Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 13

    Hôm nay: 2328

    Đã truy cập: 2314475

Kết quả bước đầu thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thị xã Bỉm Sơn

Bỉm Sơn-  là một đô thị công nghiệp phía bắc tỉnh Thanh Hóa, được xác định là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế động lực của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 485 doanh nghiệp các thành phần kinh tế đang hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, dệt may, giày da, lắp ráp linh kiện, thiết bị xe ôtô….  với tổng số gần 20.000 lao động. Trong đó có 4 doanh nghiệp Nhà nước, 9 doanh nghiệp FDI, 35 doanh nghiệp cổ phần, còn lại là các doanh nghiệp TNHH, thương mai, tư nhân… Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ,  góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo...

Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ), gồm 17 chương, 220 điều, được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Bộ luật có nhiều quy định mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ của các bên, góp phần xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) tiến bộ, hài hoà, ổn định, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

(Ảnh minh họa)

Sau khi BLLĐ năm 2019 có hiệu lực đã tham gia điều chỉnh các mối QHLĐ trong các đơn vị DN trên địa bàn thị xã. Các quy định được thực hiện theo BLLĐ năm 2012 được bãi bỏ và thay thế bởi BLLĐ mới hiện hành. Hội đồng phố biến giáo dục pháp luật thị xã phối hợp với UBND, LĐLĐ Thị xã tích cực tuyên truyền các điểm mới của BLLĐ năm 2019 đến với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã, nhận được sự quan tâm tích cực của lực lượng đông đảo CNVCLĐ. Sau thời gian áp dụng thực hiện BLLĐ năm 2019 trong các DN,  bước đầu cơ bản đạt được một số kết quả sau.

Thứ nhất: Việc thực hiện  hợp đồng lao động.

Hợp đồng lao động là văn bản thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, trong đó  quy định điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Từ trước khi BLLĐ 2019 có hiệu lực, các DN thực hiện theo BLLĐ 2012 với các hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Bộ luật Lao động năm 2019 đã loại bỏ loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Theo đó, các bên giao kết chỉ lựa chọn một trong hai loại hợp đồng lao động để giao kết là hợp đồng lao động xác định thời hạn không quá 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và thống nhất với các quy định khác của pháp luật lao động. Hơn nữa, việc bỏ quy định về “lao động mùa vụ” còn tránh tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau về dẫn đến các vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật khi có nhiều cách hiểu không thông nhất thế nào là “công việc theo mùa vụ”.  Đã có gần 90% các doanh nghiệp trên địa bàn đã tiến hành rà soát các loại hợp đồng trong đơn vị, đối với những đơn vị DN đã và đang duy trì hợp đồng mùa vụ đã hủy bỏ, thay thế bằng hình thức hợp đồng phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật  quy định về người lao động muốn thôi việc chỉ phải thực hiện nghĩa vụ báo trước cho người sử dụng lao động biết mà không cần phải nêu lý do. Điều này có nghĩa rằng, trong khi hợp đồng lao động đang có hiệu lực mà người lao động không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc có cơ hội tìm kiếm được công việc tốt hơn ở doanh nghiệp, tổ chức khác thì có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động đã ký; chỉ cần thực hiện nghĩa vụ thông báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian theo luật định là 45 ngày hoặc 30 ngày hoặc 03 ngày tùy theo loại hợp đồng lao động giao kết, để người sử dụng lao động có thời gian tuyển dụng lao động khác thay thế. Các đơn vị đã thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người lao động như Công ty TNHH KH Vina, Công ty TNHH YS Vina, Công ty TNHH Huệ Anh….Song song đó, hợp đồng lao động được giao kết qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, có giá trị pháp lý như hợp đồng lao động giao kết bằng văn bản truyền thống: Các công ty đã triển khai áp dụng hiệu quả như Công ty TNHH Stech Vina và Công ty DS HiTech( FDI)

Thứ hai: Quy định về tiền lương

Thực hiện Nghị định 90/2019/NĐ-CP, thị xã Bỉm Sơn là vùng III với mức lương tối thiểu vùng là 3.430.000đ.  Tuy nhiên theo điều 93 các DN tự chủ trong việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động trên cơ sở thảo luận với tổ chức đại diện NLĐ tại DN và công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện. Hiện nay, các DN trên địa bàn đang thực hiện rất hiệu quả quy định này, nhiều đơn vị quy định mức lương tối thiểu cao hơn tối thiểu vùng  hơn 10%, điển hình như Nhà mày Xi măng Long Sơn, Công ty TNHH Đông Hải, 3.854.000đ , Công ty TNHH KH Vina 3.855.000đ,  Công ty TNHH Stech 3.960.000đ ….. Bên cạnh đó, khi  trả lương, người sử dụng lao động thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhằm mục đích minh bạch tiền lương của người lao động  theo khoản 3 Điều 95 quy định.

Đã có 90% DN trả các loại phí liên quan đến mở tài khoản và chuyển tiền lương (khoản 2 Điều 96). Điều đó xuất phát từ vai trò, chức năng của tiền lương và yêu cầu không được làm giảm sút giá trị tiền lương của người lao động.

Thứ ba: Thực hiện quy định về làm thêm giờ

Trong quá trình lao động, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã phải huy động người lao động làm thêm giờ. Và đây là một trong các quy định NLĐ quan tâm trong BLLĐ mới.

Theo Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019  người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng; Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm thêm không quá 300 giờ/năm nếu làm công việc như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, điện, điện tử,…

Như vậy,  khi sử dụng người lao động làm thêm giờ bắt buộc phải có sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm giờ về các nội dung: thời gian, địa điểm và công việc làm thêm. Trên địa bàn thị xã hiện có 9 DN( số lao động từ 600 đến 1.100người) hoạt động trên lĩnh vực may mặc, điện tử do đặc thù công việc nên trong lĩnh vực này DN thường xuyên phải tổ chức làm thêm giờ, theo khảo sát hiện nay các DN hàng tháng làm thêm không quá 35giờ/tháng, các chế độ làm thêm giờ cho NLĐ được chi trả đầy đủ, không có phản ánh kiến nghị của NLĐ.

Ngoài ra, CNVCLĐ trên địa bàn thị xã thể hiện sự đồng tình, nhất trí phấn khởi với những quy định mới về tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ; Quốc khánh được nghỉ 2 ngày nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm lên 11 ngày; Được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi; Thêm trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương;Thay đổi về tiền đền bù khi bị chậm trả lương từ năm 2021,Lao động nam cũng được hỗ trợ chi phí gửi trẻ...Tuy nhiên, cũng có những quy định tại điều 170 người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều này cho phép người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là một tổ chức rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống. BLLĐ khẳng định cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

BLLĐ năm 2019 dù mới có hiệu lực thi hành được nửa năm, nhưng đã thấy được tầm quan trọng trong cuộc sống, bởi những quy định trong bộ luật đã chi phối toàn bộ động lực phát triển của xã hội, trung tâm là người lao động; các QHLĐ trong doanh nghiệp, trong xã hội được điều chỉnh cụ thể hóa hơn quyền và trách nhiệm của NLĐ và chủ sử dụng lao động, mục đích hướng tới đó là quyền lợi của NLĐ được đảm bảo và được bảo vệ.

Trịnh Thị Diễm Lệ, Chủ tịch LĐLĐ Thị xã Bỉm Sơn

 

 

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa