Cần tạo nguồn kinh phí để đào tạo kỹ năng cho công nhân
Thực hiện Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, Công đoàn Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Những con số ấn tượng
Ngày 10.12, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm triển khai Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28.1.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Hội nghị được trực tuyến đến các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Thanh Hóa. Ảnh: Quách Du
Tham gia phát biểu ý kiến tại điểm cầu Thanh Hóa, ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW “về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức được hơn 19.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 1,6 triệu lượt người, cấp phát gần 300.000 tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền về kiến thức pháp luật đến công nhân, viên chức lao động.
Phát huy tinh thần hướng về cơ sở, trong 15 năm qua các cấp Công đoàn Thanh Hóa đã chăm lo cho hơn 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng trị giá hơn 921 tỉ đồng. Triển khai “Chương trình phúc lợi đoàn viên, người lao động”, các cấp công đoàn đã ký 343 bản “thỏa thuận hợp tác” với các đối tác cung cấp các dịch vụ, ưu đãi sản phẩm cho hơn 420.000 lượt đoàn viên được hưởng lợi, với số tiền hơn 35 tỉ đồng.
Các chương trình, cuộc thi do Tổng LĐLĐ Việt Nam và tỉnh phát động đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể như: Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” Công đoàn Thanh Hóa đứng thứ nhì toàn quốc, với hơn 30.000 sáng kiến được ghi nhận; Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID -19", kết thúc giai đoạn 1, Thanh Hóa dẫn đầu toàn quốc, với hơn 170.234 sáng kiến được ghi nhận; Giai đoạn 2 (đến ngày 30.7.2023) cũng là đơn vị dẫn đầu toàn quốc, với hơn 463.000 lượt sáng kiến tham gia…
Đào tạo kỹ năng cho đoàn viên
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cũng nêu lên những tồn tại, khó khăn trong thời gian qua. Cụ thể như: Đời sống của đa số công nhân lao động trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn; đời sống tại các khu nhà trọ tập trung đông công nhân lao động chưa có các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí.
Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá kết quả 15 năm về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Ảnh: Quách Du
Phần lớn công nhân lao động trên địa bàn đều xuất thân từ nông thôn, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp chưa cao so với yêu cầu phát triển của xã hội trong tình hình mới. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các chính sách về lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, dẫn đến tình trạng khiếu nại, ngừng việc tập thể xảy ra tại một số nơi…
Trước những tồn tại, khó khăn trên, tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn kiến nghị đến Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp tình hình, dự báo xu hướng phát triển của giai cấp công nhân, từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong từng thời kỳ.
Tạo nguồn hỗ trợ kinh phí các đề án cho LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong việc đào tạo, nâng cao trình độ về kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động; đầu tư cho Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa xây dựng các thiết chế văn hóa trong năm 2025.
Nguồn: Laodong.vn