Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 7

    Hôm nay: 635

    Đã truy cập: 2331549

Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh góp phần xây dựng Đảng, phát triển Đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước

Trong công cuộc đổi mới đất nước với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì doanh nghiệp là khu vực kinh tế đóng góp rất quan trọng vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, trong đó có doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

       Theo quy định, các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước bao gồm: doanh nghiệp tư nhân (trong đó có công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân); doanh nghiệp có vốn thuộc sở hữu Nhà nước từ 50% trở xuống; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh và 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI). Theo báo cáo thống kê của các cấp Công đoàn trong tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 5.787 doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước (trong đó 736 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn), đây là khu vực hiện thu hút nhiều lao động nhất đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI. Từ vai trò đặc biệt quan trọng đó, để tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, để giai cấp công nhân thực sự là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, thì tất yếu cần phải phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò của tổ chức Công đoàn trong tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Với tinh thần đó, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 23/11/1996 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành: Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”; đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, đây là giải pháp mang tính đột phá, khẳng định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam trong xây dựng tổ chức Đảng tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

       Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương; trong thời gian qua công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp  khu vực ngoài Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng; tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và chủ doanh nghiệp về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Công đoàn ở các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng khẳng định được vai trò của mình, nhất là trong tập hợp, đoàn kết, phát triển Đảng viên; vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã quan tâm đến công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên; từ đó, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, đoàn kết người lao động trong doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tham gia định hướng doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, tăng cường mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Hoạt động của tổ chức Công đoàn ngày càng phong phú, thiết thực, được đông đảo công nhân, người lao động hưởng ứng, góp phần tích cực vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu Công nghiệp trao quyết định thành lập CĐCS Công ty CP Chế biến lâm sản Đại Dương

       Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác Công đoàn tham gia xây dựng Đảng như: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 23/7/20218 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam… vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công đoàn trên địa bàn tỉnh; thường xuyên chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác phấn đấu để trở thành đảng viên của mỗi đoàn viên Công đoàn thông qua việc thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;  tích cực tham gia công tác phát triển đảng viên, xây dựng Chi bộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động với cấp ủy Đảng, chính quyền để có những chính sách phù hợp; giới thiệu những đoàn viên Công đoàn ưu tú, cán bộ CĐCS tiêu biểu có trình độ, đủ năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; căn cứ chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIX Công đoàn tỉnh Thanh Hóa, hàng năm Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã giao chỉ tiêu về giới thiệu đoàn viên Công đoàn ưu tú cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp và xác định là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn, đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh xây dựng chương trình công tác, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh. Kết quả, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 139 CĐCS khu vực ngoài nhà nước với 60.447 đoàn viên; có 154 CĐCS khu vực ngoài nhà nước được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 763 CĐCS khu vực ngoài nhà nước được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; giới thiệu 3.454 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng và kết nạp, trong đó có 1.265 đoàn viên được kết nạp vào Đảng.

 

Chi bộ Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên cho đoàn viên Công đoàn ưu tú

       Những kết quả đạt được thời gian qua cho thấy bên cạnh những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các chủ doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ Công đoàn, đó còn là nhu cầu chính đáng, khách quan cũng như nhận thức của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước để được bảo vệ, được tập hợp, đoàn kết, đặc biệt là nhu cầu tự thân được đứng trong hàng ngũ của Đảng để họ có điều kiện phát huy tối đa năng lực cá nhân cũng như đóng góp cho cộng đồng, xã hội, đất nước và cho lý tưởng cách mạng.

       Tuy nhiên, công tác tham gia xây dựng đảng và phát triển đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước của tổ chức công đoàn còn gặp những khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, người lao động trong việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể ở một số nơi còn gặp khó khăn; nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể nên chưa quan tâm, tạo điều kiện cho việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp do mình quản lý; nhận thức chính trị của một bộ phận công nhân, người lao động còn hạn chế, ít quan tâm hoặc ngại tham gia hoạt động chính trị, chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên; năng lực, trình độ của một số cán bộ Công đoàn còn hạn chế, ngại khó, thiếu kiên trì…

       Từ thực tiễn nêu trên, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước là tất yếu khách quan, được đặt ra một cách cấp bách, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; việc thực hiện các cam kết khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về lao động, công đoàn và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gắn với xu thế người lao động trong khu vực doanh nghiệp được quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho mình theo quy định pháp luật… Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản sau đây:

       Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong giới chủ doanh nghiệp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về sự cần thiết xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước. Coi việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

       Thứ hai, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, làm cơ sở cho công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, tạo động lực nâng cao tinh thần, ý chí quyết tâm phấn đấu rèn luyện trở thành đảng viên của công nhân, người lao động nhằm xây dựng Đảng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, tạo cho Đảng có sức mạnh tổng hợp để lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

       Thứ ba, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền đồng cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp thành lập các tổ chức quần chúng, nhất là tổ chức Công đoàn gắn với phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp, xác định là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp uỷ đảng, của cả hệ thống chính trị; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong việc thành lập và tổ chức hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp.

       Thứ tư, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở. Theo đó, Công đoàn cấp trên cơ sở cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, hiểu biết pháp luật, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, hết lòng vì người lao động, vừa biết khéo léo và biết nói lên tiếng nói của người lao động, vừa hiểu tâm lý của giới chủ, biết cách tham mưu, đề xuất với giới chủ.

       Thứ năm, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, trong đó tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn. Tăng cường phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, đặc biệt là phong trào “Công nhân viên chức lao động chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh thịnh vượng giai đoạn 2021-2030”, tạo điều kiện cho công nhân rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện những đoàn viên Công đoàn ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng năm, chọn lọc nội dung tuyên truyền, học tập và có hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân lao động./.

                                                                      Hoàng Lê Thái - Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa