Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công tác nữ công tại Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa
Công tác nữ công là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn. Những năm qua, vai trò của công tác nữ công ngày càng được khẳng định trong việc tuyên truyền, vận động nữ cán bộ, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. Hiện nay, nữ CNVCLĐ ở các cấp công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa có 2.052 người, chiếm tỉ lệ gần 55% trên tổng số CNVCLĐ trong toàn ngành. Số Ban Nữ công quần chúng có 35/42 (CĐCS đủ điều kiện thành lập Ban Nữ công quần chúng), trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp có 4 Ban Nữ công quần chúng, khu vực khối doanh nghiệp có 31 Ban Nữ công quần chúng.
Nhận thức rõ vai trò của phong trào nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn toàn ngành, thời gian qua, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã tập trung chỉ đạo công đoàn các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Lực lượng nữ CNVCLĐ trong ngành đã không ngừng phát huy vai trò, vị trí, năng lực của mình trên tất cả các lĩnh vực công tác; từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực trong sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ảnh: Đồng chí Phạm Ngọc Điệp, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, của Ban nữ công Sở Công Thương
Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới và tuyên truyền về các chế độ chính sách có liên quan đến lao động nữ; tổ chức cho nữ CNVCLĐ sinh hoạt, toạ đàm kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; 20/10; các chế độ chính sách như việc làm, tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, BHTN, BHLĐ, ốm đau, thai sản, khám sức khoẻ định kỳ cho nữ CNVCLĐ cơ bản được đảm bảo; qua kiểm tra, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ chính sách đối với lao động nữ. Phong trào "Giỏi việc nước đảm việc nhà" gắn với phong trào "phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" được duy trì thường xuyên, có 100% nữ CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời làm tốt thiên chức của người phụ nữ, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công tác nữ công Công đoàn ngành vẫn còn một số hạn chế như: một số Ban Nữ công quần chúng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa chủ động tham mưu Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ; việc tổ chức phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ có nơi, có lúc hiệu quả chưa cao; một số Ban Nữ công thành lập mới nên kinh nghiệm, kĩ năng, nghiệp vụ hoạt động còn hạn chế.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác nữ công, trong thời gian tới các cấp Công đoàn ngành Công Thương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận 147/BCH-TLĐ ngày 4/2/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH về “công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 12b/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Hai là: Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác nữ công của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Ban Nữ công công đoàn các cấp trong ngành đã tham mưu Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động; tạo điều kiện để cán bộ nữ công trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động nữ công, tạo mối liên kết mật thiết giữa nữ CNVCLĐ với hoạt động nữ công.
Ba là: Chỉ đạo của các cấp Công đoàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nữ CNVCLĐ trong ngành. Ban Nữ công công đoàn các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn liên quan đến nữ CNVCLĐ, như tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, kiến thức pháp luật, dân số- sức khỏe sinh sản, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thi, hội thảo, gặp mặt cán bộ nữ công, gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu, trao đổi kĩ năng, truyền thông nuôi con bằng sữa mẹ, tổ chức khám chuyên khoa cho nữ CNLĐ.
Bốn là: Chỉ đạo Ban Nữ công công đoàn các cấp trong ngành vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, trọng tâm là các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, vừa lao động sản xuất, học tập, công tác, vừa tích cực cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm hay, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất. Cùng với Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công quần chúng cần chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên, người lao động và phản ánh, đề xuất, kiến nghị với công đoàn cấp trên; kiến nghị chủ sử dụng lao động quan tâm, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chăm lo và cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống cho lao động nữ như: tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thuyết phục với chủ doanh nghiệp kí kết các điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ, nâng cao vai trò đại diện của Ban Nữ công quần chúng công đoàn các cấp.
Năm là: Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác tham gia quản lí và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ, có những kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm chế độ chính sách lao động nữ. Các công đoàn cấp trên cơ sở chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác nữ công ở cơ sở; kịp thời kiến nghị các cấp ủy đảng, chuyên môn đồng cấp quan tâm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ.
Lê Thị Thuận – Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa