Một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở
Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn & các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 31/QĐ-LĐLĐ ngày 18/6/2007 của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa với 09 CĐCS trực thuộc và 742 đoàn viên; đến nay tổng số CĐCS trực thuộc 115 CĐCS với 84.240 đoàn viên/85.979 CNLĐ. Tổng số cán bộ Công đoàn cơ sở (tính từ tổ phó tổ Công đoàn trở lên) 1.461 đồng chí; trong đó cán bộ Công đoàn cơ sở là UV BCH, UV UBKT CĐCS là: 713 đồng chí, cán bộ là tổ trưởng tổ Công đoàn là: 748 đồng chí.
Thực trạng hiện nay hoạt động của Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp nhìn chung chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được người lao động và đoàn viên tham gia, hoạt động còn nặng về hình thức, bị áp đặt, lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, mạnh dạn đề xuất những vướng mắc của người lao động với người sử dụng lao động chưa kịp thời, dẫn đến tích tụ mâu thuẫn, dễ phát sinh tranh chấp lao động và ngừng việc. Một số cán bộ Công đoàn còn yếu về kỹ năng cơ bản trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng kế hoạch hoạt động và kỹ năng thương lượng đối thoại. Vì vậy, hoạt động chưa thực sự hiệu quả và đáp ứng sự mong đợi của NLĐ. Có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân đa số cán bộ CĐCS đều làm việc kiêm nhiệm, công việc thường xuyên biến động, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là chủ yếu, ít có thời gian dành cho hoạt động Công đoàn, một số cán bộ Công đoàn chưa phát huy hết được vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động để tập hợp thu hút người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn; chưa chịu khó đầu tư suy nghĩ để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động dẫn đến nội dung và hình thức sinh hoạt khô khan, thiếu sinh động; chưa tập trung nghiên cứu, tự trao dồi học tập về nghiệp vụ công tác Công đoàn, chưa nhiệt tình với công tác Công đoàn, vì đoàn viên mà hoạt động. Cán bộ Công đoàn, trong đó có một số ít Chủ tịch Công đoàn cơ sở do mới tham gia Ban Chấp hành lần đầu nên chưa có kinh nghiệm về phương pháp tổ chức hoạt động, chưa thể hiện được bản lĩnh trong việc phối hợp với lãnh đạo đơn vị, với người sử dụng lao động nên chưa mang lại hiệu quả cao trong hoạt động Công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Nhân Ái – PCT Công đoàn Khu KTNS & các Khu CN hướng dẫn kỹ năng thương lượng thỏa ước lao động tập thể cho CBCĐ.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Công đoàn cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khẳng định vị thế, vai trò, tiếng nói của Công đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Các CĐCS trực thuộc cần có một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở như sau:
Một là, cán bộ CĐCS cần không ngừng nâng cao bãn lĩnh, uy tín, tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn cho các cán bộ Công đoàn cơ sở phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh từng đơn vị, doanh nghiệp. Chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ Công đoàn; học tập và vận dụng những bài học kinh nghiệm trong hoạt động Công đoàn, nắm vững kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động và pháp luật lao động để sẵn sàng đứng ra phân tích, đánh giá khi lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động chưa hiểu về các chế độ, chính sách trong lao động.
Hai là, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp như: hội thi, hội diễn, sân chơi tìm hiểu kiến thức, rung chuông vàng ... nhằm tạo ra nhiều diễn đàn cho đội ngũ cán bộ CĐCS phát huy kiến thức, kỹ năng, trí tuệ, sáng tạo, đồng thời chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và vận dụng vào thực tiễn hoạt động tại cơ sở. Quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Tranh thủ sự quan tâm, phối hợp với lãnh đạo đơn vị, người sử dụng lao động để tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động tốt hơn.
Ba là, Chú trọng công tác cán bộ, theo dõi phát hiện kịp thời kết nạp những cán bộ Công đoàn nhiệt tình, có năng lực tập hợp quần chúng; có tác phong liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động; có kỹ năng tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, để giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động; có bản lĩnh dám đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Tập trung tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng đàm phán, thương lượng, đối thoại cho cán bộ công đoàn cơ sở từ tổ trưởng tổ Công đoàn trở lên. Khi đã có đủ kỹ năng, người cán bộ Công đoàn trong việc tổ chức các hoạt động cho công nhân hoặc thương lượng các phúc lợi về thưởng, tăng bữa ăn ca, tăng các khoản trợ cấp cho NLĐ sẽ dễ dàng thương lượng với chủ DN
Bốn là, lựa chọn đội ngũ chủ tịch CĐCS thực sự là thủ lĩnh của đoàn viên, NLĐ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ chủ tịch CĐCS; tăng cường các biện pháp bảo vệ và quan tâm thực hiện chính sách đối với Chủ tịch CĐCS; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng CĐCS vững mạnh; phát hiện, giới thiệu cho Đảng xem xét bồi dưỡng kết nạp Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực nhà nước vào Đảng...
Năm là, Duy trì và phát huy chất lượng sinh hoạt báo cáo viên tại các CĐCS trực thuộc, kịp thời tuyên truyền, cung cấp các thông tin cần thiết đến cán bộ Công đoàn cơ sở. Phát huy mỗi cán bộ Công đoàn cơ sở là một báo cáo viên, một tuyên truyền viên tích cực tại cơ sở.
Sáu là; Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn theo hướng dựa vào tập thể, có chính sách hợp lý để hỗ trợ cán bộ Công đoàn khi bị người sử dụng lao động sa thải do đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn ở cơ sở.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong điều kiện hiện nay là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của mỗi một cán bộ Công đoàn cơ sở và sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng và Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Nhân Ái – Phó chủ tịch Công đoàn KKTNS&CKCN tỉnh Thanh Hóa