Củng cố niềm tin, giữ vững vị thế của tổ chức Công đoàn Thanh Hóa trong CNVCLĐ thời kỳ mới
Kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu đại diện, bảo vệ, chăm lo đoàn viên, người lao động. Đây là nhiệm vụ sống còn cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, điều kiện hoạt động khác nhau, tổ chức Công đoàn sẽ đối mặt với những thách thức khác nhau, đòi hỏi Công đoàn phải không ngừng đổi mới, chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Đồng chí Nguyễn Minh Cảnh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn ở Thành phố Thanh Hóa
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của đoàn viê người lao động. Đã có hàng trăm ngàn người lao động (NLĐ) trong cả nước bị mất việc, thiếu việc, giảm lương. Trong khi đó, quan hệ lao động cũng thay đổi, nhiều doanh nghiệp giải thể, thu hẹp sản xuất, sắp xếp lại lao động do khó khăn kéo dài khiến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tranh chấp lao động. Bối cảnh đó tổ chức Công đoàn phải nhanh chóng đưa ra nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ với quy mô lớn nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ và doanh nghiệp.
Trong đó phải kể đến chương trình hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chương trình Mái ấm Công đoàn, hỗ trợ đoàn viên mắc bệnh theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cấp Công đoàn đã chi hơn 5.800 tỉ đồng để chăm lo cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, Công đoàn tiếp tục sát cánh cùng với đoàn viên, người lao động đang bị giảm giờ làm, mất việc theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, ngày 16/01/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cùng với các chương trình của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp Công đoàn Thanh Hóa với sự năng động vốn có của mình cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực đến đoàn viên, người lao động khó khăn. Tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày gia đình Việt Nam”. Các cấp CĐ đã thăm hỏi, hỗ trợ 968.276 suất quà với tổng trị giá 668,8 tỷ đồng đến đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn và các cháu là con đoàn viên, NLĐ nghèo, bị tật nguyền; tổ chức “Ngày hội công nhân- phiên chợ nghĩa tình”; Hoạt động “Chợ Tết Công đoàn” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. LĐLĐ tỉnh đã xét hỗ trợ sửa và làm mới 783 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 31,4 tỷ đồng. Tổ chức thăm hỏi, trợ cấp khó khăn cho CNVCLĐ ốm đau, bị tai nạn lao động, gặp rủi ro, thiên tai, khó khăn trong cuộc sống cho 1.926 người, với số tiền 5,254 tỷ đồng. Thực hiện “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động”, LĐLĐ tỉnh ký 232 bản “Thỏa thuận hợp tác” với các đối tác cung cấp các dịch vụ, ưu đãi các sản phẩm cho đoàn viên và người lao động. Kết quả: có 388.735 đoàn viên, người lao động được hưởng lợi với số tiền là 31, 352 tỷ đồng.
Sự sẻ chia kịp thời này đã góp phần củng cố niềm tin của đoàn viên, NLĐ với tổ chức Công đoàn giúp họ vượt qua khó khăn để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, giàu đẹp.
Đây chính là những giải pháp hiệu quả để khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn, đưa tổ chức Công đoàn đến gần hơn với đoàn viên, người lao động. Trong thời gian tới, chương trình phúc lợi đoàn viên sẽ được mở rộng nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực, không chỉ phục vụ nhu cầu mua sắm, chăm sóc sức khỏe, học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ vốn vay giải quyết khó khăn… mà còn có tính chất thường xuyên để ngày càng đông CNVCLĐ được tiếp cận, thụ hưởng, cải thiện cuộc sống. Tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ trong bối cảnh hội nhập kinh tế, nhất là chăm lo đảm bảo đời sống, việc làm và lợi ích cho đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình phúc lợi cho đoàn viên, Quỹ “Hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ Công đoàn Thanh Hóa” và tích cực phối hợp chính quyền, huy động mọi nguồn lực triển khai linh hoạt nhiều hình thức, giải pháp thiết thực để củng cố chất lượng công tác chăm lo, nâng cao đời sống đoàn viên, NLĐ. Chủ động phối hợp tích cực tham gia có hiệu quả các hội đồng, các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Đây là giải pháp căn cơ để bảo vệ, nâng chất lượng sống của đoàn viên, người lao động, đồng thời thể hiện vai trò, giữ vững vị thế của tổ chức Công đoàn trong xã hội.
Nguyễn Thị Huế - Ban Tuyên giáo- Nữ công