Những trái tim khát khao cống hiến
Bằng nhiệt huyết và niềm đam mê sáng tạo, đông đảo đoàn viên, người lao động xứ Thanh đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, đưa ra các đề tài, ý tưởng, sáng kiến mới, áp dụng thành công trong sản xuất. Từ đó làm giàu tri thức, kỹ năng cho bản thân và mang lại giá trị lớn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Chị Phạm Thị Lý, Trưởng phòng phân tích và thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá (người bên phải) kiểm tra sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật đối với giống chuối.
Đam mê và sáng tạo không ngừng nghỉ
Như người nông dân gieo hạt, nếu cần mẫn chăm bón, vun trồng thì sẽ thu những quả ngọt trĩu cành. Cũng vậy, với bất cứ công việc gì, nếu làm bằng cả tình yêu và tâm huyết thì sẽ có thành quả đẹp. Đó cũng là kim chỉ nam trong công việc của chị Phạm Thị Lý, Trưởng phòng phân tích và thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá.
Là kĩ sư nông nghiệp, chị Lý không ngừng sáng tạo trong lao động sản xuất; trực tiếp tổ chức chỉ đạo các kỹ sư trong phòng thực hiện phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, thí nghiệm, đánh giá, chứng nhận chất lượng, dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp; lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật có giá trị phục vụ công tác chọn, tạo giống và phát triển nguồn gen…Bên cạnh đó, chị luôn theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp mới trong ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất; tích cực chủ trì và tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu KHCN nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất. Trong quá trình công tác, chị đã tham gia và thực hiện 15 công trình nghiên cứu KHCN cấp tỉnh, là các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm tại đơn vị công tác. Trong đó dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm (nấm sò, nấm mộc nhĩ) tại tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào” do chị làm chủ nhiệm được Hội đồng nghiệm thu KHCN tỉnh chấm xuất sắc. Hiện tại, nhiều sản phẩm từ thực hiện các nhiệm vụ đề tài nghiên cứu, các dự án ứng dụng sản xuất đã được UBND tỉnh phê duyệt cho thực hiện các nhiệm vụ KHCN.
Từ các dự án ứng dụng sản xuất, chị và các đồng nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất các chủng nấm ăn, nấm dược liệu cho các HTX, hội liên hiệp phụ nữ các huyện trong tỉnh, các trang trại, hộ gia đình và các tỉnh: Lạng Sơn, Nghệ An, Yên Bái. Đặc biệt, là Trưởng phòng phân tích và thí nghiệm, chị Lý đã xây dựng và chỉ đạo bộ phận sản xuất tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu của Viện Nông nghiệp Thanh Hoá như: Sản phẩm rượu ông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo dạng tươi, dạng khô; nấm dược liệu (linh chi); nấm ăn (nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm)…Các sản phẩm đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, chị luôn tìm tòi và thử nghiệm, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thường xuyên cải tiến công thức, quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng như nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật các loài cây: Keo lai nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng gỗ lớn; chuối tiêu Hồng, chuối Nam Mỹ, chuối tiêu Bala Đà Lạt phục vụ các tổ chức cấp huyện có trang trại, có diện tích rộng để trồng thương phẩm; giống lan dược liệu phục vụ làm nguyên liệu cho dược phẩm, kim tuyến (Lan Gấm); các dòng cây giống mía nuôi cấy mô phục vụ các nhà máy đường trong tỉnh về phục tráng vùng nguyên liệu…Đồng thời luôn làm chủ và chủ động nguồn giống gốc các chủng nấm ăn, nấm dược liệu và vi sinh vật khi có nhu cầu đơn đặt hàng của thị trường sản xuất nấm thương phẩm quy mô lớn.
Khi được hỏi, động lực nào đã giúp chị có được nhiều công trình nghiên cứu KHCN như vậy, chị bộc bạch: Làm việc gì cũng cần đặt cái tâm của mình vào công việc thì hiệu quả mới cao. Chính vì vậy, việc thực hiện các đề tài, dự án cần tính kiên trì, có tinh thần đam mê nghề nghiệp, có trách nhiệm, ý thức trau dồi, có nền tảng kiến thức và bản lĩnh thực tiễn. Tôi không bao giờ tự thỏa mãn với những gì đã đạt được, mỗi đề tài, dự án thành công là động lực để tôi tiến đến thành công mới; niềm đam mê, nhu cầu học hỏi và sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ ngừng nghỉ trong tôi.
“Cây sáng kiến” của ngành nước
Nhiều cán bộ, công nhân lao động Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa gọi anh Lê Nhật Công, Quản đốc xưởng cơ khí - sửa chữa, Chi nhánh sản xuất nước thành phố bằng cái tên trìu mến “cây sáng kiến” bởi anh là “cha đẻ” của nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào lao động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 20 năm gắn bó với Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa, anh Lê Nhật Công hiện đang là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo, lao động giỏi cho các đồng nghiệp cùng phấn đấu, vươn lên, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Xưởng cơ khí - sửa chữa do anh Công phụ trách có nhiệm vụ gia công và sửa chữa máy móc, thiết bị tại công ty; đồng thời kiểm tra, giám sát máy và thiết bị nhằm bảo đảm tính ổn định của dây chuyền sản xuất. Áp lực công việc với anh không hề nhỏ. Ấy vậy mà bằng lòng say mê, yêu công việc, cùng với kiến thức được đào tạo khá bài bản trong thời gian học nghề và kinh nghiệm thực tế, anh Công đã luôn vượt qua khó khăn trong công việc. Bám sát sản xuất, đam mê nghiên cứu sửa chữa nên anh biết được máy nào hay hỏng, hỏng ở đâu để bố trí thời gian sửa chữa sao cho nhanh nhất và bảo dưỡng thế nào để tuổi thọ máy đạt cao.
Với niềm đam mê và sức sáng tạo của mình, anh Công đã tích cực nghiên cứu để có những giải pháp, sáng kiến chế tạo công cụ nâng đỡ, dụng cụ hỗ trợ phù hợp để rút ngắn thời gian cũng như giảm bớt và giải phóng sức lao động. Anh Công cho biết: “Tôi luôn quan niệm rằng đã đi làm, phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Vì vậy, tôi luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Tôi có thể học ở bất cứ đâu, qua đồng nghiệp, qua internet, qua sách vở và đặc biệt công việc thực tế tại Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa chính là ngôi trường lớn để tôi có thể vừa học vừa phát huy những sáng kiến của mình”. Với tinh thần cầu thị và lòng quyết tâm cao, từ năm 2015 đến nay, anh Công đã có 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty. Tiêu biểu là các sáng kiến “Chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang phớt cơ khí làm kín tổng bơm”; “Giải pháp khắc phục phớt chắn dầu máy bơm định lượng phèn”; “Đấu chuyển đổi mạch điều khiển van điện tử bằng mạch điều khiển cơ điện”... Với những cải tiến kỹ thuật đó, anh đã làm lợi cho Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa mỗi năm hàng tỷ đồng, góp phần cải tiến kỹ thuật, bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất lao động của đơn vị.
Gieo nỗ lực, gặt thành công
“Ở đâu có niềm vui, ở đó có sáng tạo” - đó là phương châm làm việc của anh Viên Hữu Thái, Tổ trưởng tổ xeo giấy, Phân xưởng sản xuất, Công ty CP Giấy Lam Sơn Thanh Hoá. Với anh, niềm vui chính là đam mê trong công việc, là khát vọng được cống hiến và sáng tạo. Mỗi ngày, anh đều miệt mài làm việc, nghiên cứu để hiện thực hóa niềm đam mê của mình; hạnh phúc hơn khi những sáng kiến, sáng tạo ấy có tính ứng dụng cao, phục vụ tốt cho công việc, cho sự phát triển chung của doanh nghiệp...
22 năm gắn bó với Công ty CP Giấy Lam Sơn Thanh Hoá, coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình, anh Thái luôn cố gắng, nỗ lực trong lao động, sản xuất. Anh nhận thức rõ vai trò của công nhân là tích cực làm việc để tăng năng suất lao động, chủ động nâng cao tay nghề và đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi lớn cho công ty. Vì thế, anh luôn chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2016, Công ty CP Giấy Lam Sơn Thanh Hoá đầu tư dây chuyền xeo giấy 3400 mm với công suất 70 tấn/ngày. Trong quá trình vận hành từ năm 2016 đến năm 2019 công suất máy xeo không đạt được theo thiết kế, chất lượng sản phẩm không đạt theo yêu cầu khách hàng. Sau một thời gian trăn trở, nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, anh Thái đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Nâng công suất bơm hút chân không trong dây chuyền sản xuất giấy.”
Anh Thái cho biết: Chìa khoá để có sáng kiến là thay bộ bơm hút chân không động cơ từ 55 KW bằng bộ bơm hút chân không động cơ 90 KW. Sáng kiến được áp dụng đã giúp độ khô của giấy trước khi vào các cặp ép đạt 26% trở lên; tốc độ dây chuyền xeo giấy từ 90m/phút tăng lên 120m/phút, dây chuyền vượt công suất thiết kế, chất lượng sản phẩm ổn định được khách hàng đánh giá cao. Đặc biệt, chi phí điện năng giảm từ 420 KW/tấn sản phẩm xuống còn 407 KW/tấn sản phẩm, hơi sấy giấy từ 2,2 tấn/tấn sản phẩm, giảm xuống còn 2,0 tấn/tấn sản phẩm. Sáng kiến không chỉ giúp tiết kiệm điện năng, nhiên liệu, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất trên 800 triệu đồng/năm mà còn cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng chị Lý, anh Công, anh Thái đề có điểm chung là tinh thần lao động hăng say, tích cực tìm tòi những giải pháp, những kỹ năng để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, khoa học nhất, sáng tạo nhất. Những nỗ lực của họ đã được ghi nhận là những Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, đặt biệt là Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Với nhiệt huyết và niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ, những người như chị Lý, anh Công, anh Thái đang là “ngọn lửa” truyền nhiệt huyết về tinh thần nghiên cứu sáng tạo, lao động giỏi cho các đồng nghiệp của mình, trở thành tấm gương sáng trong sản xuất và góp phần đào tạo thêm nhiều lớp công nhân, lao động trẻ yêu lao động, khát khao cống hiến. Họ là những bông hoa tỏa hương thơm ngát trong vườn hoa sáng tạo, góp phần tô thắm thêm nét đẹp của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động xứ Thanh.
Bài và ảnh: Thanh Huê