Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 32

    Hôm nay: 1633

    Đã truy cập: 2328944

Giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong các doanh nghiệp

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta thường nhắc nhở “Thi đua – khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.

Thực hiện lời dạy của Bác trong những năm qua tổ chức Công đoàn đã phát động thi đua sâu rộng trong công nhân, viên chức và người lao động nhiều phong trào thi đua yêu nước, trong đó trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” với mục tiêu: năng suất - chất lượng - hiệu quả, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Thi đua lao động sáng tạo là động lực để khơi dậy tinh thần yêu nước, khắc phục những mặt yếu kém, tăng cường sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(Đ/c Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại Lễ phát động phong trào thi đua do Công đoàn phối hợp với Chủ sử dụng lao động Công ty TNHH Sunjade VN tổ chức)

Theo điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế khen thưởng của tổ chức Công đoàn đã quy định rõ Công đoàn cơ sở có quyền và nhiệm vụ phối hợp với Chủ sử dụng lao động tổ chức phong trào thi đua cho đoàn viên và người lao động, theo đó hàng năm tổ chức phát động thi đua, ký kết giao ước thi đua và có quyền quyết định công nhận các danh hiệu thi đua “Đoàn viên Công đoàn xuất sắc”, “Tổ Công đoàn xuất sắc” và tặng Giấy khen của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 651 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, đa số Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp hằng năm phối hợp với người sử dụng lao động phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong đoàn viên, NLĐ; tổ chức ký kết và giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu kế hoạch đề ra; lựa chọn và xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp, sau mỗi đợt phát động thi đua có đánh giá sơ kết, tổng kết và động viên, khen thưởng kịp thời cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiểu biểu trong phong trào thi đua.

(Đại Công đoàn và Chủ sử dụng lao động Công ty TNHH Sakurai Việt Nam phát động thi đua và  ký kết biên bản giao ước thi đua)

Phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" đã khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của đoàn viên, người lao động, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần tích cực vào việc đảm bảo duy trì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Hằng năm đã có hàng nghìn lượt đoàn viên, người lao động có thành tích xuất sắc được các doanh nghiệp, các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Tại các cơ sở làm tốt, phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" do Công đoàn chủ trì, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc động viên, khuyến khích đoàn viên,  người lao động khắc phục khó khăn, phát huy ý thức trách nhiệm, sự nhiệt tình trong lao động công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Nhiều đơn vị đã làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, điển hình như Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP Tiến Nông, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức, Công ty CP Cấp nước, Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam... đã được Liên đoàn lao động tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua, trong đó có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn đem lại giá trị  làm lợi hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp, tiêu biểu như: Sáng kiến “Giải pháp khắc phục phớt chắn dầu máy bơm định lượng phèn”, “Cải tiến kỹ thuật sửa chữa gối đỡ bi của máy bơm bằng phương pháp hàn giảm áp để cấy đồng vào gối đỡ bi, giúp máy bơm làm việc ổn định, tuổi thọ của vòng bi tăng”, “Chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang Phớt cơ khí làm kín tổng bơm” của công nhân lao động Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa; Sáng kiến “Chế tạo máy ép đầu hộp khung bàn ghế”, “Chế tạo máy tiện gỗ cỡ lớn”, “Cải tạo Máy cán tôn làm cửa cuốn tấm liền”, “Thiết kế, cải tạo  hệ thống lọc bụi và thu hồi sơn tĩnh điện seclon” của đoàn viên, người lao động Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng đức; Sáng kiến “Thiết kế ke hàn mỏ vịt che chun viền chạy qua đem lại hiệu quả cao trong may viền” của công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam; Sáng kiến “Cải tiến, cải tạo máy chăm sóc, bón phân liên hoàn cho mía phát triển khỏe mạnh, nhằm tăng năng suất cho cây Mía”, “Thiết kế hệ thống sấy đường đa tinh thể, ứng dụng vi nhân giống quang tự dưỡng để nâng cao chất lượng mía giống nuôi cấy mô” là những sáng kiến của đội ngũ công nhân, kỹ sư thuộc Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

(Công đoàn phối hợp với chủ sử dụng lao động công ty TNHH giầy Anora Việt Nam tổ chức biểu dương công nhân lao động tiêu biểu)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt trong việc tổ chức, triển khai phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" tại các doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Ở một số doanh nghiệp chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và người sử dụng lao động, chưa coi hiệu quả từ phong trào thi đua là động lực để phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của xã hội; phong trào thi đua được tổ chức, phát động nhưng chưa chọn được mục tiêu, nội dung thi đua phù hợp do đó triển khai phong trào còn chung chung hình thức;  Việc bình xét khen thưởng còn có tình trạng nể nang, cào bằng, vẫn chủ yếu tập trung vào đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ người lao động trực tiếp sản xuất được khen thưởng còn rất ít dẫn đến không phát huy được tác dụng của phong trào thi đua; số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích được áp dụng phát huy hiệu quả còn tương đối thấp; Công tác tuyên truyền, vận động còn có mặt hạn chế, dẫn đến một bộ phận đoàn viên, người lao động chưa thấy được ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua nên chưa thật sự tích cực hưởng ứng tham gia. Công tác tổng kết, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến còn chưa thực hiện thường xuyên, kịp thời…

Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo" trong đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của Công đoàn cơ sở doanh nghiệp và cán bộ, đoàn viên, người lao động về ý nghĩa của phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi đơn vị và cá nhân; Tổ chức phát động thi đua, đăng ký giao ước thi đua và động viên  cán bộ, đoàn viên, người lao động đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu thi đua theo Luật Thi đua, Khen thưởng, Quy chế của Liên đoàn Lao động và UBND tỉnh đã ban hành. Tùy điều kiện cụ thể, các đơn vị lựa chọn hình thức, biện pháp thích hợp với từng ngành nghề, loại hình đơn vị để tổ chức phát động và đăng ký giao ước thi đua phù hợp; Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn về thi đua, khen thưởng đối với các Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các Công đoàn đoàn cơ sở doanh nghiệp, hướng dẫn, giúp đỡ Công đoàn cơ sở trong việc tổ chức và phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, nhất là đối với các Công đoàn cơ sở còn yếu; Lựa chọn chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm, phổ biến cho các CĐCS khác vận dụng thực hiện; Hằng năm tiến hành sơ kết, tổng kết phong trào thi đua biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đối với Công đoàn cơ sở: Phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự ủng hộ của người sử dụng lao động về các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức các phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua hằng năm, kết hợp tốt việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên theo năm và các phong trào thi đua đột xuất, ngắn hạn phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch phát động thi đua cụ thể, chi tiết, linh hoạt về hình thức, đảm bảo nội dung, chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, gắn với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện; tuyên truyền, vận động để đoàn viên, người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khen thưởng kịp thời các giải pháp tương xứng với giá trị làm lợi cho doanh nghiệp; Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự hỗ trợ của người sử dụng lao động về kinh phí để thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong các phong trào thi đua.

                                                          Thúy Dinh – Ban CSPL&QHLĐ

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa