Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 1699

    Đã truy cập: 3129203

CĐN Y tế: Các mô hình hiệu quả đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đông đảo đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động

Với tiêu chí “Lấy người bệnh làm trung tâm”, những năm qua Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư nguồn lực lớn nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển y tế. Để nâng cao chất lượng y tế, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tốt hơn, nhanh hơn, an toàn hơn, rẻ hơn và người dân hài lòng hơn.

Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chuyên môn, ứng dụng các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, ngành y tế đã quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng giao tiếp của nhân viên đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Ngành đã phát động nhiều phong trào và mô hình thi đua tại các đơn vị, như: “Kỹ năng giao tiếp, ứng xử theo mô hình AIDET trong khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân”; “Mô hình 5S, xây dựng môi trường bệnh viện Xanh - Sạch - Đẹp” tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

* Mô hình AIDET: AIDET là mô hình giao tiếp giữa nhân viên Y tế và bệnh nhân. AIDET là chữ viết tắt của:

+ A (Acknowledge): Thiết lập mối quan hệ - mang đến sự thân thiện qua nụ cười, ánh mắt, câu chào.

+ I (Introduction): Tự giới thiệu - giúp bệnh nhân có thêm thông tin về người điều trị cho mình, tạo được sự tin cậy, an tâm về tâm lý.

+ D (Duration): Cung cấp thông tin về thời gian - báo cho bệnh nhân biết phải chờ bao lâu, việc điều trị cần thời gian như thế nào.

+ E (Explanation): Giải thích về thủ thuật - giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân hiểu về căn bệnh và cách thức điều trị.

+ T (Thanks): Cảm ơn sự hợp tác và tin tưởng.

Và mô hình AIDET giúp nhân viên y tế nhanh chóng tạo được sự tin tưởng, giúp giảm thiểu sự lo âu, tạo được sự hài lòng từ phía bệnh nhân.

Mô hình AIDET

* Mô hình 5S: Mô hình 5S bắt nguồn từ Nhật Bản. 5S là tên viết tắt của 5 chữ đầu của tiếng Nhật là: “Seri”, “Seiton”, “Seiso”, “Seiketsu” và “Shitsuke”. Trong Tiếng Anh, 5S được dịch sang các từ tương ứng là Sort - Straighten - Shine - Systemise -  Sustain. Trong Tiếng Việt, 5S được hiểu là: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng.

- Sàng lọc: Lấy những cái không cần thiết ra và loại bỏ.

- Sắp xếp: Sắp xếp những cái cần thiết đúng vị trí.

- Sạch sẽ: Làm sạch nơi làm việc.

- Săn sóc: Duy trì nơi làm việc sạch sẽ và ngăn nắp.

- Sẵn sàng: Rèn luyện mọi người ý thức tự giác về việc giữ gìn nơi làm việc luôn sạch sẽ và gọn gàng bằng những công việc thực tế.

Với mô hình 5S, nhân viên bệnh viện sẽ rút ngắn được thời gian trong việc tìm thuốc, vật tư y tế, giảm sai sót, đảm bảo an toàn cho người bệnh, giúp tăng hiệu quả kinh tế, giảm tải công việc cho nhân viên, tạo môi trường và thói quen làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, khoa học của nhân viên y tế, tăng sự hài lòng, tin tưởng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đối với dịch vụ chăm sóc y tế.

Mô hình 5S tại Khoa Truyền nhiễm -  Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa

Và mô hình 5S không chỉ áp dụng ở môi trường Y tế mà còn áp dụng rộng rãi ở mọi môi trường làm việc khác. Với những mô hình được triển khai tại các đơn vị đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Hằng tháng, hằng quý các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đều có đánh giá kết quả thực hiện các mô hình, có tổng kết, rút kinh nghiệm để góp phần nâng cao kỹ năng ứng xử, giao tiếp, y đức của nhân viên y tế, từ đó ứng dụng vào công việc tại đơn vị, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao kỹ năng giao tiếp, để hoạt động điều trị và chăm sóc người bệnh ngày càng đi sâu vào chất lượng và an toàn, tăng sự hài lòng của người bệnh./.

Trương Việt Dũng - CĐN Y tế Thanh Hóa

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa