Hậu Lộc: Xây dựng Trường học hạnh phúc là để ngày hạnh phúc không chỉ là 1 ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
Những năm gần đây, các khẩu hiệu như “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Hạnh phúc là cùng nhau lan tỏa” ngày càng được quan tâm, vận dụng ở các trường học.
Xây dựng trường học hạnh phúc là việc hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương, an toàn và tôn trọng; ở đó, cần chú trọng dạy “Người” cùng dạy “Chữ”. Để kiến tạo trường học hạnh phúc, cần phải có sự chung tay và tất cả sẵn sàng để thay đổi; mỗi thầy, cô phải là người truyền cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc.

Phải khẳng định rằng: Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình. Đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau; phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường, làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia. Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” được hình thành và phát triển trên cơ sở “Lớp học hạnh phúc” với 3 mục tiêu và 3 tiêu chí nhằm mục đích lan tỏa những giá trị: yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường. Từ thực tiễn và điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, từng trường học xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” phù hợp với mỗi trường, mỗi vùng, mỗi cấp học. Qua đó mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động có ý thức và giải pháp để thường xuyên cải tiến, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy và giáo dục; mỗi tập thể có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, triển khai đổi mới một cách hiệu quả nhằm kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ thực chất; tạo sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học...
Từ những hành động nhỏ như: Trước khi vào lớp, ở các trường Mầm Non, các bé sẽ tự mình chọn một cách chào với các cô trong “menu” hành động cảm xúc dán ngay trên cửa lớp. Thay vì bắt đầu đến lớp bằng việc trẻ khoanh tay chào cô, nhìn các con chủ động vươn người lên đập tay, nhí nhoáy lắc mông hoặc sà vào lòng cô giáo khi vừa đến cửa, các phụ huynh cũng nhoẻn miệng cười yên tâm rời lớp. Màn chào hỏi đặc biệt theo ý trẻ này đang diễn ra đầu mỗi buổi sáng ở nhiều trường Mầm non trên địa bàn huyện. Với trẻ, gây hứng thú là điều cần làm đầu tiên, những cách giáo dục rất gần gũi, thân thiện với trẻ mà mình hoàn toàn có thể áp dụng được. Hoạt động này không quá khó khăn để thực hiện và cũng không tốn kém nhiều chi phí, mà cốt quan trọng là cái tâm và sự nhiệt huyết của người giáo viên. “Hình ảnh có thể tự vẽ tô màu hoặc cắt dán. Trước khi thực hiện, cô cho trẻ ngồi xung quanh để các bé được nhìn rõ. Với mỗi hình ảnh cô đều giải thích cho các bé về ý nghĩa và hướng dẫn thực hiện việc chào cô, vì thế các con rất hứng thú”.

Theo nhiều bậc phụ huynh đánh giá đây là một hoạt động hay, bởi họ con phấn khởi và thích thú hơn mỗi sáng đến trường. “Về nhà, con cũng chủ động chào bố mẹ bằng những cách thể hiện như thế và chia sẻ thích việc buổi sáng cô đón bằng một cái "ôm”. Phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn có nhiều hoạt động tạo cảm xúc tích cực cho con tương tự như vậy hơn nữa ở lớp cũng như ở trường. “Bởi khi giao con cho nhà trường, tâm lý phụ huynh cũng yên tâm hơn nếu con được vui vẻ và nhận được sự yêu thương. Đây là một cách chào hỏi rất mới mẻ, thân thiện và cho con cảm hứng đầu giờ sáng đi học. Việc vào lớp vui vẻ, phấn chấn có thể giúp con tiếp thu các kiến thức, hoạt động tốt hơn. Những điều đó vượt qua cả những giá trị vật chất hay tiền bạc. Không chỉ vậy, phụ huynh khi gửi trẻ cũng sẽ cảm thấy được yên tâm hơn và đó cũng là một niềm hạnh phúc của người giáo viên.

Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; một lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; một giờ giảng hay, hấp dẫn; một phong cách giản dị, trong sáng, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp sẽ theo người học suốt cuộc đời. Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, bằng những phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn; là những vấn vương, rung động đầu đời của tuổi mới lớn; là khung cảnh nên thơ, trữ tình của hàng cây, ghế đá,… Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của thầy cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ tuổi học trò.
Khi con người cảm thấy được hạnh phúc, được quan tâm, yêu thương; thấy trường học thực sự là nơi hữu ích, sẽ tạo cho họ sự phấn chấn, mê say trong học tập, nghiên cứu khoa học để trở thành người hữu ích cho xã hội. Vì thế có thể nói trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi một cách hiệu quả, ý nghĩa nhất. Để ngày hạnh phúc không chỉ là 1 ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, mà mong muốn ở trường, ở gia đình hay bất kỳ ở đâu, môi trường nào, “Dù bạn là ai, hãy được sống 1 đời thật hạnh phúc”./.
Cao Công Thức - LĐLĐ huyện Hậu Lộc