Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 22

    Hôm nay: 423

    Đã truy cập: 3130900

Những tâm tư của Công đoàn Thanh Hóa gửi tới Đại hội XIII Công đoànViệt Nam

Ngày 30.11, 19 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 350.000 cán bộ, đoàn viên, người lao động tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại Hà Nội để dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028). Tại 10 diễn đàn chuyên đề trước thềm Đại hội, đại diện Công đoàn Thanh Hóa đã có những tham luận gửi gắm đến Đại hội.

Theo LĐLĐ Thanh Hóa, dự đại hội lần này, đoàn đại biểu Công đoàn Thanh Hóa có tham luận tại 2 diễn đàn chuyên đề: chuyên đề số 3 với nội dung về “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc” và chuyên đề số 8 về “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh”.

Đại diện Công đoàn Thanh Hóa tham luận tại diễn đàn chuyên đề số 3. Ảnh: C.V

Tại diễn đàn chuyên đề số 3 về “Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc”, ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho biết, tính đến 30.11.2023, Thanh Hóa đang quản lý 3.679 công đoàn cơ sở, với 348.422 lao động.

Nhiều năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn xác định việc đối thoại xã hội và thương lượng tập thể trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn, góp phần tham gia quản lý doanh nghiệp, giảm thiểu xung đột, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và phát triển. Thông qua việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể sẽ tạo “điểm cân bằng” về phân chia lợi ích của các bên, tạo sự đồng thuận trong quan hệ lao động.

Trên tinh thần đó, hàng năm LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị, gắn kết quả thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể là cơ sở để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm; chỉ đạo cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường công đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng về thương lượng, ký kết thỏa ước lao động thể cho cán bộ công đoàn cơ sở...

Kết quả đến nay, Thanh Hóa có 609/818 doanh nghiệp đã ký được thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 74,49% tổng số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, bao phủ trên 239.000 người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn cũng cho biết, bên cạnh những thành tích đã đạt được, một số chế độ phúc lợi, tiền lương dù đã được các bên đưa ra đối thoại, thương lượng tập thể nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đặc biệt sau ảnh hưởng đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do khó khăn, mong muốn người lao động, công đoàn chia sẻ cùng doanh nghiệp tạm thời chưa thực hiện việc tăng lương.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn phát biểu tham luận tại diễn đàn chuyên đề số 3. Ảnh: C.V

Trước thực trạng trên, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là các Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp có đông công nhân lao động về kỹ năng đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo hướng cầm tay chỉ việc, sát với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp.

Điển hình như sau đại dịch COVID-19, một số tỉnh lân cận Thanh Hóa đã xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, có nguy cơ hiệu ứng dây chuyền rất lớn đến tâm lý của người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trước bối cảnh đó LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời tổng hợp tình hình, phân tích các tình huống có khả năng xảy ra, định hướng các nội dung cần đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để phòng ngừa xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Trên cơ sở đó, công đoàn cơ sở đã chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về các nội dung dự kiến công nhân lao động sẽ kiến nghị, yêu cầu. Kết quả đối thoại, thương lượng các doanh nghiệp đã nhất trí tăng tiền lương và một số chế độ phúc lợi cho người lao động, từ đó đã ổn định được tình hình quan hệ lao động, không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trên địa bàn.

Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, đến với Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đoàn đại biểu của Công đoàn Thanh Hóa gửi gắm niềm tin, kỳ vọng tới Đại hội trong việc tập trung nguồn lực, thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập cho người lao động, để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên, người lao động.

Nguồn: Laodong.vn

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa