Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 12

    Hôm nay: 2928

    Đã truy cập: 2330239

Một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ Cán bộ Công đoàn cơ sở

Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là cơ sở quyết định chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn. Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã chọn ra ba khâu đột phá quyết tâm thực hiện trong nhiệm kì 2018 - 2023, trong đó khâu “Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ” được đánh giá là khâu then chốt.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nắm vững lý luận, nghiệp vụ công đoàn, pháp luật về công đoàn và lao động nhằm hướng dẫn chỉ đạo có hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở. Đổi mới phương thức và nâng cao kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn; chú trọng nâng cao kỹ năng đàm phán, thương lượng, đối thoại của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước.  Do vậy việc bồi dưỡng về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn và kỹ năng hoạt động công đoàn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở là hết sức quan trọng.

Hiện nay, trong quá trình hội nhập quốc tế, với nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều loại hình doanh nghiệp đang  xuất hiện và ngày càng phát triển nhanh chóng và có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Cán  bộ  CĐCS Tuyên truyền PL tại công  ty Alena

Cùng với sự phát triển về nhiều mặt của đất nước và địa phương, trong những năm qua số lượng CNVCLĐ tại huyện Yên Định đã có bước phát triển vượt bậc về số lượng, đa dạng về cơ cấu. Đặc biệt là do có các chính sách thu hút đầu tư của huyện đã có nhiều doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động. Chính sự phát triển này đã phát sinh những vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tổ chức công đoàn.

Theo thống kê đến thời điểm hiện nay LĐLĐ huyện Yên Định có 134 CĐCS trực thuộc, đội ngũ Ban chấp hành CĐCS gồm có 415 người, có 134 Chủ tịch CĐCS và 281 Ủy viên Ban Chấp hành. Trong số cán bộ CĐCS trình độ Cao học là 6 người, trình độ Đại học là 372 người, trình độ Cao đẳng là 6 người, trình độ Trung  cấp là 20 người, trình độ sơ cấp là 11 người, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên là 119 người. Như vậy theo số liệu thống kê đội ngũ cán bộ CĐCS tại huyện Yên Định về trình độ tương đối đồng đều về chất lượng, đảm bảo về số lượng để chỉ đạo tốt hoạt động của các CĐCS.

 Nhìn chung, đội ngũ cán bộ CĐCS cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động ; phối hợp tốt với chủ sử dụng lao động trong việc xây dựng nội qui, qui chế làm việc; hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động, xây dựng và ký kết Thoả ước lao động tập thể; tuyên truyền, giám sát thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường; đồng thời hưởng ứng, thực hiện tốt các hoạt động xã hội, từ thiện do các cấp công đoàn phát động; làm tốt công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh. Nhiều cán bộ CĐCS thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thông qua các hoạt động nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Công đoàn cấp trên; nhất là việc tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động thực hiện tốt  “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước từ khâu phát động, đăng ký thi đua, kiểm tra, giám sát đến tổng kết khen thưởng, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều cán bộ CĐCS mặc dù kiêm nhiệm, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động công đoàn, song qua hoạt động thực tiễn, họ đã khẳng định tốt vai trò của mình trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đạt được, nhiều cán bộ CĐCS được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐCS vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: một số nơi cán bộ CĐCS chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động để tập hợp thu hút NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn; tổ chức các hoạt động của CĐCS  chưa đi vào chiều sâu; nội dung và phương thức hoạt động chưa được đổi mới; một bộ phận cán bộ CĐCS thiếu nhiệt tình và chưa dành thời gian nghiên cứu nghiệp vụ công đoàn, ít gắn bó với đoàn viên, NLĐ; một số chủ tịch CĐCS chưa thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ

Trên thực tế hoạt động các  năm qua  cho thấy  đa số các CĐCS khối hành chính sự nghiệp hoạt động Công đoàn diễn ra nhịp nhàng, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ Công đoàn ở các đơn vị này ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu lãnh chỉ  đạo hoạt động tại các CĐCS. Tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy hoạt động của công đoàn cơ sở trong một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được người lao động và đoàn viên tham gia, hoạt động còn nặng về hình thức, bị áp đặt, lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, mạnh dạn đề xuất những vướng mắc của người lao động với người sử dụng lao động có nơi, có lúc chưa kịp thời, dẫn đến tích tụ mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp lao động. Ngay trong khối hành chính sự nghiệp cũng có một số đồng chí cán bộ công đoàn chưa thực sự tâm huyết với công tác công đoàn, nên chỉ đạo hoạt động công đoàn ở đơn vị phụ trách hiệu quả chưa cao.

Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chính là do cán bộ công đoàn tại các đơn vị này còn yếu một số kỹ năng cơ bản trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng kế hoạch hoạt động và kỹ năng thương lượng đối thoại, vì vậy lúng túng khi tổ chức hoạt động; ở CĐCS khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài một số đồng chí cán bộ công đoàn cũng chưa tự tin để trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động, chưa tạo được sức hút, sự tin tưởng, tham gia của người lao động vào các hoạt động công đoàn cũng như sự tạo điều kiện và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tổ chức Công đoàn.

Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế là do hầu hết đội ngũ cán bộ CĐCS hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, thay đổi vị trí công tác; cán bộ CĐCS nhất là cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp còn bị chi phối, phụ thuộc vào người sử dụng lao động, dẫn đến tâm lý e ngại, không dám đứng ra đối thoại để bảo vệ khi NLĐ có yêu cầu… Một số cán bộ CĐCS chưa tự tin, ít nghiên cứu nghiệp vụ công đoàn, thiếu bản lĩnh để trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể, chưa nắm kỹ phương pháp, kỹ năng trong việc tuyên truyền vận động CNVCLĐ, chưa tạo được sức hút, sự tin tưởng, tham gia của người lao động vào các hoạt động công đoàn.

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm; đủ năng lực tập hợp đoàn kết CNVCLĐ, thống nhất trong ban chấp hành CĐCS, thời gian tới các cấp công đoàn cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:

  Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, với mục tiêu: Mọi hoạt động công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy đoàn viên và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của công đoàn; xây dựng sức mạnh của tổ chức Công đoàn từ nền tảng sức mạnh của tập thể NLĐ. Củng cố và phát triển tổ chức CĐCS thực sự là nền tảng vững chắc, tổ chức đại diện và bảo vệ tốt nhất của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ.

Nghiên cứu và vận dung mô hình, cơ cấu tổ chức CĐCS theo hướng tinh gọn, để ban chấp hành CĐCS chỉ đạo trực tiếp đến tổ công đoàn; xây dựng các mô hình CĐCS linh hoạt để thích ứng với mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có quy mô lớn. Có như vậy, đội ngũ cán bộ CĐCS sẽ giảm tải một số công việc để tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm trọng tâm của mình, nhất là gần gũi, gắn bó hơn với đoàn viên, NLĐ, giải quyết kịp thời các phát sinh từ cơ sở.

Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh. Đội ngũ cán bộ CĐCS cần có chất lượng toàn diện, vừa có kiến thức rộng và sâu, vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết về công đoàn và pháp luật; có kỹ năng nắm bắt và nhạy bén xử lý nhanh các thông tin; thấu hiểu tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; biết tổ chức, tập hợp, thu hút NLĐ tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Muốn vậy, đội ngũ cán bộ CĐCS cần được bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên về quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là năng lực đối thoại, thương lượng tập thể, ưu tiên đối thoại về tiền lương tại khu vực doanh nghiệp, phối hợp thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, nhất là cán bộ CĐCS khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để thành tốt các nhiệm vụ công đoàn trong thời kỳ mới; đồng thời, cần bồi dưỡng bảo đảm đủ nguồn cán bộ cho mỗi kỳ đại hội công đoàn cấp cơ sở.
          Ba là, thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ; thực hiện tốt công tác chăm lo lợi ích cho NLĐ theo hướng phục vụ trực tiếp, đúng đối tượng đảm bảo quyền lợi gắn với trách nhiệm; chú trọng thực hiện phúc lợi đoàn viên ở cơ sở. Từ đó giúp cán bộ CĐCS thuận lợi trong thu hút, tập hợp, gắn kết chặt chẽ đoàn viên, NLĐ với tổ chức Công đoàn. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ. theo hướng thiết thực hiệu quả, xuất phát từ yêu cầu của cơ sở và đoàn viên, NLĐ; tham gia thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh Covid-19, ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ... Mỗi một phong trào, một hoạt động cần có vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ CĐCS.

Bốn là, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi hoạt động của cán bộ CĐCS, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, giúp cán bộ CĐCS phát huy điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mối quan hệ giữa công đoàn cấp trên với cán bộ CĐCS phải là mối quan hệ hỗ trợ, cộng tác, cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khen thưởng, đồng thời đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời cán bộ CĐCS có nhiều đóng góp xây dựng CĐCS, có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, nhất là việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Năm  là, thực hiện tốt công tác chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động theo hướng phục vụ trực tiếp, đúng đối tượng đảm bảo quyền lợi gắn với trách nhiệm. Từ đó thu hút, tập hợp, gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn; thực hiện thường xuyên công tác nắm tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của CNVCLĐ. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Công đoàn cơ sở là nền tảng của tổ chức Công đoàn, nơi trực tiếp tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, các CĐCS vững mạnh là cơ sở để tổ chức Công đoàn vững mạnh. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐCS là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của CĐCS. Chính vì thế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐCS có tầm quan trọng và ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại của tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh hiện nay./.

                                       Phạm  Thị Nga -  LĐLĐ huyện Yên Định

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa