Sự lan tỏa hiệu quả từ Chương trình “Chia khó”- Góp nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo
Chương trình “Chia khó” miền núi, vùng cao được ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa phát động từ năm 1998. Trên cơ sở Chương trình “Chia khó” của ngành Giáo dục Thanh Hóa, ngày 09/3/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có thư kêu gọi toàn thể Cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước thực hiện cuộc vận động hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng sa, vùng đặc biệt khó khăn.
Từ đó đến nay, xác định Chương trình “Chia khó”, là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhằm giúp đỡ, chia sẻ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, các thầy, cô giáo và các em học sinh miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng, phương tiện dạy học. Trong thời gian qua, hằng năm Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học triển khai sâu rộng Chương trình tới các cơ sở giáo dục, nhà trường, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành với hai hình thức Chia khó nội bộ tại đơn vị và Chia khó với các trường THPT, THCS&THPT thuộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Lãnh đạo ngành Giáo dục dự Trao quà Chương trình Chia khó năm 2022 tại Trường THPT Thạch Thành 4
Các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, vận động CBNGNLĐ thông qua nhiều hình thức phong phú: tổ chức hội nghị, loa truyền thanh của đơn vị, bảng tin; thông qua các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần, qua mạng zalo, facebook... Có nhà trường đã tổ chức cho CBNGNLĐ và học sinh tìm hiểu được những khó khăn mà thầy, trò các trường miền núi đang phải đối mặt thông qua các chương trình thực tế, thông qua các hình ảnh về trường khó. Nhờ đó, CBNGNLĐ, HS đã thấu hiểu mục đích, ý nghĩa và nội dung của Chương trình “Chia khó”, thông cảm sâu sắc với đồng nghiệp và học sinh vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh; việc đóng góp, ủng hộ của các cá nhân và tập thể được tiến hành thuận lợi, mọi người đều hào hứng, tự giác tham gia.
Trên cơ sở từ việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của các trường, cơ sở giáo dục miền núi, vùng cao đang thiếu, Công đoàn ngành Giáo dục đã triển khai Chương trình một cách chủ động, không dàn trải, hạn chế tối đa các khâu trung gian, lãng phí. Tập trung vào hỗ trợ sửa chữa nhà công vụ giáo viên; xây mới, sửa chữa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh; công trình thiết chế văn hóa, nhà thi đấu thể thao... Giai đoạn, 2017 - 2023 đã huy động để hỗ trợ sửa chữa nhà công vụ giáo viên; xây mới, tu bổ công trình nước sạch, vệ sinh, công trình thiết chế văn hóa... cho 43 lượt trường THPT miền núi, với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công đoàn ngành đã tranh thủ được sự ủng hộ của CĐGD Việt Nam, các tỉnh bạn, các trường Đại học, Quỹ “Tấm lòng Việt – Đài Truyền hình Việt Nam” xây dựng 03 nhà công vụ giáo viên tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn; Trường MN Yên Khương, huyện Lang Chánh; Tiểu học Trung Thượng, Quan Sơn, 03 công trình nước sạch tại các huyện Như Xuân, Quan Sơn, Mường Lát với tổng số tiền 2,534 triệu đồng; trao hỗ trợ các nhà trường, giáo viên khắc phụ cơn bão số 3 năm 2019 tại trường Tiểu học Sa Ná huyện Quan Sơn, mầm non Phù Nhi huyện Mường Lát, Trung học cơ sở Trung Thành huyện Quan Hóa, Trung học Cơ sở Cổ Lũng huyện Bá Thước, 01 nhà giáo trường Tiểu học Sa Ná với tổng số tiền 120 triệu đồng. Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt – Đài Truyền hình Việt Nam- Công ty Long Hải đã tổ chức Chương trình “Cùng em đến trường”, trao học bổng cho 02 học sinh Trường THCS&THPT Bá Thước, Trường THPT Quảng Xương 4 tới khi các em đủ 18 tuổi với tổng số tiền 50 triệu đồng và trao quà cho 2283 học sinh của hai nhà trường. Công đoàn Cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 01 gia đình nhà giáo trường Mầm non Tây Tiến, huyện Mường Lát, 01 gia đình nhà giáo Trường THPT Nông Cống 2 mỗi gia đình 60 triệu đồng làm nhà với tổng số tiền 120 triệu đồng.
Bên cạnh sự thành công của chia khó vùng cao, “Chia khó” nội bộ cũng thổi vào làn gió mới, với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo trong công tác chăm lo đời sống cho CBNGNLĐ trong ngành, Công đoàn ngành Giáo dục đã trao 718 suất quà hỗ trợ của CĐGD Việt Nam, quỹ “Tấm lòng vàng” và Công đoàn ngành Giáo dục, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Chương trình “Tết sum vầy”, năm học mới, hỗ trợ Covid-19 với tổng số tiền là 928,5 triệu đồng. Chỉ đạo 100% CĐCS trực thuộc xây dựng kế hoạch tổ chức thăm hỏi, trao quà cho CBNGNLĐ tại đơn vị trong các dịp lễ, tết với gần 3000 suất quà trị giá hơn 2,5 tỷ đồng cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; trao hàng nghìn suất quà cho học sinh nghèo vượt khó với tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra các đơn vị đã tổ chức tốt việc chia khó tại địa phương, đơn vị mình với các hình thức sáng tạo, linh hoạt như: giảm tiền học thêm cho các em; quyên góp trong CBGV, NLĐ, học sinh tại đơn vị: đồ dùng học tập, giúp đỡ cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn giao thông; tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó... với tổng trị giá 4,8 tỷ đồng... tất cả những nghĩa cử đó như tô đẹp thêm chương trình “Chia khó”.
Là một trong những đơn vị được thụ hưởng từ Chương trình “Chia khó”, đại diện CĐ Trường THPT Quan Hóa chia sẻ: Chương trình “Chia khó” là một hoạt động truyền thống hàng năm của CĐN giáo dục tỉnh Thanh Hoá, mà CBNGNLĐ và các em học sinh ở các trường miền xuôi, với tình cảm và trách nhiệm đã tự nguyện trích một phần thu nhập của mình xây dựng quỹ gửi đến chia sẻ một phần khó khăn của giáo viên và học sinh các trường còn nhiều khó khăn ở các huyện miền núi, vùng cao, trong đó có các huyện giáp biên giới, đường xá đi lại khó khăn như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát...những phần quà mang đậm tính nhân văn của các trường học miền xuôi đã góp phần giúp các trường vùng khó vơi đi khó khăn, bớt đi sự tự ti, cảm thấy ấm áp và thêm động lực để gắn bó với núi rừng vùng cao, học sinh miền núi được tiếp cận với những phương tiện học tập hiện đại, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường THPT quan Hoá, của giáo dục miền núi nói riêng và của tỉnh nhà nói chung.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, CĐGD Việt Nam, Ngành Giáo dục Thanh Hóa, huyện Lang Chánh dự Lễ khánh thành nhà công vụ giáo viên Trường Trường MN Yên Khương, huyện Lang Chánh
Chương trình “Chia khó” đã thành công trên cả hai phương diện “Chia khó vùng cao” và “Chia khó nội bộ ”, thu hút được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ CBNGNLĐ, HS, cấp ủy, chuyên môn, các đơn vị, nhà trường và nhân dân, xã hội tham gia. Chương trình đã giải quyết được một phần khó khăn về trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nơi ở, nước sạch, khu tập thể, đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo, người lao động và học sinh ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Là sự kích cầu, khuyến khích các địa phương, đơn vị trường học miền xuôi cùng chung tay chăm lo, hỗ trợ cho giáo dục miền núi phát triển. Những tình cảm cùng những món quà tinh thần, vật chất thực sự có ý nghĩa từ Chương trình “ Chia khó” đã thể hiện một tình cảm tốt đẹp, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự động viên, khích lệ, tạo động lực tinh thần to lớn để để đội ngũ các thầy cô giáo và học sinh các nhà trường miền núi, vùng khó tiếp tục vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành, tổ chức công đoàn.
Sự thành công của Chương trình “Chia khó” cảm nhận được qua niềm vui, niềm hạnh phúc đong đầy trên khuôn mặt, trong ánh mắt của thầy cô và các em học sinh khi đón nhận, thụ hưởng những phần quà có ý nghĩa từ Chương trình. Đó là minh chứng sống động cho sự thành công của Chương trình “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc do ngành Giáo dục Thanh Hóa phát động, nhân lên những nụ cười, tạo sự gắn kết, lan tỏa tình yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng. Đó cũng là mục tiêu mà ngành Giáo dục Thanh Hóa tiếp tục duy trì trong thời gian tới, qua đó góp phần động viên tinh thần thầy và trò, đặc biệt là các nhà giáo đang công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa khắc phục khó khăn vươn lên dạy tốt, học tốt, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, đưa sự nghiệp giáo dục và đạo tạo của tỉnh nhà tiếp tục phát triển./.
Nguyễn Đức Tuấn - Công đoàn ngành Giáo dục