Một số giải pháp về nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ CĐCS tại các cấp Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa trong tình hình mới
Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa hiện có 55 CĐCS trực thuộc, trong đó khối HCSN 04 CĐCS, khối SXKD 51 CĐCS,với tổng số 3.458 đoàn viên/3.766 CNVCLĐ. Đội ngũ cán bộ CĐCS có 292 đồng chí, về trình độ chuyên môn: Trên Đại học: 10 đồng chí; Đại học 188 đồngchí; Cao đẳng: 33 đồng chí;Trung cấp 61 đồng chí. Về trình độ lý luận: Cử nhân, Cao cấp: 05 đồng chí; Trung cấp 71 đồng chí. Thời gian qua tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động. Đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNLĐ tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng được nâng cao, hoạt động công đoàn từng bước tập trung hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên, người lao động, tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện của người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ hoạt động công tác Công đoàn năm 2024 cho cán bộ chủ chốt các CĐCS thuộc Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa
Bên cạnh những ưu điểm, cán bộ Công đoàn ở cơ sở trong ngành hiện nay vẫn còn một số điểm hạn chế, như nhận thức của một số cán bộ công đoàn cơ sở về kinh tế thị trường, quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường còn chưa bắt kịp xu hướng phát triển thực tế của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; một số cán bộ chậm đổi mới về tư duy để thích ứng với điều kiện hoạt động công đoàn trong tình hình mới; một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, chưa nắm vững những vấn đề lý luận và nghiệp vụ công đoàn, chưa am hiểu sâu về luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động, thiếu kỹ năng cần thiết nên còn lúng túng trong xử lý các mối quan hệ và tổ chức các hoạt động công đoàn; một số chưa nhiệt tình, kém tâm huyết, thiếu trách nhiệm, thời gian dành cho hoạt động công đoàn còn ít, chủ yếu là lo cho hoạt động công tác chuyên môn…
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên của cán bộ CĐCS, về khách quan, là do hầu hết đều làm việc kiêm nhiệm, công việc thường xuyên biến động, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là chủ yếu, ít có thời gian dành cho hoạt động công đoàn. Cán bộ CĐCS là người đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động nhưng lại chịu sự quản lý và hưởng lương từ người sử dụng lao động nên phải chịu áp lực rất lớn, thậm chí phải đối mặt với nhiều rủi ro do sự phân biệt đối xử vì lý do hoạt động công đoàn từ người sử dụng lao động... Về chủ quan là ngay từ đầu việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự làm cán bộ CĐCS; công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này; sự hỗ trợ của công đoàn ngành đối với CĐCS; chính sách, cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa hiệu quả... đây đang là những điểm yếu, tác động tiêu cực đến năng lực của đội ngũ cán bộ CĐCS.
Công đoàn cơ sở là nền tảng của tổ chức Công đoàn, nơi trực tiếp tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn, mỗi CĐCS vững mạnh là cơ sở để tổ chức Công đoàn vững mạnh. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐCS là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của CĐCS. Để tổ chức Công đoàn không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Để làm được điều đó, trong thời gian tới các cấp Công đoàn ngành Công Thương cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức tiển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.Các cấp Công đoàn trong ngành cần tiến hành rà soát, đánh giá một cách kỹ lưỡng thực trạng đội ngũ cán bộ CĐCS hiện nay; chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm, phân tích rõ nguyên nhân, từ đó có kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện.
Hai là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của cán bộ công đoàn cơ sở: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, công đoàn các cấp về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ CĐCS, để có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của cán bộ CĐCS với phong trào công nhân, lao động và hoạt động công đoàn như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc’’, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; ở nơi nào có cán bộ CĐCS vừa có tâm, vừa đủ tầm, tràn đầy nhiệt huyết với công việc thì hoạt động công đoàn ở đó sẽ hiệu quả, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động sẽ được bảo vệ tích cực; vị thế vai trò của tổ chức công đoàn sẽ được nâng lên, đoàn viên và người lao động sẽ gắn bó với tổ chức Công đoàn.
Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh. Đội ngũ cán bộ CĐCS cần có chất lượng toàn diện, vừa có kiến thức rộng và sâu, vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết về công đoàn và pháp luật; có kỹ năng nắm bắt và nhạy bén xử lý nhanh các thông tin; thấu hiểu tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; biết tổ chức, tập hợp, thu hút NLĐ tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.. Bảo đảm đủ nguồn cán bộ cho mỗi kỳ Đại hội công đoàn các cấp. Việc xây dựng đội ngũ bắt đầu từ khâu sàng lọc cán bộ, lựa chọn cán bộ hội tụ đủ bản lĩnh, trình độ, uy tín tham gia lãnh đạo công đoàn, vì sự hạn chế của công tác cán bộ sẽ là những thách thức khi người lao động tự lựa chọn “thủ lĩnh” của mình…
Bốn là: Công đoàn ngành thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi hoạt động của cán bộ CĐCS, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ CĐCS, trong đó chú trọng bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn; phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại hình CĐCS, giúp cán bộ CĐCS phát huy điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.Phải luôn xác định mối quan hệ giữa Công đoàn ngành với cán bộ CĐCS phải là mối quan hệ hỗ trợ, cộng tác, cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ.
Năm là: Thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách bảo vệ đối với cán bộ CĐCS. Cán bộ Công đoàn ở cơ sở hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, có rất ít thời gian cho hoạt động công đoàn, mặt khác họ hưởng lương và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động nên chịu áp lực và rất dễ bị chi phối, vì vậy công đoàn cấp trên cần quan tâm hỗ trợ cho cán bộ CĐCS trong quá trình triển khai các hoạt động Công đoàn, nhất là trong thương lượng, đối thoại, giải quyết tranh chấp lao động… kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng CĐCS vững mạnh; phát hiện, giới thiệu cho Đảng xem xét bồi dưỡng kết nạp Chủ tịch CĐCS, cán bộ CĐCS khu vực ngoài nhà nước vào Đảng..Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn ở cơ sở để họ yên tâm công tác, gắn bó với tổ chức Công đoàn.
Phạm Ngọc Điệp - Công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa