.565 CĐCS, riêng khối sản xuất kinh doanh 635 CĐCS, dự kiến đến năm 2025 tăng lên khoảng 900 CĐCS doanh nghiệp). Về đội ngũ cán bộ CĐCS, hiện có 30.935 đồng chí, riêng cán bộ CĐCS trong khối sản xuất kinh doanh 9.024/30.935 đồng chí (chiếm 29,1%) tổng số cán bộ CĐCS toàn tỉnh. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ CĐCS đa phần trưởng thành từ phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, gần gũi với người lao động, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ CĐCS chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, thời gian giành cho hoạt động công đoàn ít. Năng lực chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ công tác công đoàn, tính năng động, sáng tạo, khả năng nhận biết, nắm bắt tình hình và kinh nghiệm thực tiễn của một bộ phận cán bộ CĐCS, nhất là đội ngũ cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng đoàn viên cũng như đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của CNVCLĐ.

Trong những năm qua, xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ CĐCS đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các Ban chuyên đề, các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức được 265 lớp với 42.471 lượt người tham gia học tập, trong đó, LĐLĐ tỉnh tổ chức 85 lớp cho 8.472 lượt người; LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành tổ chức 116 lớp cho 17.882 lượt người, các CĐCS tự tổ chức 54 lớp cho 16.117 lượt người.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ công đoàn vừa tinh thông, chuyên nghiệp, vừa có tâm, vừa có tầm, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của tổ chức công đoàn. Một trong những giải pháp cần triển khai thực hiên, đó là: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CĐCS, đây là yêu cầu khách quan và cấp bách đối với hoạt động CĐCS, nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Với mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS có kỹ năng nghiệp vụ công tác công đoàn, có kiến thức pháp luật và khả năng vận động, tập hợp quần chúng tham gia tổ chức công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ, tổ chức các phong trào, hoạt động góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, trong thời gian tới LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tập trung nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ CĐCS trong việc triển khai tổ chức các phong trào, hoạt động ở cơ sở, từ đó lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐCS có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”; Thực hiện tốt các giải pháp trong Kế hoạch hành động số 18/KHHĐ-LĐLĐ, ngày 22/8/2018 của LĐLĐ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 134/KH-LĐLĐ, ngày 06/11/2019 về triển khai Chương trình số 1563/Ctr-TLĐ, ngày 09/10/2019 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “xây dựng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”.

Rà soát, phân tích chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS, xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ CĐCS, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng bao gồm: giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức và lối sống bản chất giai cấp công nhân; Bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và các vấn đề phát sinh tại cơ sở; Nội dung, phương pháp công tác của cán bộ CĐCS; Kỹ năng tổ chức các phong trào thi đua; nghiệp vụ công tác Nữ công, Tài chính, kiểm tra giám sát... Đổi mới cách thức, phương pháp tập huấn theo hướng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, phát huy vai trò chủ động của đội ngũ cán bộ CĐCS trong việc trao đổi, thảo luận, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cơ sở…

Nâng cao chất lượng đội ngũ Giảng  viên kiêm chức, đảm bảo đủ năng lực, chuyên sâu về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐCS. Đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu đội ngũ Chủ tịch CĐCS doanh nghiệp có đông CNLĐ, chọn cử một số đồng chí Chủ tịch CĐCS doanh nghiệp đi đào tạo Lý luận và nghiệp vụ công đoàn. Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ công tác tập huấn, bồi dưỡng cho các cấp công đoàn trong tỉnh. Biên soạn, chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ CĐCS. Coi trọng hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ CĐCS.

Ba là, chỉ đạo các CĐCS tham gia với cấp uỷ, chính quyền, chuyên môn, doanh nghiệp làm tốt công tác lựa chọn, quy hoạch nguồn cán bộ CĐCS. Tăng cường việc bố trí đội ngũ cán công đoàn chuyên trách về công tác tại các CĐCS doanh nghiệp có đông CNLĐ. Chỉ đạo việc bầu trực tiếp Chủ tịch CĐCS trong các doanh nghiệp, nhằm phát huy tinh thần dân chủ của đoàn viên trong việc lựa chọn người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình tại cơ sở.

Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tùng loại hình CĐCS, nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia vào hoạt động công đoàn. Sắp xếp mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy năng lực, sở trường cá nhân cán bộ công đoàn trong tổ chức các phong trào hoạt động tại cơ sở. Thường xuyên tổ chức các phong trào, hoạt động, các hội diễn, hội thi, sân chơi[1]..., nhằm tạo ra nhiều diễn đàn mới cho đội ngũ cán bộ CĐCS phát huy kiến thức, kỹ năng, trí tuệ, sáng tạo, đồng thời chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và vận dụng vào thực tiễn hoạt động tại cơ sở, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CĐCS, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Năm là, tiếp tục kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách góp phần bảo vệ đội ngũ cán bộ CĐCS. Quan tâm, tích cực đề xuất, kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi, bổ sung Quy định về chế độ phụ cấp cán bộ công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với cán bộ CĐCS có nhiều thành tích trong hoạt động CĐCS, nhằm động viên tinh thần đội ngũ cán bộ CĐCS tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ kể trên, trong thời gian tới các cấp Công đoàn trong tỉnh chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác công đoàn cho đội ngũ cán bộ CĐCS, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

             Trịnh Thị Tuyết, Phó Trưởng ban Tổ chức  

 

 

 

[1] Hội thi “Cán bộ CĐCS giỏi”, Hội thi “Hát cho Công nhân nghe”...

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa