Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 18

    Hôm nay: 1682

    Đã truy cập: 2260478

Công đoàn Trường Đại học Hồng Đức với phong trào thi đua "Lao động giỏi Lao động sáng tạo"

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định Khoa học và Công nghệ, cùng với Giáo dục - Đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm phấn đấu đưa nước ta đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được mục tiêu trên,  Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp Công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”; đặc biệt lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất".  

PGS, TS Lê Viết Báu (đứng đầu bên trái) Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hồng Đức là một trong 75 cá nhân được LĐLĐ tỉnh tôn vinh tại Lễ tôn vinh “Công nhân giỏi Xứ Thanh”, “Công nhân, viên chức, người lao động tiêu biểu Xứ Thanh” năm 2021 đang cùng Hội đồng nghiệm thu sản phẩm kết quả đề tài đạt xuất sắc về Giường bệnh thông minh

Nhận thức rõ vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào Lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa phát động đã được các cấp công đoàn hưởng ứng nhiệt tình, triển khai sâu rộng, cụ thể hóa thành các phong trào thi đua phù hợp với tính chất, đặc thù của từng ngành nghề, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị. Gắn phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng có hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút được đông đảo công nhân, viên chức, lao động  tham gia với mục tiêu: năng suất - chất lượng - hiệu quả, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Thi đua lao động sáng tạo là động lực để khơi dậy tinh thần yêu nước, khắc phục những mặt yếu kém, tăng cường sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ phong trào thi đua  này đã xuất hiện nhiều tập thể, gương cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của đội ngũ CNVCLĐ.

PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi – Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội nghị ký biên bản hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố các công trình nghiên của nhà trường

Ngày nay, khoa học và công nghệ (KH-CN) đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia, từng doanh nghiệp, đây cũng là yếu tố quan trọng để lao động có tư duy làm việc năng động, sáng tạo, linh hoạt hơn. Cuộc Cách mạng 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển này tác động to lớn đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, đến toàn cầu. Sự gắn kết giữa khoa học và công nghệ ngày càng chặt chẽ, mối quan hệ giữa nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh, giáo dục - đào tạo cũng ngày càng gắn chặt nhau hơn. Toàn cầu hoá và phát triển nền kinh tế tri thức đã và đang là một xu thế tất yếu của thời đại, là điều kiện quan trọng trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

          Phong trào Lao động sáng tạo của đoàn viên Công đoàn Trường Đại học Hồng Đức, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, trọng tâm là không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, góp phần xây dựng và phát triển Nhà trường trở thành cơ sở giáo dục, đào tạo đại học đa ngành theo định hướng ứng dụng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, tạo tiền đề đến năm 2025 ngang tầm với với các trường đại học uy tín trong nước, có vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Có thể nói, nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và giảng dạy là hai nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung, trường Đại học Hồng Đức nói riêng. Thực hiện tốt hai nhiệm vụ này không chỉ là điều kiện đánh giá năng lực chuyên môn của mỗi giảng viên, mà nó còn là yếu tố khẳng định vị thế, uy tín của cơ sở đào tạo. Vậy NCKH, sáng tạo kỹ thuật và đào tạo có mối quan hệ chặt chẽ hữu cơ và biện chứng với nhau. Cùng với hoạt động giảng dạy, NCKH, sáng tạo kỹ thuật là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên trường đại học.

          Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động giảng dạy, NCKH trong trường Đại học; Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”, Bên cạnh hoạt động giảng dạy, đào tạo, Công đoàn Trường Đại học Hồng Đức luôn coi trọng hoạt động NCKH,  sáng tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của đoàn viên công đoàn là nhiệm vụ chính trị không thể thiếu, là tiêu chí xét thi đua hàng năm. Do đó kết quả phong trào thi đua lao động sáng tạo trong CBVC-LĐ nhà trường 5 năm qua (2016-2021) có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước, được thể hiện trên các nội dung sau:

Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, LĐLĐ tỉnh và TS. Hoàng Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 cho 03 cá nhân 

Công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được đổi mới theo hướng chặt chẽ, nền nếp. Công tác xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu, tổng kết các hoạt động KH&CN được thực hiện đúng kế hoạch và có chất lượng. Số lượng đề tài các cấp, đặc biệt là đề tài cấp cao tăng vượt bậc: giai đoạn 2016-2021, CBVC-LĐ Nhà trường thực hiện 454 đề tài (dự án) KH&CN, trong đó 12 đề tài, dự án cấp quốc gia và tương đương (tăng 7 đề tài), 47 đề tài cấp bộ (tăng 21), 45 đề tài (dự án) cấp tỉnh (tăng 22 đề tài); 396 đề tài cấp cơ sở (tăng 164 đề tài). Không chỉ vượt về số lượng đề tài, dự án KH&CN cấp cao so với giai đoạn 2010 -2015 mà còn vượt cả về nguồn thu; nguồn thu ngân sách ngoài trường cho hoạt động KH&CN trong giai đoạn 2016-2021 đã đạt 79 tỷ 558 triệu đồng (tăng hơn 49 tỷ đồng lần so với giai đoạn 2010-2015). Chất lượng các đề tài ngày càng được nâng cao theo hướng gắn kết chặt chẽ với đào tạo và thực tế sản xuất và đời sống, có địa chỉ áp dụng, có tiếp nhận, triển khai ứng dụng của các đơn vị đặt hàng. Một số đề tài, dự án có phạm vi, quy mô lớn, nội dung liên ngành, giải quyết các vấn đề thời sự mà thực tiễn đang đặt ra như: xây dựng các mô hình phục vụ chương trình phát triển nông thôn miền núi; Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo tồn quỹ gen; Công nghệ nhà thông minh; đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Một số sản phẩm nghiên cứu của Nhà trường đã được thương mại hóa để thúc đẩy sản xuất phát triển như: giống lúa HD 9; bơm thủy năng HDBT; hệ thống điều kiển nhà trạm viễn thông thông minh,...

Số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành tăng vượt bậc: Trong giai đoạn 2016-2021, toàn trường đã công bố 2.190 bài báo chuyên ngành (tăng 1290 bài so với giai đoạn 2010-2015), trong đó có 246 bài báo trên các tạp chí quốc tế (tăng 205 bài); 183 bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. Năm 2019, trường đại học Hồng Đức được vinh dự được xếp hạng 49/256 cơ sở giáo dục đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam.

Hội thảo khoa học được cải tiến về nội dung và hình thức tổ chức, hướng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển Nhà trường. Trong nhiệm kỳ, toàn trường thực hiện 548 hội thảo các cấp, trong đó 03 hội thảo có yếu tố nước ngoài, 65 hội thảo liên trường và cấp trường. Nhiều hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành trong nước và các chuyên gia quốc tế như “Lồng ghép giảng dạy về biến đổi khí hậu trong chương trình đào tạo trình độ đại học”, “Toán Giải tích và ứng dụng”, “Lý thuyết phê bình văn học hiện đại - Tiếp nhận và ứng dụng”,... Chất lượng hoạt động ý tưởng sáng tạo và sáng kiến kinh nghiệm cũng được nâng cao, mỗi năm có hàng trăm ý tưởng dự thi, nhiều ý tưởng được triển khai thực hiện có hiệu quả.

TS. Hoàng Nam Bí thư Đảng ủy và PGS.TS. Hoàng Thị Mai - Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao Giấy khen cho 30 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu KH&CN năm học 2020-2021

Hoạt động sáng kiến kinh nghiệm luôn được Công đoàn trường chú trọng, và được đoàn viên Công đoàn hưởng ứng nhiệt tình, nhiều sáng kiến được đúc rút từ kinh nghiệm quản lý, từ giảng dạy, NCKH, chuyển giao công nghệ và mang lại hiệu quả kinh tế cao từ năm 2016 đến năm 2021 đã có 215 của CBVC-LĐ sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật được triển khai thực hiện, nghiệm thu và đưa vào áp dụng, trong đó có nhiều sáng kiến đã tham gia Hội thi lao động sáng tạo toàn tỉnh đạt kết quả cao và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Đặc biệt năm 2021 CBVC-LĐ tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” (có 88 sáng kiến/05 chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao), kết quả Tập thể Công đoàn trường, 02 cá nhân được LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen.

Một điểm sáng khác trong phong trào lao động sáng tạo của CBVC-LĐ tham gia hướng dẫn sinh viên tham gia dự thi Olympic môn Toàn, Vật lý, Hóa, Tin học, Tiếng Anh, các môn học Mác- Leenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh toàn quốc đạt nhiều giải cao, cụ thể từ 2016-2021 đạt 08 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 52 Huy chương Đồng, 16 giải Khuyến khích và 02 lần đạt giải Nhì toàn đoàn môn Vật lý, 01 lần đạt giải Ba toàn đoàn môn Toán. Kết quả này đã góp phần xây dựng thương hiệu nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Để ghi nhận kết quả trên hằng năm Công đoàn trường, Nhà trường và Ủy ban nhân dân tỉnh đã tôn vinh và tặng thưởng những phần thưởng xứng đáng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều kết quả tích cực: từ 2016 đến năm 2021 sinh viên đã thực hiện 714 đề tài (tăng 67 đề tài), trong đó có 258 đề tài dự thi và đạt giải cấp trường (tăng 90 đề tài). Dự thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ GD&ĐT tổ chức, Hội nghị khoa học tuổi trẻ khối ngành sư phạm, kinh tế, nông- lâm- ngư nghiệp của các trường đại học trong toàn quốc, cán bộ trẻ và sinh viên Nhà trường đã đạt 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 04 giải Khuyến khích.

Tạp chí khoa học của Nhà trường liên tục được đổi mới, đến nay được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình 4 ngành; mỗi năm xuất bản 6 số, từ năm 2017 tạp chí được tham gia dữ liệu Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến và số tiếng Anh của được Cục Thông tin khoa học (Bộ KH&CN) cấp mã số ISSN. Đây là bước phát triển quan trọng trong hoạt động KH&CN của Nhà trường. Hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục được duy trì và có bước phát triển. Hiện nay, nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ với trên 40 trường ĐH, cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới. Trong đó có nhiều chương trình mang lại hiệu quả tích cực như, chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh với Trường ĐH Soongsil (Hàn Quốc), chương trình phối hợp đào tạo và NCKH với Trường ĐH Zielona Gora (Ba Lan)..

Vậy, có thể khẳng định phong trào thi đua lao động sáng tạo trong CBVC-LĐ luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn trường quan tâm, chỉ đạo sát sao, được CBVC-LĐ hưởng ứng nhiệt tình, thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi ở các Công đoàn bộ phận trong Trường, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ CBGV-LĐ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp luận chứng khoa học cho việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển KT-XH của địa phương, ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu của Nhà trường trong cộng đồng KH&CN trong nước và quốc tế. Số lượng đề tài, dự án khoa học cấp cao tăng. Các công trình nghiên cứu ngày càng có chất lượng, gắn với địa chỉ ứng dụng cụ thể và giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra tại các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài Tỉnh. Từ phong trào thi đua lao động sáng tạo đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến, say mê lao động, sáng tạo đã được các cấp công đoàn ghi nhận và khen thưởng, biểu dương kịp thời. Từ năm 2016-2021 Công đoàn trường Đại học Hồng Đức đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 02 Cờ thi đua, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng 02 Cờ thi đua; 30 tập thể Công đoàn bộ phận được Công đoàn trường tặng Giấy khen, 11 Cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng LĐST; 89 cá nhân được các cấp Công đoàn tặng Bằng khen, 368 cá nhân được Công đoàn trường tặng Giấy khen.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt trong việc tổ chức, triển khai phong trào thi đua, Lao động sáng tạo tại Công đoàn trường trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động đôi lúc còn hạn chế, hình thức, nội dung chưa phong phú, dẫn đến một bộ phận đoàn viên, người lao động chưa thấy được ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua nên chưa thật sự tích cực hưởng ứng tham gia; chưa đề xuất được nhiều đề tài cấp cao, một số đề tài vẫn chậm tiến độ, bình xét khen tưởng còn có tình trạng nể nang, kinh phí khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc chưa tương xứng với thời gian, năng lực, trí tuệ . Nguồn thu từ hoạt động lao động sáng tạo chưa tương xứng với chất lượng đội ngũ hiện có… Vậy để tiếp tục phát huy vai trò của Công đoàn trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo trong CBVC-LĐ nhà trường ngày càng sâu rộng, đạt hiệu quả cao, gắn với nội dung phong trào thi đua “CBVC-LĐ Trường Đại học Hồng Đức chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng” giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Công đoàn trường cần phải thực hiện đồng bộ các nhòm giải pháp sau:

 Một là, Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và vận động CBVC-LĐ hăng hái tham gia phong trào Lao động sáng tạo nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và Công đoàn cấp trên; phát triển, bồi dưỡng. Tạo dựng môi trường thuận lợi và tạo động lực cho CBVC-LĐ trong NCKH, sáng tạo kỹ thuật để thực hiện có chất lượng các hoạt động lao động sáng tạo; đặc biệt là thực hiện các đề tài, dự án KH&CN có tính ứng dụng cao, có khả năng phát triển sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Bên cạnh đó động viên khen thưởng kịp thời và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào Lao động sáng tạo.

Hai là, Phối hợp với chuyên môn, tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, phát huy tính chủ động tham mưu, đề xuất với chuyên môn hằng năm tổ chức phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo cho đoàn viên và người lao động, ký kết giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu thi đua; lựa chọn và xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, sau mỗi đợt phát động thi đua có đánh giá sơ kết, tổng kết và động viên, khen thưởng kịp thời cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiểu biểu trong phong trào thi đua.

Ba là, Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sáng kiến kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế với việc đào tạo bồi dường nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo tại trường; tập trung triển khai các chương trình hợp tác và nghiên cứu phục vụ trực tiếp yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển Nhà trường trong giai đoạn mới; triển khai các chương trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống, giải quyết tốt các nhiệm vụ khoa học mà thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và các địa phương đặt ra, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương và của đất nước; mở rộng quan hệ hợp tác, đẩy mạnh xúc tiến các chương trình hợp tác trên các phương diện trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên, liên kết đào tạo và NCKH.

 Bốn là, Đổi mới nội dung, hình thức, giải pháp tổ chức thực hiện phong trào “Lao động sáng tạo” phù hợp với đặc điểm, yêu cầu trong tình hình mới. Công đoàn các cấp chủ động phối hợp với chuyên môn cùng cấp để tổ chức phát động phong trào thi đua rộng khắp, thu hút đông đảo CBVC-LĐ hưởng ứng tham gia phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng KHCN vào lao động, sản xuất… góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp,…

Năm là, Tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức đề xuất, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài các cấp; các hội nghị, hội thảo và đẩy mạnh công bố quốc tế đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tiếp tục chuẩn hóa Tạp chí khoa học theo yêu cầu, quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước và tiếp cận chuẩn quốc tế./.

Mai Xuân Thắm- Phó Chủ tịch Công đoàn trường

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa