Gặp những người lao động giỏi xứ Thanh
Tuy họ khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề, trình độ học vấn nhưng những đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đều có điểm chung là tinh thần lao động hăng say, tích cực tìm tòi, sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và cải thiện đời sống người lao động (NLĐ).
Gặp anh Lê Nhật Công, quản đốc xưởng cơ khí - sửa chữa, Chi nhánh Sản xuất nước thành phố, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa đúng thời điểm anh vừa đi dự lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, chúng tôi nhận thấy niềm hân hoan, phấn khởi vẫn còn hiện rõ trên gương mặt anh. Anh Công chia sẻ: “Những nỗ lực phấn đấu trong thời gian qua đã được lãnh đạo đơn vị, tổ chức công đoàn ghi nhận, biểu dương nên tôi vinh dự là một trong 3 đoàn viên, người lao động trong tỉnh tham dự chương trình lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”. Bản thân tôi sẽ tiếp tục nỗ lực rèn luyện phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần nhỏ bé để xây dựng quê hương, đất nước”.
Chị Đỗ Thị Hồng, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa kiểm tra quá trình phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.
Nhìn những bằng khen treo đầy trong phòng làm việc của anh Công mới thấy những đóng góp của anh không hề nhỏ bé chút nào. Anh đã 3 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều năm qua, anh Lê Nhật Công đã nghiên cứu thành công nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng, góp phần cải tiến kỹ thuật, bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất lao động của đơn vị. Trong số hàng chục sáng kiến áp của anh Công phải kể đến sáng kiến “Chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang phớt cơ khí làm kín tổng bơm” có giá trị làm lợi 947 triệu đồng/năm. Giải pháp này có ưu điểm là hạn chế được chi phí trong quản lý vận hành, như giảm chi phí điện năng, giảm sự mài mòn các thiết bị trong tổng bơm, nâng cao năng lực cấp nước ổn định, lâu dài để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hàng; giảm được chi phí trong quá trình sản xuất và nâng cao doanh thu tiền nước cho công ty; khắc phục được những khó khăn trong công tác sửa chữa; kéo dài được tuổi thọ của các thiết bị, phụ kiện trong tổng bơm; nâng cao độ an toàn, liên tục trong vận hành cấp nước tại các nhà máy. Đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, khích lệ NLĐ yên tâm công tác và tích cực trong việc tìm hiểu nâng cao trình độ và phát huy ý tưởng sáng kiến trong lao động sản xuất.
Chị Đỗ Thị Hồng, chuyên viên phòng Phân tích & Thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã không ngừng học hỏi, nỗ lực, tích cực đi đầu trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của đơn vị, luôn có những ý tưởng sáng tạo và tham mưu táo bạo giúp đơn vị tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bằng niềm đam mê và sức sáng tạo của mình, chị Đỗ Thị Hồng đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm nấm Cordyceps militaris L.ex Fr. (đông trùng hạ thảo) hữu cơ tại tỉnh Thanh Hóa”. Giải pháp mới của chị Đỗ Thị Hồng là sản xuất giống và nuôi thương phẩm nấm đông trùng hạ thảo từ nguyên vật liệu hoàn toàn là các sản phẩm hữu cơ tự nhiên có nguồn gốc trong nước, được kiểm soát nguồn gốc rõ ràng (gạo lứt, nhộng tằm, khoai tây, giá đỗ, đậu tương, nước khoáng, nước dừa...) và áp dụng công nghệ ứng dụng; công nghệ nhân giống; công nghệ nuôi trồng quả thể và công nghệ sấy đã tạo ra sản phẩm nấm có giá trị dược học cao nhưng giá thành thấp, mang lại sức khỏe tốt cho cộng đồng người tiêu dùng. Trung bình mỗi năm Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sản xuất được 20.000 hộp đông trùng hạ thảo, mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
“Ở đâu có niềm vui, ở đó có sáng tạo” - đó là phương châm làm việc của anh Lưu Thành Vinh, công nhân Công ty TNHH một thành viên Sông Chu. Với anh, niềm vui chính là đam mê trong công việc, là khát vọng được cống hiến và sáng tạo. Mỗi ngày, anh đều miệt mài làm việc, nghiên cứu để hiện thực hóa niềm đam mê của mình; hạnh phúc hơn khi những sáng kiến, sáng tạo ấy có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt cho công việc, cho sự phát triển chung của đơn vị.
Với nhiệt huyết sáng tạo, anh Lưu Thành Vinh đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Cải tiến nâng cao tuổi thọ của ổ khóa nâng hạ cửa cống từ ổ khóa V2 trở lên”. Anh Vinh cho biết: Hiện tại, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu đang có hơn 2.000 ổ khóa các loại có kích thước từ V2 trở lên. Chi phí để thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm đối với các loại ổ khóa bình quân lên đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi áp dụng sáng kiến này đã làm tăng tuổi thọ sử dụng của các loại ổ khóa, không còn phải thay thế nhiều ổ khóa do bị hỏng hóc, tiết kiệm và làm lợi chi phí cho công ty 350 triệu đồng/năm.
Nhiều năm qua, phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" được các cấp công đoàn trong tỉnh xem là mũi nhọn đột phá, khơi dậy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, hăng say của cán bộ, CNVCLĐ, từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp mà còn cải thiện đời sống NLĐ. Tuy hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng với tình yêu, sự tận tụy và hết lòng với công việc, nhiều đoàn viên, CNVCLĐ đã nỗ lực sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Bằng nhiệt huyết cùng với sự trải nghiệm nhiều năm và tinh thần nỗ lực sáng tạo, những người như anh Công, chị Hồng, anh Vinh đang là “ngọn lửa” truyền tinh thần lao động giỏi, lao động sáng tạo cho các đồng nghiệp của mình, trở thành tấm gương sáng trong sản xuất và góp phần đào tạo thêm nhiều lớp công nhân, lao động trẻ yêu lao động, khát khao cống hiến.
Bài và ảnh: Thanh Huê