Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 18

    Hôm nay: 837

    Đã truy cập: 3152369

Nâng cao chất lượng hoạt động công tác Nữ công Công đoàn huyện Ngọc Lặc trong tình hình mới.

Công tác Nữ công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật. Nữ Cán bộ, Công nhân, viên chức, người lao động (CB,CNVCLĐ) không chỉ là người "hiển diện", đóng góp công sức, trí tuệ trong công việc hành chính nhà nước, công tác chính trị - xã hội, trường học, doanh nghiệp mà họ còn là người giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tổ ấm gia đình, nơi được coi là tế bào của xã hội.

Vì vậy, công tác Nữ công Công đoàn đang đóng góp một phần rất quan trọng trong việc xây dựng xã hội phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa rất mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đứng trước những cơ hội mới và những thách thức mới đòi hỏi những đổi mới phù hợp, thích ứng, do đó hơn bao giờ hết công tác Nữ công Công đoàn đòi hỏi phải có những đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng được yêu cầu trong thời đại không ngừng đổi thay, phát triển.

Các đồng chí lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng các Nữ cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Huyện uỷ trong buổi gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập Hội PHPN Việt Nam 20/10/2021

Công đoàn huyện Ngọc Lặc, tính đến thời điểm hiện nay, Nữ CB,CNVCLĐ là 5.291/6.812 người, chiếm tỷ lệ 77,6 %. Tỷ lệ này cho thấy rõ việc tập trung nâng cao chất lượng công tác Nữ công Công đoàn là vô cùng quan trọng. Nhìn chung trong những năm qua, Công tác nữ công công đoàn trong hệ thống công đoàn huyện đã có những kết quả đạt được nhất định trong các mặt hoạt động: Trong 9 tháng đầu năm 2021, 100% các công đoàn cơ sở (CĐCS) xây dựng được nội dung, nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công năm 2021, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm lớn liên quan đến giới nữ: Ngày quốc tế Phụ Nữ 8/3, ngày gia đình Việt Nam, ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,…; Các hoạt động chủ yếu được tổ chức như: tham gia tuần lễ Áo dài Việt Nam, Tọa đàm gặp mặt, sinh hoạt chuyên đề, thi nấu ăn, thi cắm hoa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao,…thu hút được đông đảo nữ CB,CNVCLĐ, tạo được sự gắn kết trong tập thể, phát huy được sự sáng tạo, năng khiếu, năng lực, tạo nên đời sống tinh thần vui tươi, phấn khởi trong nữ CB,CNVCLĐ..

Hoạt động Thể dục thể thao trong Nữ CNVCLĐ huyện Ngọc Lặc nhân kỷ niêm ngày thành lập Hội PHPN Việt Nam 20/10/2021

Công tác Nữ công công đoàn đã chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và nghĩa vụ của lao động nữ tới các CB,CNVCLĐ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kịp thời làm tốt các hoạt động thăm hỏi hiếu, hỉ theo quy chế của Công đoàn, tạo được tình cảm, sự gần gũi, yêu thương trong nữ CB,CNVCLĐ. Năm 2021, trong nữ CB,CNVCLĐ toàn huyện được LĐLĐ tỉnh biểu dương 01 gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu và trao quà cho 05 con CNVCLĐ mắc bệnh hiểm nghèo nhân ngày gia đình Việt Nam tổng trị giá tiền mặt 5 triệu đồng; Triển khai cuộc thi “Nét đẹp nữ CNVCLĐ trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 hoặc trong lao động sản xuất” đến các 100% CĐCS trong huyện thu hút được sự tham gia của nữ CB,CNVCLĐ và có 02 bài dự thi tham gia được lựa chọn đăng trên fanpage của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Công tác Nữ công Công đoàn các cấp đã và đang tổ chức được phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” thu hút được đông đảo nữ CB,CNVCLĐ tham gia và tạo được những sự lan tỏa, sự ghi nhận rất tích cực những đóng góp công sức, trí tuệ của nữ CB,CNVCLĐ.

Bên cạnh các mặt đạt được, công tác Nữ công Công đoàn trong huyện vẫn còn tồn tại những hạn chế, cần được nhìn nhận rõ ở tầng cốt lõi để tìm những giải pháp đúng:

- Một bộ phận nữ CB,CNVCLĐ chưa thực sự có trách nhiệm, sự yêu thương chính bản thân mình và cũng chưa có nhiều hiểu biết về kiến thức liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của lao động nữ nên chưa có sự chủ động tìm hiểu đến các chế độ, chính sách, chưa có sự chủ động đề xuất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chính mình.

- Một bộ phận nữ CB,CNVCLĐ tham gia các hoạt động, các phong trào của cơ quan, đơn vị, của Công đoàn, nữ công Công đoàn tổ chức chỉ là tham gia hình thức, do bắt buộc, ràng buộc của cơ quan, đơn vị, tổ chức chứ không xuất phát từ chính mong muốn đóng góp giá trị của họ. Điều này dẫn đến chất lượng tham gia các hoạt động, các phong trào hoạt động chưa đạt được chất lượng cao và những giá trị xứng tầm với những điều kiện vốn có.

- Một bộ phận nữ CB,CNVCLĐ chưa có tư duy tích cực và niềm tin đúng đắn trong việc có trách nhiệm với tổ chức, với xã hội. Họ nghĩ rằng họ không cần thăng quan, tiến chức nên họ không có nhu cầu, không có trách nhiệm tự học, tự rèn luyện, tự vun bồi những giá trị của bản thân trong mọi mặt cuộc sống và trong công việc, sự nghiệp. Họ không sẵn sàng giám đứng ra để mạnh dạn đóng góp những ý kiến xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị.

- Trong quá trình tổ chức một số hoạt động, phong trào của Nữ công, của Công đoàn, chưa thực tạo được môi trường mà ở đó nữ CB, CNVCLĐ được ghi nhận, được chia sẻ, được nhận những giá trị mà họ mong muốn hướng đến, dẫn đến sự không đồng quan điểm, không đồng giá trị nên một bộ phận nữ CB, CNVCLĐ không toàn tâm, toàn ý tham gia đóng góp cho tổ chức Công đoàn.

Từ những tồn tại, hạn chế ở tầng cốt lõi và từ những cơ hội, những thách thức của thời đại công nghệ mới, thời đại toàn cầu hóa. Công tác Nữ công Công đoàn cần tập trung vào những giải pháp chủ yếu sau để nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó phát huy được sức mạnh tiềm tàng, đóng góp được thật nhiều giá trị, những ảnh hưởng tích cực tới tổ chức, tới toàn xã hội:

Thứ nhất, Ban Chấp hành và Nữ công Công đoàn cần đặc biệt chú trọng, quan tâm đến giáo dục tư duy tích cực cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ. Chừng nào phụ nữ còn đổ lỗi, còn lý do thì họ luôn luôn còn sự trì hoãn, còn không phát triển hết năng lực tiềm tàng. Tư duy đúng sẽ có hành động đúng.  Trước tiên, bản thân nữ đoàn viên, CNVCLĐ cần có cho mình niềm tin đúng đắn rằng: phụ nữ hoàn toàn có thể vừa có một gia đình hạnh phúc, vừa có công việc, sự nghiệp thành công, ý nghĩa, giá trị mà không phải đánh đổi một trong hai điều. Và thành công trong công việc không phải là được đề bạt, thăng chức. Mà ở đây là đem được những giá trị, những tầm ảnh hưởng tích cực tới bất kỳ ai chúng ta gặp và trong bất cứ công việc gì chúng ta làm. Niềm tin này rất quan trọng định hướng cho nữ đoàn viên, CNVCLĐ không ngừng nỗ lực tự học, tự nâng cao, vun bồi trí tuệ, giá trị bản thân. Từ đó, từ sâu trong nội tại nữ CNVCLĐ luôn mong muốn, có trách nhiệm, có những cách thức để giữ gìn gia đình hạnh phúc, nuôi dạy thế hệ con cái thành hiền tài của xã hội, đóng góp những giá trị trong công việc, sự nghiệp mà họ có cơ hội được "chạm tay" vào mà hoàn toàn không phụ thuộc vào quy định, quy chế, sự ràng buộc nào từ bên ngoài.
Có thể ban đầu nghe mới mẻ, nhưng ở các nước phương tây, họ rất chú trọng đến các chương trình phát triển bản thân. Điều này tạo sự chuyển biến tích cực nội tại, khơi dậy được sức mạnh, năng lực tiềm tàng trong con người. Nên được học hỏi từ  chuyên gia phát triển bản thân hoặc có chương trình rèn luyện phát triển bản thân nào đó được ban Nữ công, ban Chấp hành công đoàn quan tâm, đưa vào để triển khai, áp dụng trong nữ đoàn viên, CNVCLĐ sẽ tạo ra những thay đổi tích cực rất mạnh mẽ trong nữ CB, CNVCLĐ.

Thứ  hai, Công đoàn các cấp cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền cùng cấp đối với hoạt động công đoàn nói chung và công tác Nữ công nói riêng; đề xuất, tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Nhà nước, của tổ chức Công đoàn về công tác vận động nữ CNVCLĐ, đặc biệt là đối với người đứng đầu, người tham gia cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, công đoàn các cấp.

Tham gia xây dựng các quy định, chính sách ngay tại mỗi cơ quan, đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nữ CNVCLĐ và công tác Nữ công Công đoàn.

Thứ ba, Ban Chấp hành Công đoàn cần thực sự quan tâm đến việc lựa chọn Uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách Nữ công, Ban Nữ công quần chúng với đơn vị đủ điều kiện thành lập. Đây là bộ phận tham mưu công tác Nữ công cho Công đoàn, đồng thời là bộ phận kết nối với toàn thể nữ đoàn viên, CNVCLĐ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên việc lựa chọn được đúng người rất quan trọng: họ rất cần là những người có kiến thức, có thể truyền được cảm hứng, truyền được động lực để những người khác noi theo học hỏi, tạo được năng lượng để thu hút, gắn kết trong tập thể nữ công công đoàn.

- Thứ , xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm của Ban Nữ công Công đoàn với nội dung cụ thể như sau:

   + Đẩy mạnh tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của lao động nữ, thúc đấy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, việc tìm kiếm thông tin trở nên rất dễ dàng. Tuyên truyền những điểm mới chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, chế độ Bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ rất quan trọng. Khi xảy đến trường hợp đó, nữ CNVCLĐ biết tự tra cứu, tìm hiểu thông tin và có sự chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của bản thân. Đổi mới phương thức tuyên truyền, thông điệp tuyên truyền thu hút nam giới tham gia. Quan tâm tới những vấn đề mới như phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Quan tâm tuyên truyền những vấn đề gia đình như: chămsóc gia đình, con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc; tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách đối với lao động nữ. Chú trọng vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; xây dựng chương trình tuyên truyền giáo dục về gia đình, chú trọng giáo dục sớm, giáo dục tiền hôn nhân.

+ Chăm lo các lợi ích vật chất và tinh thần: Chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và các ban, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động “chăm lo” cả về lợi ích vật chất và tinh thần. Nhân ngày 8/3 hoặc 20/10, tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn hướng dẫn các CĐCS: tổ chức một số hoạt động chăm lo thành phong trào lan tỏa rộng khắp. Nhân dịp này, hoạt động ghi nhận, biểu dương những nữ CNVCLĐ hạnh phúc trong gia đình và có thành tích xuất sắc trong công việc có ý nghĩa rất quan trọng. Tại những sự kiện này, hãy cho những tấm gương tiêu biểu được chia sẻ những niềm tin, những cách thức, những bài học để họ có được những điều đó trong cuộc sống, từ đó lan toả tới những nữ CNVCLĐ bằng những câu chuyện chân thực trong đời thường.
Tổ chức các buổi học hỏi, nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, về dân số, sức khỏe sinh sản, về cách nuôi dạy, chăm sóc con cái..tổ chức cho lao động nữ được giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, tùy thuộc đặc thù của cơ quan, đơn vị, có thể lựa chọn các hoạt động chăm sóc nữ CNVCLĐ như khám sức khỏe định kỳ và chuyên khoa phụ sản, được mua sản phẩm ưu đãi, được tặng các vé ưu đãi tiện ích, được hỗ trợ làm đẹp, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao...

+ Phát triển các phong trào thi đua thiết thực, phù hợp: Vận động lao động nữ tích cực tham gia phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”..., có thể cụ thể hóa phong trào gắn với bình đẳng giới như “ Nam, nữ cùng giỏi việc nước, cùng đảm việc nhà” trong CNVCLĐ,  phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả và xây dựng gia đình hạnh phúc. Cổ nhân có câu: Hữu xạ tự nhiên hương. Nếu nhờ các phong trào này, nữ CNVCLĐ được ghi nhận, được gặp gỡ, học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về mọi mặt trong đời sống, trong công việc,… thì tự khắc sẽ thu hút sự tham gia tích cực của toàn thể nữ  CNVCLĐ, họ sẽ mong muốn được tham gia các hoạt động, các phong trào đó mà không phải vì bất kỳ một lý do ràng buộc nào từ bên ngoài. Vì vậy, căn cứ tình hình đặc thù của cơ quan, đơn vị, triển khai các phong trào thi đua phù hợp, linh hoạt và tạo ra được những năng lượng lan toả tích cực.

+ Quan tâm các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học hành của con CNVCLĐ. Quan tâm lao động nữ đơn thân nuôi con nhỏ. Thực hiện tốt các hoạt động khuyến khích con CNVCLĐ vượt khó, học giỏi.Tổ chức các hoạt động chăm lo cho con CNVCLĐ như: biểu dương, khen thưởng các cháu có thành tích cao trong học tập; hỗ trợ học bổng, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi cho con CNVCLĐ.

Trên đây là một số những giải pháp trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng công tác Nữ công công đoàn. Nếu không có tư duy tích cực, không có giải pháp đổi mới phù hợp, dù có thay đổi các hoạt động tổ chức, thay đổi con người đảm nhận công việc thì vẫn cho những kết quả như cũ hoặc khó nâng cao lên một tầm cao mới. Các giải pháp cần được áp dụng đồng bộ, từ cơ sở đến huyện để toàn hệ thống phát triển đồng bộ, đem lại nhiều giá trị, nhiều tầm ảnh hưởng tích cực, nhiều đóng góp ý nghĩa và bền vững đối với sự phát triển của tổ chức Công đoàn, của toàn xã hội./.

Phạm Thị Thu Phương - LĐLĐ huyện Ngọc Lặc

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa