Phát huy vai trò công đoàn trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, tạo điều kiện cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được tham gia, giám sát mọi hoạt động của đơn vị. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển.
Công nhân Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam tham dự hội nghị người lao động năm 2024.
Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam là DN 100% vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất và gia công giày dép xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Những năm qua, ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp ban giám đốc DN xây dựng, thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc và quy chế phối hợp hoạt động. Đồng chí Vũ Thị Mai Loan, Chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam cho biết: CĐCS Công ty TNHH Giầy Aleron Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động (NLĐ), tham gia đầy đủ các hoạt động của công ty, đóng góp ý kiến xây dựng nội quy lao động. CĐCS cùng Ban giám đốc DN giải quyết các vấn đề liên quan đến NLĐ: Cấp phát bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc trong xưởng như mưa dột, nắng nóng, sửa chữa mái tôn, nhà xe công nhân thuận tiện cho NLĐ; cải thiện lắp hệ thống làm mát tại khu vực nhà ăn, duy trì trật tự trong nhà máy, thỏa thuận giải quyết các vấn đề liên quan đến nghỉ phép năm, hoán đổi giờ làm việc…. Đặc biệt, năm 2023, ban chấp hành CĐCS đã thương lượng thành công với ban lãnh đạo DN về một số nội dung như: Tăng tiền trợ cấp thăm viếng của công nhân mất từ 1 triệu lên 2 triệu đồng/người; tổ chức biểu dương NLĐ tiêu biểu cho nhiều đóng góp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và tổ chức công đoàn. CĐCS phối hợp với Ban lãnh đạo DN tổ chức 1 buổi thương lượng tập thể, giải quyết được 15 ý kiến, kiến nghị của NLĐ; 1 buổi đối thoại giải quyết được 20 ý kiến, kiến nghị của NLĐ, không có ý kiến nào tồn đọng chưa được giải quyết. Nhờ vậy, đã giúp NLĐ yên tâm sản xuất, góp tiếng nói xây dựng nhà máy ngày một hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Để thực hiện hiệu quả QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường công tác giám sát nội dung về thực hiện QCDC ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị, DN; giao chỉ tiêu cho các đơn vị theo kế hoạch năm, trong đó có các chỉ tiêu: Tham gia đối thoại tại nơi làm việc; ký kết thỏa ước lao động tập thể... Tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp thực thiện tốt QCDC ở cơ sở; tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hội nghị NLĐ, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chú trọng công tác tuyên truyền, triển khai các nghị định của Chính phủ về thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, DN. Thường xuyên nắm chắc tình hình cơ sở, tình hình tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, CNVCLĐ, các vướng mắc của cơ sở để kịp thời định hướng, giải quyết, hạn chế được tình trạng khiếu kiện, tranh chấp lao động; quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị, DN nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, năm 2023 có 2.918/2.918 cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp tổ chức được hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 14/14 DN Nhà nước tổ chức được hội nghị NLĐ; 578 DN ngoài khu vực Nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ; 778 DN khu vực ngoài Nhà nước tổ chức được hội nghị đối thoại; 73 DN có tổ chức công đoàn ký mới thỏa ước lao động tập thể; 3.389 cơ quan, đơn vị, DN đã xây dựng QCDC ở cơ sở. Việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị NLĐ trong các cơ quan, đơn vị, DN đều có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn; hoạt động của ban thanh tra nhân dân được phát huy tốt hơn. Nhiều đơn vị đã xây dựng lịch tiếp dân, có thùng thư góp ý, xây dựng nội quy lao động, quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị và xây dựng các quy định nội bộ khác trong cơ quan, đơn vị, qua đó đã phát huy được quyền dân chủ đại diện của tổ chức công đoàn, các tổ chức đoàn thể và quyền dân chủ trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ.
Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Việc thực hiện tốt QCDC trong cơ quan, đơn vị, DN đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Thông qua việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đã động viên đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Thanh Huê