Công đoàn Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học
Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, có diện tích 23.815,5 ha, trong đó gần 4.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm, cổ thụ hàng nghìn năm tuổi cần được bảo tồn, phát triển nguồn gen.
Về hệ thực vật, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ghi nhận được 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó có 35 loài trong sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong Sách đỏ Thế giới như Pơ mu, Sa mu, Bách xanh, Dẻ tùng sọc trắng….
Ảnh: Cán bộ Khu bảo tồn nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học
Hệ động vật đa dạng với 1.631 loài, trong đó có 80 loài thú (50 loài trong Sách Đỏ Việt Nam; 16 loài trong Danh lục đỏ IUCN), điển hình như: Gấu chó, Gấu ngựa, Bò tót, Sơn dương, Vượn đen má trắng, voọc xám...
Khu hệ chim, ghi nhận 252 loài, trong đó 5 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, 2 loài trong Danh lục đỏ IUCN. Khu hệ bò sát, ghi nhận 77 loài, trong đó 17 loài trong Sách Đỏ Việt Nam; 11 loài trong Danh lục đỏ IUCN.
Những năm qua, Ban Chấp hành CĐCS phối hợp với chuyên môn phát động phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể, Khu bảo tồn đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề tài, dự án như: Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen Lan Hài vân Bắc, Lan Hài lông và Lan Thủy tiên hường cho vùng Bắc Trung Bộ”; Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu Na rừng”; Đề tài “ Nhân giống cây Giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn”; Dự án “Điều tra đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loại Culi”; Dự án “Điều tra, bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài Rùa”; Dự án “Điều tra, bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy”
Ảnh: cây cổ thụ quý hiếm tại Khu bảo tồn
Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, Khu bảo tồn còn tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhân giống các cây giống lâm nghiệp như cây quế, keo tai tượng. Triển khai các mô hình nuôi Dúi sinh sản, nuôi gà Mông cho các vùng dân cư lân cận.
Thông qua việc thực hiện các đề tài, nghiên cứu khoa học của cán bộ, đoàn viên Khu bảo tồn đã góp phần lưu giữ nguồn gen, bảo vệ có hiệu quả các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài đặc hữu, quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên Xuân Liên.
Nguyễn Thị Hằng Nga - CĐN Nông nghiệp và PTNT