Bảo vệ Người lao động từ khi ban hành cơ chế chính sách
Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc triển khai, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội’’ và Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ, ngày 02/06/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội, hàng năm công tác giám sát, phản biện xã hội được Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Thực hiện Công văn số 1873/TLĐ ngày 23/4/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc góp ý dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngày 28/5/2021, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Hội thảo Khoa học góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhằm huy động chí tuệ của cán bộ Công đoàn và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm xã hội và sự tham gia của các tổ chức Chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hội nghị đã mời đồng chí Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Đại diện Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa; Sở lao động Thương binh xã hội; Sở Tư pháp; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa; Liên minh Hợp tác xã Thanh Hóa; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa về tham dự Hội nghị và có bài tham luận tại Hội nghị.
Ảnh: Hội thảo khoa học về việc góp ý dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Các đại biểu đã thảo luận và chỉ ra những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 như:
- Chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân, chưa được sử đổi bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm, quy mô và cơ cấu dân số.
- Chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng, dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.
- Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng nề về nguyên tắc đóng - hưởng, chưa chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao, mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.
- Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập (Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, điều kiện, thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm, điều này dẫn đến nhiều người lao động không thể tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu….)
Xuất phát từ những hạn chế, bất cập của Luật BHXH năm 2014, các đại biểu đề xuất:
- Cần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tiến tới BHXH toàn dân.
- Cần hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm Pháp luật có liên quan.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về BHXH trong việc hoạch định chiến lược phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống Pháp luật BHXH.
- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, sự phối hợp giữa các cơ quan và các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Có giải pháp đối với vấn đề nợ đọng BHXH, khởi kiện nợ đọng BHXH.
- Cần sửa đổi tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như: hạ sỹ quan, chiến sỹ quân đội nhân dân; hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người lao động Việt nam đi làm việc tại nước ngoài.
- Cần sửa đổi quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Cần sửa đổi nội dung các chế độ bảo hiểm xã hội gắn với mức lương cơ sở như mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con.
- Cần điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia trước năm 2016.
- Cần điều chỉnh trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng.
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của các chế độ bảo hiễm xã hội như ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất cho phù hợp với thực tế của người dân.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham gia tại Hội nghị Hội thảo khoa học góp ý xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) và tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của Công đoàn cơ sở (Theo Công văn số 218/LĐLĐ ngày 26/4/2021của LĐLĐ tỉnh triển khai đến các cấp Công đoàn góp ý dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi). Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp văn bản gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam để góp thêm tiếng nói nhằm xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) một cách đầy đủ, khoa học và thiết thực.
Có thể nói việc góp ý xây dựng, hoàn thiện Luật BHXH (sửa đổi) không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là một trong những hoạt động phản biện xã hội có hiệu quả của tổ chức Công đoàn nhằm bảo về người lao động từ cơ chế chính sách, đảm bảo nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động, từ đó góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của đất nước.
Bài và ảnh: Lê Thị Thuần- Ban CSPL & QHLĐ LĐLĐ tỉnh