Sức lan tỏa từ Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024
Thực hiện Thông báo số 06/TB-CĐN, ngày 10/4/2024 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc tổ chức Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024; Kế hoạch số 1344/KH-SGDĐT-CĐN ngày 04/5/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo với Công đoàn ngành Giáo dục về về triển khai Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024. Sáng 07/11/2024, tại trường THPT Chuyên Lam Sơn, Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024.
Dự buổi Lễ có đồng chí Mai Bá Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Trần Văn Bình, UV BTV LĐLĐ tinh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục; Đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn Cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí UV BCH, UV UBKT Công đoàn ngành Giáo dục; Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; các thầy cô giáo là Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn của các đơn vị trực thuộc có tác phẩm đạt giải. Đặc biệt có mặt của 147 các thầy, cô giáo, các em học sinh là tác giả của các tác phẩm dự thi cùng các thầy cô giáo là những nhân vật trong các tác phẩm được giải.
Quang cảnh buổi lễ trao giải Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024
Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024 với Chủ đề: “Thầy giáo, cô giáo của tương lai”, được triển khai từ tháng 5/2022, đến tháng 7/2024, với gần 1300 tác phẩm dự thi vòng sơ khảo tại Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các trường học trong toàn tỉnh và 190 tác phẩm dự thi vòng chung khảo tại ngành. Mỗi Tác phẩm dự thi là là video clip có độ dài tối đa 5 phút, là một câu chuyện kể mà hình ảnh người thầy cô, người đã tạo cho tác giả sự ngưỡng mộ và khâm phục, biết ơn; những việc làm, hành động tâm huyết, trách nhiệm cao với nghề nghiệp, với học trò; đã ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực tới đồng nghiệp, tới học sinh, xã hội; những việc làm của thầy cô, biểu hiện rõ ràng về về cách nghĩ, cách làm mới, văn minh, hiện đại trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học, trong giáo dục học sinh, học viên, trong xử lý các mối quan hệ… hướng tới sự phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, sự phát triển của trường học, của ngành giáo dục, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tương lai. Hình ảnh người thầy như một tượng đài biểu trưng cho sự mẫu mực về trí tuệ, nhân cách, đạo đức, lối sống và sự tận tụy vượt qua mọi khó khăn gian khó tất cả vì sự trưởng thành của các thế hệ học sinh thân yêu. Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm dự thi.
Nhiều bài dự thi được đầu tư có chiều sâu cả về nội dung và hình thức; tác phẩm được thực hiện bằng máy chụp ảnh, máy quay phim hoặc flycam nên hình ảnh chân thực, rõ nét, sống động; nhiều tác phẩm của các em có sự tham vấn của đội ngũ thầy cô, của các đạo diễn, quay phim chuyên nghiệp nên có sự hài hòa về nội dung, bối cảnh, hình ảnh; nhiều tác phẩm có sự trau chuốt trong âm thanh và lời bình tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn của tác phẩm; nhiều tác phẩm đã sử dụng các công nghệ, kỹ sảo trong hình ảnh... thể hiện sự đầu tư lớn về thời gian, công sức, trí tuệ, đem lại hiệu quả cao trong việc truyền tải nội dung và giá trị của tác phẩm. Nhiều tác phẩm đã khiến người xem xúc động – không chỉ là xúc động vì sự hi sinh vượt khó của các thầy cô giáo mà còn xúc động bởi những tình cảm ấm áp, chân thành của các học trò. Đó chính là động lực tinh thần cổ vũ, động viên các thầy giáo, cô giáo vì những hy sinh thầm lặng trong sự nghiệp “Trồng người”.
Tại buổi lễ, các đại biểu nghe chia sẻ của các thầy cô giáo trong việc tổ chức triển khai và sức lan toả của cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”:
Thầy Phạm Tuấn Quảng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai Cuộc thi tại đơn vị và những giải pháp để Cuộc thi đạt kết quả.
Thầy Lương Văn Cường, Giáo viên Mầm non Thanh Quân, Như Xuân trao đổi cơ duyên của thầy đến với nghề giáo viên mầm non mà giáo viên nam là “đặc biệt"”; sự quyết tâm, lòng dũng cảm yêu nghề vượt qua những định kiến, rào cản để đến với các em thơ.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, HT Trường Mầm Non Quảng Cư, Sầm Sơn nói lên ý nghĩa Cuộc thi đối với bậc học Mầm non và việc xây dựng Trường học hạnh phúc mà ngành đang triển khai.
Cô Trần Thị Nguyệt, giáo viên trường THCS Lê Hữu Lập, Thầy Trần Quốc Dũng, Phó HT, Chủ tịch CĐ trường THPT Triệu Sơn 4 chia sẻ sự lan tỏa của Cuộc thi đối với cán bộ, giáo viên và học sinh tại đơn vị và toàn ngành; cũng như giải pháp các nhà trường cần làm tốt việc lan tỏa sau Cuộc thi trong thời gian tới
Thầy Lê Trọng Thọ Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Tân, Ngọc Lặc, trao đổi những tâm tư tình cảm khi Thầy là nhân vật trong tác phẩm, cũng như những giải pháp mà các hiệu trưởng cần phải trong thời gian tới. Em Trịnh Mai Linh học sinh trường THPT Triệu Sơn 3 nói lên những suy nghĩ, mong muốn của học sinh đối với các thầy cô giáo; lòng biết ơn, tri ân với thầy, cô giáo trong giai đoạn hiện nay.
Đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT và đồng chí Mai Bá Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao giải nhất cho các tác phẩm đạt giải
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức đánh giá, ghi nhận, biểu dương sự tham gia tích cực của các đơn vị có nhiều bài viết chất lượng và đều đạt giải: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, thành phố Sầm Sơn, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hoá; trường THPT Triệu Sơn 3, Triệu Sơn 4, Lê Văn Hưu, Quan Hoá, Hoàng Lê Kha...; nhiều đơn vị lần đầu gửi tham gia với số lượng lớn như: Phòng Giáo dục và Đào tạo Hậu Lộc, Thường Xuân; trường THPT Như Xuân 2, Ngọc Lặc...đã góp phần tạo nên sự thành công của Cuộc thi.
Kết quả: Ban Tổ chức đã trao giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT, phần thưởng cho: 07 giải nhất; 14 giải nhì, 21 giải ba và 34 giải khuyến khích cho các tác phẩm đạt giải của Cuộc thi; lựa chọn ra 07 tác phẩm xuất sắc nhất dự thi cấp toàn quốc đó là:
1. Người truyền cảm hứng, nhóm tác giả: Trịnh Thu Hằng, Phạm Thị Trâm, Vi Khánh Thùy Giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá
2. Người ươm mầm xanh trên quê hương đất Ngọc, tác giả: Trương Thị Xuyến Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá.
3. Người lính năm xưa, người thầy hôm nay, nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Lan Nhi, Cao Thị Thanh Nhàn, Trần Thị Thảo Nguyên học sinh Trường THCS Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.
4. Hoa đỏ, tác giả: Cô giáo Lê Thị Hồng Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Thọ, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
5. Mặt trời trên đỉnh Phù luông, nhóm tác giả: Hà Thị Phương Mai, Ngân Hà Như, Trịnh Thị Huyền học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá.
6. Bụi phấn và ước mơ, tác giả: Trịnh Mai Linh học sinh trường THPT Triệu Sơn 3, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
7. Mặt trời của bé trên miền sơn cước, tác giả: Lê Thị Huyền Giáo viên Trường Mầm non Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá
Và trao giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho 02 đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc tham gia Cuộc thi: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc; Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn.
Đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT và đồng chí Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục trao giải nhì cho các tác phẩm đạt giải
Đồng chí Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và đồng chí Nguyễn Văn Dũng trao giải ba cho các tác phẩm đạt giải
Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” không chỉ là những góc nhìn, những đánh giá, ghi nhận của tác giả về thành quả hoạt động giáo dục của các thầy cô; là dịp ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương nhà giáo có tác động và ảnh hướng tích cực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, học viên; có những sáng tạo, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những hình ảnh đẹp về thầy giáo, cô giáo, về ngành giáo dục, hướng tới xây dựng Trường học hạnh phúc. Mà còn là cơ hội để các em bày tỏ sự tri ân, tình cảm biết ơn với những người thầy, người cô đã dìu dắt mình. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).
Nguyễn Đức Tuấn – Công đoàn ngành Giáo dục