Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2023
Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) được các cấp công đoàn trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Công đoàn.
Vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết khi Việt Nam gia nhập CPTPP - Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam sẽ phê chuẩn Công ước 87, Công ước 98 của tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tự do thành lập, tự do thương lượng về các vấn đề liên quan đến lao động, có thể xuất hiện một tổ chức công đoàn khác (tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ) ở cơ sở) không nằm trong hệ thống Công đoàn Việt Nam. Do vậy, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS không chỉ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà còn là nhiệm vụ mang tính sống còn của tổ chức Công đoàn.
Đồng chí Võ Mạnh Sơn – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trưởng Ban chỉ đâọ phát triển đoàn viên cấp tỉnh, chủ trì hội nghị phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phát tiển đoàn viên.
Trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về “phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thanh Hóa đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước, tập trung chủ yếu ở doanh nghiêp (DN) khu vực FDI, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong tỉnh, số lượng lao động tăng nhanh, là điều kiện thuận lợi để Công đoàn vận động, tập hợp phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Về kết quả phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng, thu hút đông đảo NLĐ, gia nhập vào tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các DN khu vực ngoài nhà nước vẫn còn những hạn chế nhất định, số lượng CĐCS thành lập được còn khá khiêm tốn so với số lượng DN đang hoạt động, nhiều DN chưa thành lập tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do Công tác tuyên truyền, vận động công nhân, lao động (CNLĐ), chủ doanh nghiệp hiểu về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn, chưa thường xuyên, hiểu biết về chính sách, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp của một bộ phận công nhân còn hạn chế; việc làm và đời sống của một bộ phận CNLĐ còn khó khăn; việc thực hiện chế độ chính sách đối với CNLĐ còn bất cập, tỷ lệ lao động chưa được ký kết hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH, chưa được khám sức khỏe định kỳ khá lớn; nhiều DN không xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động; không thi tay nghề, nâng bậc thợ cho NLĐ; điều kiện làm việc, công tác an toàn, vệ sinh lao động và các quyền lợi khác tuy có thực hiện nhưng còn hạn chế; kết quả phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong DN tuy đã đạt được kết quả khá nhưng vẫn chưa xứng tầm với một tỉnh lớn. Một số chủ DN và NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn đối với sự phát triển bền vững của DN. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số đơn vị Công đoàn cấp trên cở sở chưa quyết liệt, sự phối hợp trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS chưa tập trung, hiệu quả chưa cao.
Đồng chí Mai Bá Nam – Phó Chủ tỉnh LĐLĐ tỉnh phát biểu và giao nhiệm vụ cho CĐCS tại lễ công bố quyết định thành lập CĐCS công ty TNHH may H&H Vina Green
Để tiếp tục tập hợp đoàn viên, NLĐ tham gia hoạt động công đoàn, phấn đấu giai đoạn 2022 – 2023 phát triển tăng thêm 62.000 đoàn viên, thành lập được 320 CĐCS theo Kế hoạch 135/KH-TLĐ, ngày 24/9/2021của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Công đoàn Thanh Hóa cần có các giải pháp căn cơ, đồng bộ nhằm tạo ra bước đột phá trong công tác công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
Một là, các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cấp trên cơ sở phải tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền; đồng thời, làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong lãnh, chỉ đạo hoạt động công đoàn nói chung, công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS nói riêng. Lãnh đạo Công đoàn cấp trên cơ sở phải xây dựng được mối quan hệ tốt với các phòng, ban chuyên môn có liên quan, nhờ họ cung cấp danh sách các DN, ngành nghề kinh doanh, số lao động, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở từng DN trên địa bàn, đơn vị quản lý, qua đó có hướng giải quyết cụ thể ở từng DN. Đồng thời, sắp xếp cử cán bộ có kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu pháp luật về lao động, công đoàn, có kiến thức về xã hội và kỹ năng giao tiếp để tiếp cận, làm việc với chủ DN (nơi có đủ điều kiện nhưng chưa thành lập CĐCS) và NLĐ để tuyên truyền, vận động NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn, thành lập CĐCS đảm bảo thực hiện đúng quy trình và thủ tục theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Hai là, đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, còn làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng tập trung đổi mới cách tiếp cận, nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động (chủ DN) ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; xây dựng nhóm CNLĐ nòng cốt để bồi dưỡng kiến thức về công đoàn và vận động họ gia nhập tổ chức công đoàn. Đồng thời, làm nòng cốt tuyên truyền, vận động số CNLĐ tại DN gia nhập công đoàn và thành lập CĐCS tại DN; từng bước đổi mới quy trình vận động thành lập CĐCS trong cơ quan, tổ chức, DN (theo Điều 14, Điều lệ Công đoàn Việt Nam) theo hướng tăng cường sự chủ động của người lao động trong việc thành lập CĐCS.
Ba là, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, nhằm tập hợp, thu hút NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn. Thường xuyên nắm bắt tình hình DN, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, nhằm bảo vệ quyền lợi của đội ngũ cán bộ công đoàn tại cơ sở, từ đó vận động phát triển đoàn viên, tổ chức các phong trào hoạt động công đoàn tại cơ sở.
Bốn là, thường xuyên theo dõi, cập nhật nắm bắt đầy đủ việc thành lập, tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn để phân loại DN và có hướng tiếp cận DN để tuyên truyền vận động chủ DN cũng như NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn.
Năm là, khi đã thành lập được CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS hoạt động, đây là vấn đề rất quan trọng vì CĐCS có hoạt động tốt theo chức năng, nhiệm vụ thì mới thu hút được đông đảo NLĐ gia nhập công đoàn và người sử dụng lao động cũng thấy được lợi ích thiết thực khi có tổ chức công đoàn tại DN họ sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động. Các tổ công đoàn được sắp xếp gắn liền với từng tổ sản xuất, các chuyền, các bộ phận chuyên môn... Lấy tổ công đoàn là nơi trực tiếp truyền đạt thông tin đến với đoàn viên và phản ánh những tâm tư nguyện vọng của CNLĐ đến với tổ chức công đoàn.
Sáu là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, hàng năm kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên các đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo quy định.
Nguyễn Hữu Doanh