Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 30

    Hôm nay: 1932

    Đã truy cập: 2260728

Học Bác để chăm lo người lao động tốt hơn

14 năm làm cán bộ công đoàn, trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, chị Lê Thị An, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN) tỉnh Thanh Hóa luôn tâm huyết với hoạt động công đoàn, không ngừng tìm kiếm những cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động (NLĐ). Vì lợi ích đoàn viên, NLĐ

Chị Lê Thị An trao tiền quyên góp ủng hộ của NLĐ Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2012, chị Lê Thị An được Ban Thường vụ công đoàn KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa điều động công tác về làm cán bộ công đoàn tại Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam. Tại Đại hội công đoàn Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam lần thứ nhất, chị Lê Thị An được bầu giữ chức chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty. Chị An chia sẻ: “Ngày được điều động về làm cán bộ công đoàn Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, bản thân mình vừa tự hào, vừa áp lực. Tự hào bởi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, được có cơ hội trải nghiệm thực tế hoạt động công đoàn ở doanh nghiệp (DN) FDI, số lượng NLĐ đông, quan hệ lao động phức tạp. Song, bản thân cũng có những áp lực, bởi mình là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, mỗi ngày phải đi gần 100 cây số để đến công ty, phương tiện đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, kinh nghiệm đi cơ sở chưa nhiều nên cũng gặp khó khăn khi làm việc và đối thoại với lãnh đạo DN và NLĐ. Thế nhưng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm được giao, mình đã quyết tâm vượt qua những thử thách, trở ngại”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân”, cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế”, “phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân", chị An đã vận dụng vào thực tiễn, từ đó, luôn trăn trở và tìm tòi những nội dung phương pháp hoạt động công đoàn để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS, luôn gương mẫu đi đầu, nỗ lực cố gắng trong mọi công việc, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động (CNLĐ), phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Từ trăn trở ấy, chị cùng với các thành viên trong Ban chấp hành (BCH) CĐCS thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật lao động lưu động ở các tổ, xưởng trong nhà máy, với những nội dung phong phú và hình thức sinh hoạt mới phù hợp với tâm lý của đoàn viên nên thu hút được nhiều CNLĐ tham gia. Qua đó giúp cho CNLĐ và người sử dụng lao động hiểu và thực hiện đúng pháp luật, chia sẻ khó khăn với nhau, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNLĐ để góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh.

Với cương vị là “thủ lĩnh” CĐCS, chị An đã cùng BCH công đoàn công ty nhiều lần đề xuất các chính sách hỗ trợ cho CNLĐ và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo DN thông qua việc phối hợp với ban giám đốc DN tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ... Đặc biệt, nữ chủ tịch CĐCS đã chủ động xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động với những điều khoản có lợi hơn so với luật cho NLĐ như: Đề nghị lắp thêm các vòi xịt và bệ vệ sinh bệt trong các nhà vệ sinh cho lao động nữ có bầu khi đi vệ sinh được đảm bảo an toàn; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 làm việc 7 giờ/ngày được hưởng lương 8 giờ/ngày; DN hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ cho NLĐ có con dưới 6 tuổi là 50.000 đồng/cháu/tháng; không tổ chức tăng ca vào các ngày lễ như: 8-3, 20-10, 1-6; hằng tháng công ty cùng công đoàn đến nhà thăm hỏi, động viên từ 5 đến 10 CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền 2 triệu đồng/ công nhân/lần…Bên cạnh đó, công đoàn và DN phối hợp xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng và quy chế nâng lương định kỳ cho NLĐ; vận động toàn thể CNLĐ quyên góp ủng hộ cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn giao thông, bệnh tật hiểm nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng/năm.

Để tổ chức hiệu quả các hoạt động công đoàn ở một DN FDI có số lao động đông nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay với 23.000 người, trong đó có 90% là lao động nữ, chị An đã dành hầu như toàn bộ thời gian nghỉ giữa ca và ngoài ca làm việc của mình để đến từng bộ phận động viên chia sẻ, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và tâm tư nguyện vọng của CNLĐ. Chính vì cùng làm, liên tục trao đổi, giữa chị và các đoàn viên, NLĐ đã có sự thấu hiểu lẫn nhau, nên mỗi hoạt động của CĐCS do chị tổ chức đều nhận được sự đồng tình hỗ trợ của lãnh đạo DN và sự hưởng ứng, tham gia của đoàn viên, NLĐ.

Tuy nhiên, theo chị, chỉ hiểu và cảm thông nhau là chưa đủ. Muốn được NLĐ hưởng ứng các hoạt động công đoàn, sẵn sàng tham dự các phong trào do công đoàn phát động, thì công đoàn phải làm cho đoàn viên, NLĐ thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia hoạt động công đoàn. Do vậy, chị luôn đề ra các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho hoạt động công đoàn của công ty nhằm nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần, thúc đẩy các phong trào thi đua trong CNLĐ.

Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn

Nhờ tạo được uy tín với Ban Giám đốc DN, nên mọi hoạt động của CĐCS đều được triển khai tích cực, thể hiện đúng chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Hằng năm, Ban Giám đốc cùng công đoàn tổ chức chương trình Tết sum vầy cho NLĐ; tổ chức tuyên dương CNLĐ có thành tích xuất sắc trong công việc; nhiều hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ. Và nhiều hoạt động do công đoàn cấp trên phát động đều được tổ chức hoặc tham gia đầy đủ. Đặc biệt, nhiều năm được công đoàn KKTNS&CKCN chọn địa điểm tại công ty để tổ chức lễ phát động “Tháng Công nhân” với nhiều hoạt động ý nghĩa…

Xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty, chị An đã cùng với BCH công đoàn luôn đề ra các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho hoạt động công đoàn của DN; tổ chức sôi nổi các phong trào thi đua để nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện môi trường làm việc.

Năm 2018, chị An xây dựng chương trình “Sức sống mới từ phế liệu” với nội dung kêu gọi NLĐ trong toàn nhà máy tận dụng phế liệu của DN để tạo nên các sản phẩm có giá trị sử dụng hằng ngày như: Cặp, bàn, tủ để sách của học sinh, bộ đồ dùng học tập, túi đeo, tạp dề, mũ, bàn ghế, tủ đựng quần áo, kệ để dép... để tặng cho công nhân nghèo trong nhà máy. Sau đợt phát động, hàng trăm sản phẩm đã được tạo ra từ những bàn tay khéo léo của CNLĐ để tặng cho những đồng nghiệp của mình. Nhiều công nhân cảm động khi nhận các món quà và trân quý tấm lòng cũng như công sức của các đồng nghiệp dành cho họ. Qua chương trình đã vun đắp thêm tinh thần yêu thương, chia sẻ trong CNLĐ và tăng thêm niềm tin của công nhân vào tổ chức công đoàn.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, năm 2019, chị An đề xuất ý tưởng thay đổi cách thức tuyên truyền pháp luật lao động và công tác an toàn vệ sinh lao động trong công nhân bằng việc công đoàn thí điểm tổ chức Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi kết hợp giữa hình thức thi viết và sân khấu hóa. Thực hiện tuyên truyền qua hình thức này mang lại hiệu quả rõ nét. Khi công nhân thi viết, họ chủ động dành thời gian tìm hiểu các quy định về an toàn vệ sinh lao động, từ đó sẽ hiểu sâu, nắm chắc hơn. Đồng thời lồng ghép giữa thi viết với sân khấu hóa sẽ tạo cơ hội cho công nhân được thể hiện khả năng trình bày, giải đáp các nội dung liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, được đồng nghiệp cổ vũ, khích lệ và tạo không khí vui vẻ cho chương trình tuyên truyền. Hình thức này đang được triển khai tại công ty 2 năm qua.

Tiếp nối thành công của các ý tưởng trước đó, năm 2020, chị An tiếp tục thực hiện ý tưởng đàm phán với DN đồng hành với công đoàn trong việc biểu dương, khen thưởng cho đoàn viên, NLĐ. Sau khi đàm phán thành công với lãnh đạo DN, công đoàn đã xây dựng quy chế phối hợp biểu dương, khen thưởng với DN, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để NLĐ nắm rõ, qua đó tạo nên các phong trào thi đua lao động, sản xuất trong toàn công ty. Đến nay, việc biểu dương, khen thưởng NLĐ là việc làm thường xuyên của tổ chức công đoàn.

Chị An cho biết: Học tập làm theo lời Bác không bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể; không được tự bằng lòng với những gì mình đã làm được mà luôn đổi mới, sáng tạo, nỗ lực hết mình, trách nhiệm với công việc được giao để hoàn thành tốt hơn nữa. Tất cả chương trình, kế hoạch tôi đều xây dựng xuất phát từ nhu cầu, lợi ích thiết thực của đoàn viên, NLĐ và hiệu quả hoạt động của tổ chức. Niềm vui của NLĐ cũng chính là niềm vui của người cán bộ công đoàn.

Bằng sự năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo, hết lòng với đoàn viên và NLĐ, nhiều năm qua, chị An đã phát huy vai trò “thủ lĩnh” công đoàn. Các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể cho hoạt động công đoàn của DN do chị khởi xướng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần, thúc đẩy các phong trào thi đua trong đoàn viên, NLĐ; đồng thời làm cầu nối gắn kết giữa chủ DN và NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.

10 năm qua, Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam phát triển không ngừng, từ một doanh nghiệp với 750 NLĐ, đến nay công ty có số lượng NLĐ đông nhất tỉnh, với  23.000 người. Các chế độ chính sách cho NLĐ được DN thực hiện đầy đủ, bài bản, không để xảy ra tranh chấp lao động hay đình công trái quy định của pháp luật. Để có được những điều đó, có sự đóng góp không nhỏ của “thủ lĩnh” CĐCS Lê Thị An.

Sau 9 năm làm Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, ngày 23-6-2021, Chị Lê Thị An có quyết định điều động công tác về Công đoàn KKTNS &CKCN tỉnh Thanh Hóa. Ngày 2-7-2021, tại Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn KKTNS &CKCN lần thứ 23, chị Lê Thị An được bầu bổ sung giữ chức Phó Chủ tịch công đoàn KKTNS &CKCN, nhiệm kỳ 2017-2022.

          “Thời gian được điều động về làm chủ tịch CĐCS đã giúp tôi rèn luyện và trưởng thành. Giờ đây, tôi mong muốn tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để phấn đấu, cống hiến cho tổ chức công đoàn” chị An cho biết.

Với những thành tích nổi bật, những năm qua, chị Lê Thị An luôn là tấm gương sáng trong hoạt động công đoàn của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều năm liên tục, chị được tặng Bằng khen của LĐLĐ tỉnh, của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chị cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa