133 Nhà giáo được vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” lần thứ 2
Trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), sáng 14/11, tại Trung tâm Hội nghị của 25B của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa tổ chức lễ vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” lần thứ II, năm 2024.
Dự buổi Lễ có đồng chí Mai Bá Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Thức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đại biểu Quốc Hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Trần Văn Bình, UV BTV LĐLĐ tinh, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục; dự lễ có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh, hội khuyến học tỉnh, hội cựu giáo chức tỉnh; đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn Cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; các thầy cô giáo là Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn của các đơn vị trực thuộc và 133 Nhà giáo tiêu biểu đại diện cho gần 6 vạn cán bộ, giáo viên, người lao động trong toàn tỉnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT và Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao giấy khen cho các nhà giáo tiêu biểu
Đây là năm thứ hai Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức lễ vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” theo quy mô cấp tỉnh. Lễ vinh danh nhằm ghi nhận, tôn vinh những nhà giáo, gương điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy để nhân rộng và tạo sự lan tỏa trong phạm vi toàn ngành; đồng thời động viên để nhà giáo tích cực học tập, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Giám đốc Trần Văn Thức nhấn mạnh: Trong những năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Kết quả đó có sự đóng góp to lớn của các thầy cô giáo, mỗi nhà giáo được vinh danh dịp này là những bông hoa tươi thắm trong “rừng hoa” của ngành giáo dục; là những tấm gương điển hình cho sự nỗ lực, tâm huyết, tinh thần vượt khó, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Đồng chí khẳng định: Thanh Hóa Là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, trong những năm học vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của phụ huynh, sự điều hành có hiệu quả của các cấp quản lý giáo dục, sự cố gắng không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong toàn tỉnh, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn, đặc biệt kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024, Thanh Hóa xếp thứ 18/63 tỉnh thành vượt chỉ tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra, số học sinh đạt điểm 10 cao nhất cả nước, có là những minh chứng cho sự nổ lực tinh thần vượt khó, bản lĩnh vươn lên trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các hoạt động của ngành và các cấp tạo nên bức tranh giáo dục tỉnh nhà vô cùng rực rỡ, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh; đồng thời tiếp tục củng cố vị thế của giáo dục, đào tạo Thanh Hóa trong môi trường hội nhập khu vực và quốc tế.
Toàn cảnh buổi Lễ vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh” lần thứ II
Phát huy những thành tích đã đạt được, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa mong muốn các nhà giáo tiếp tục lan tỏa nhiệt huyết của mình tới tất cả đồng nghiệp; khơi gợi niềm đam mê học hỏi cho các thế hệ học trò; vun đắp cho các em khát vọng vươn tới ước mơ, hoài bão; góp phần đưa công tác giáo dục phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc trong giai đoạn tới. Đồng thời Giám đốc nêu rõ: Nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục xác định trong năm 2025 và những năm tiếp theo đó là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng chương trình GDPT năm 2018; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, phấn đấu của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh toàn ngành cùng sự chung tay của toàn xã hội, ngành giáo dục xứ Thanh nhất định sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa.
Các nhà giáo tham gia phần giao lưu tại Lễ vinh danh
Tại buổi lễ, đại diện cho bậc học mầm non Cô giáo Cao Thị Dung, giáo viên trường Mầm non Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy đã chia sẻ niềm vinh dự, hạnh phúc của mỗi nhà giáo, cũng như cô khi được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu Xứ Thanh” lần thứ hai, năm 2024 và Cô đã trao đổi những giải pháp động viên các trẻ, nhất là trẻ khuyết tật hoà nhập, hạnh phúc tại ngôi trường cô đang công tác.
Cô trao đổi: Lớp Cô phụ trách trước đây có 01 bạn 5 tuổi con bị khuyết tật vận động, con không hòa đồng với các bạn, con luôn mặc cảm tự ti, nhìn con với vẻ mặt, ánh mắt đượm buồn không khỏi thương cảm. Với trách nhiệm là người mẹ thứ 2, mỗi ngày từng chút cố gắng bên con, bằng những kiến thức học hỏi được qua đồng nghiệp, tôi tự hiểu qua modun bài giảng để giúp con tham gia các hoạt động nhóm phù hợp, cùng sẻ chia và rồi một ngày con cười thật tươi, tham gia hoạt động, vui đùa được với các bạn trong lớp, ánh mắt tràn đầy niềm vui, bố mẹ con vui mừng khôn xiết, lúc đấy Cô có một cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả. Và theo Cô “Trường học hạnh phúc” là nụ cười của các con, là niềm tin của bố mẹ chỉ giản dị vậy thôi.
Khi chia sẻ những giải pháp trong việc duy trì sĩ số học sinh ở các trường miền núi đến lớp, Cô giáo Hắc Thị Hoa giáo viên, Trường PTDT nội trú THCS huyện Quan Sơn cho rằng: các nhà trường phải luôn đổi mới công tác dạy và thu hút học sinh thích đến trường; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài để gia đình học sinh yên tâm gửi con đến trường.
Theo Cô, để tạo hứng thú cho học sinh trong việc học tập bộ môn Ngữ văn: Giáo viên cần tạo điều kiện và xây dựng môi trường cho học sinh được đọc - hiểu - trải nghiệm các tác phẩm văn chương trong và ngoài chương trình, hướng dẫn học sinh từng bước cảm thụ các tác phẩm văn học, khám phá vẻ đẹp văn chương được nhà văn khám phá phản ánh hiện thực cuộc sống quanh ta. Giáo viên phải thấu hiểu, nắm bắt được tâm sinh lý của học sinh, từ đó biết cách uốn nắn, dẫn dắt các em biết cảm thụ ngôn ngữ văn chương đam mê yêu thích văn chương nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc địa phương mình; gần gũi, quan tâm, lắng nghe tiếng lòng của từng học sinh, là tấm gương sáng về văn hoá đọc và viết. Đồng thời tạo tâm thế tốt cho học sinh trong mỗi giờ học Ngữ văn.
Bàn về học viên ở các Trung tâm GDNN-GDTX có điểm đầu vào thấp, nhiều em chưa tích cực học tập, Cô giáo Lê Thị Minh giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX Nông Cống đã chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng môn toán tại đơn vị đó là: Sau mỗi bài dạy phải nắm được bao nhiêu bạn hiểu bài và làm bài thành thạo, bao nhiêu bạn chưa hiểu bài hoặc chưa làm thành thạo.Từ đó phân nhóm, phân loại học sinh để có hệ thống bài tập phù hợp với từng đối tượng nhưng vẫn đảm bảo đầu ra, nhóm học chưa hiểu bài và làm chưa thành thạo Cô cho vào nhóm quan tâm đặc biệt sẽ được phụ đạo không thu phí sau giờ tan học hoặc phụ đạo online. Thường xuyên cho học sinh luyện đề tét nhanh theo từng bài học và luyện đề phát triển đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Mỗi học sinh sẽ có một ngân hàng điểm được tích lũy theo kì và theo cả năm học, nếu được 2 con điểm cao sẽ được xóa đi 1 con điểm thấp, từ đó tạo động lực và khích lệ các em phấn đấu vươn lên trong học tập.
Cũng tại buổi lễ, Các thầy, cô giáo đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng trường học hạnh phúc; tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018...; đồng thời thể hiện tinh thần quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, cống hiến hết mình cho sự nghiệp “Trồng người”.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn ngành Giáo dục, Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã trao tặng Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT cho 133 Nhà giáo tiêu biểu.
Nguyễn Đức Tuấn – CV CĐN Giáo dục