Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 1981

    Đã truy cập: 2260777

Xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội

Kể từ khi ra đời năm 2003 đến nay, mạng xã hội (MXH) đã tạo ra một giai đoạn “bùng nổ” cả về số lượng, mức độ và tốc độ lan truyền thông tin, đem đến nhiều tiện ích cho đời sống con người. Tuy nhiên, khi việc quản lý và kiểm soát thông tin trên môi trường “ảo” này không theo kịp tốc độ phát triển thì MXH lại chính là “con dao hai lưỡi” tác động nguy hại đến con người.

Kể từ khi ra đời năm 2003 đến nay, mạng xã hội (MXH) đã tạo ra một giai đoạn “bùng nổ” cả về số lượng, mức độ và tốc độ lan truyền thông tin, đem đến nhiều tiện ích cho đời sống con người. Tuy nhiên, khi việc quản lý và kiểm soát thông tin trên môi trường “ảo” này không theo kịp tốc độ phát triển thì MXH lại chính là “con dao hai lưỡi” tác động nguy hại đến con người.

(Ảnh minh họa, từ internet)

Với sự phát triển của MXH, việc quảng cáo của nghệ sĩ cũng không chỉ giới hạn trên báo chí, truyền hình mà còn chuyển sang các hoạt động giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng Facebook, TikTok hay YouTube, trong đó có việc nghệ sĩ trực tiếp phát đi thông tin, thông điệp quảng cáo trên trang cá nhân hoặc kênh riêng.

Hình thức quảng cáo này rất khó kiểm soát khi các nhãn hiệu, mặt hàng ngày càng xuất hiện tràn lan. Tin tưởng vào những lời tán dương của nghệ sỹ về tác dùng “trên trời” của các sản phẩm, công chúng nhiều khi không biết gì về nhà sản xuất lẫn sản phẩm nhưng vẫn tin tưởng mua dùng.

Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng đã quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày... đã bị công chúng phàn nàn là sản phẩm không đủ chất lượng hoặc công dụng không như quảng cáo. Trước sự việc trên, các cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên các phương tiện, đảm bảo nội dung phải trung thực, chính xác, rõ ràng.

Một trường hợp khác về một vị CEO nữ nổi tiếng cũng làm MXH đảo điên và người dùng MXH luôn trong tình trạng “nóng máy” khi ngày nào cũng ra rả xuất hiện với những lời lẽ không trong sáng nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số cá nhân, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam và chấn chỉnh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên MXH, ngày 17-6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép; tổ chức, cá nhân phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động, bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Bộ quy tắc cũng hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Chia sẻ ý kiến về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử này, nhiều người dùng MXH cho rằng nó mang lại nhiều ý nghĩa và đáng ra nên ban hành sớm hơn.

Chị Lê Phương Hà ở TP Thanh Hóa cho biết: Bộ quy tắc giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng mạng về việc họ nên ứng xử trách nhiệm như thế nào trên môi trường số để có sự chia sẻ, tôn trọng nhau.

Thực tế, để giảm thiểu “tác dụng ngược” của MXH, nhất là những thông tin nguy hại trên không gian mạng, các nhà phát triển MXH như: Google hay Facebook đều đang nỗ lực xây dựng các bộ lọc tự động nhằm phát hiện, loại bỏ, xóa tài khoản đăng tải các loại thông tin này. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này ít phát huy được tác dụng do thủ đoạn của các đối tượng ngày càng khó lường.

Xuất phát từ thực trạng tình hình và những vấn đề bức thiết đang đặt ra, chia sẻ tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và MXH do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin, Truyền thông, đã xác định một số giải pháp liên quan đến truyền thông xã hội rất đáng lưu ý. Đó là cần xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên MXH theo hướng “phản ứng nhanh, thống nhất dựa trên những đặc trưng, nguyên lý hoạt động riêng có của MXH” để có thể đáp ứng các yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây và chống, trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư, xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ, phá thế độc quyền của nền tảng, dịch vụ của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Cùng với đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng. Việc người dùng nâng cao sức “đề kháng”, trang bị hiểu biết về pháp luật, bộ lọc văn hóa tốt, ứng xử văn minh, lịch lãm trong tranh luận, phản biện, có năng lực về tin tức, đánh giá được độ tin cậy của thông tin trên truyền thông xã hội là rất quan trọng. Có như vậy, việc khai thác, sử dụng MXH mới hiệu quả, thiết thực và lành mạnh, người dùng mới có thể bảo vệ những giá trị của bản thân.

Nguồn: Tổng hợp

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa