ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG PHONG TRÀO NỮ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chiếm 70,5% lực lượng lao động trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn (225.500 CNVCLĐ nữ/318.956 CNVCLĐ), lao động nữ nhiều nhất là trong các đơn vị sản xuất giầy da, may mặc; ngành Giáo dục, Y tế... Đây là lực lượng lao động đông đảo, đã và đang tham gia nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động phong trào do Ban nữ công, Công đoàn, chuyên môn và chủ sử dụng lao động phát động.
Thời gian qua, Công đoàn, Ban nữ công các cấp đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức phong trào thi đua, từ việc chọn nội dung phát động, xây dựng kế hoạch, triển khai phát động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và tiến hành sơ kết, biểu dương khen thưởng... Nhiều phong trào tạo được sức lan toả như: Phong trào "Công nhân, Viên chức, Lao động chung sức hiện thực hoá khát vọng quê hương Thanh Hoá văn minh thịnh vượng, giai đoạn 2021 - 2030"; "đồng lòng chiến thắng dịch bệnh Covid- 19"; "Chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả" của khối hành chính sự nghiệp; "Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn" trong khối lao động sản xuất", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; "Tuần lễ áo dài"; cuộc thi "nét đẹp nữ CNVCLĐ trong công tác phòng chống dịch hoặc trong lao động sản xuất" tạo được không khí thi đua sôi nổi cho CNVCLĐ nói chung và nữ CNVCLĐ nói riêng. Trong hoạt động phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ nữ, CNVCLĐ nữ tiêu biểu với những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền vận động; học tập, lao động nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao; truyền thông tư vấn, chăm sóc sức khoẻ; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho lao động nữ thu hút được nhiều chị em tham gia, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, một số BCH Công đoàn, Ban nữ công tổ chức hoạt động phong trào nữ CNVCLĐ hiệu quả chưa cao, phong trào thiếu cả chiều rộng và chiều sâu; một số nơi chưa xây dựng được kế hoạch, hoặc xây dựng được kế hoạch nhưng thiếu cụ thể, chưa sát thực với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; nội dung và cách thức triển khai có thời điểm chưa phù hợp, nặng hình thức; việc bám đuổi, nghiêm cứu bổ sung, điều chỉnh nội dung cách làm cho phù hợp với đơn vị và nguyện vọng của đa số CNVCLĐ chưa kịp thời, thiếu sự sáng tạo. Trong thời gian qua, tình hình đại dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều địa bàn phải thực hiện nghiêm việc giản cách, phong toả, không được tập trung đông người. Đồng thời, BCH, BTV công đoàn các cấp có nơi chưa tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức; Ban Nữ công chưa chủ động tham mưu và chủ động đề xuất tổ chức các phong trào thi đua; cách thức tổ chức phong trào thi đua còn sơ cứng; cán bộ nữ công Công đoàn các cấp kiêm nhiệm, trình độ, khả năng hiểu biết pháp luật, năng lực tuyên truyền, vận động, thuyết phục còn hạn chế so với yêu cầu hội nhập và nguyện vọng người lao động; bản thân nữ CNVCLĐ cũng bị hạn chế về giới, phải thực hiện chức năng người vợ, người mẹ, chưa dành nhiều thời gian tham gia hoạt động phong trào...Vì vậy, hoạt động phong trào chưa duy trì thành nề nếp, có nơi tổ chức thiếu chiều sâu, hiệu quả không cao, chưa thật sự là động lực thúc đẩy hoạt động phong trào do chuyên môn và công đoàn tổ chức trong điều kiện và hoàn cảnh mới.
Hiện nay, quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng lần thứ 4 đã và đang tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm và lao động; các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, cạnh tranh về nguồn nhân lực trong bối cảnh tình hình đại dịch covid-19 vẫn diễn ra hết sức gay gắt, phức tạp, khó lường, nhất là tỉnh ta, lực lượng lao động của các tỉnh phía nam đang đổ dồn về quê sinh sống, tìm việc làm, tạo ra áp lực quá lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh covid -19, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là cho lao động nữ. Mặt khác, để thu hút được lực lượng nữ CNVCLĐ trên địa bàn tham gia hoạt động phong trào đang đặt ra cho BCH công đoàn, Ban nữ công, Câu lạc bộ nữ các cấp phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động phong trào bằng các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn và BCH, BTV Liên đoàn lao động tỉnh liên quan đến công tác nữ công, trọng tâm là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; Luật Công đoàn, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, luật hôn nhân và gia đình; Nghị quyết 6b của BCH Tổng liên đoàn Việt Nam về công tác vận động phụ nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH; Chương trình bình đẳng giới; phong trào thi đua "Giỏi việc nước đảm việc nhà"; phối hợp thực hiện thí điểm việc thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ trong doanh nghiệp tư nhân; Đề án "Nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động trọng các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thuộc Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021 - 2025"...
Hai là, tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của Ban chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn các cấp đối với công tác nữ công. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đối với chất lượng phong trào thi đua của nữ CNVCLĐ, cần tạo điều kiện về thời gian, nguồn lực (kinh phí và lực lượng) cho hoạt động nữ CNVCLĐ; quan tâm chỉ đạo thành lập, thường xuyên chỉ đạo kiện toàn Ban nữ công đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Định kỳ, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công tâm huyết, tận tuỵ, có khả năng qui tụ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục CNVCLĐ, tổ chức tốt, có hiệu quả các phong trào thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấn no, hạnh phúc, tiến bộ.
Ba là, Ban nữ công các cấp cần chủ động nắm bắt tình hình CNVCLĐ để tham mưu cho BCH, BTV Công đoàn giải quyết các vấn đề liên quan chế độ, chính sách; nhu cầu, nguyện chính đáng, hợp pháp của lao động nữ; Đồng thời, đổi mới cách thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ nữ CNVCLĐ có cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Muốn thực hiện được điều đó trước hết phải xây dựng được kế hoạch đúng, trúng, sát với tình hình thực tế đơn vị, đáp ứng được nguyện vọng, sở thích của đa số chị em; kế hoạch cần xác định nội dung cụ thể, cách làm, lộ trình, nguồn lực để thực hiện; phân công giao rõ từng việc, từng người; thời gian hoàn thành, phát huy được vai trò của nữ CNVCLĐ trong các phong trào thi đua yêu nước.
Bốn là, trong quá trình tổ chức thực hiện cần thường xuyên theo dõi động viên, hướng dẫn, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; tập trung bám đuổi nội dung của phong trào thi đua, khắc phục tình trạng phát động rầm rộ nhưng không quan tâm tổ chức thực hiện mục tiêu nhiệm vụ đề ra; thường xuyên sơ kết, tổng kết, khen thưởng biểu dương tập thể, cá nhân có cách làm hay để nhân rộng điển hình tiên tiến, phê bình nhắc nhở những việc tập thể, cá nhân chưa làm tốt để rút kinh nghiệm. Đặc biệt tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm, học tập thực tế giữa các đơn vị.
Năm là, nâng cao vai trò trách nhiệm của Ban nữ công Công đoàn cấp trên trong việc hướng dẫn chương trình công tác nữ công hàng năm; chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm, hỗ trợ cho các mô hình điểm, các câu lạc bộ nữ điểm hoạt động; hướng dẫn, tập huấn, cung cấp tài liệu cho Ban nữ công quần chúng cơ sở; tổ chức các hoạt động chuyên đề về giới, dân số, gia đình, trẻ em, các ngày kỷ niệm liên quan đến hoạt động của nữ công; đánh giá xếp loại khen thưởng hàng năm công tâm khách quan; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công tiêu biểu trong hoạt động phong trào, trong chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ, tạo niền tin của lao động nữ đối với Ban Nữ công và Công đoàn các cấp để Công đoàn thật sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động.
Trịnh Thị Hoa - Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh