Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 20

    Hôm nay: 367

    Đã truy cập: 3179322

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho người mua bảo hiểm nhân thọ

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (từ ngày 23/5/2022 đến ngày 16/6/2022), Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã nêu nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật.

Đại biểu tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Hoàng Dũng

       Nêu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, thứ nhất cần chỉnh lại nội dung Khoản 3, Điều 15 của dự thảo Luật như sau: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực thi hành về hợp đồng bảo hiểm (trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải), thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, tài chính, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

       Thứ hai, theo đại biểu Võ Mạnh Sơn gói bảo hiểm nhân thọ thường có nội dung rất dài, do vậy việc gia hạn đóng phí trong thời gian 60 ngày là chưa hợp lý, đề nghị điều chỉnh quy định lên tối thiểu 90 ngày.

       Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chưa đề cập đến việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả lãi suất trên số tiền bảo hiểm, bồi thường chậm trả. Vì vậy đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về lãi suất chậm trả trong hai trường hợp nêu trên để có căn cứ pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, đồng thời cần bổ sung điều khoản quy định doanh nghiệp bán bảo hiểm phải chịu lãi suất chậm trả, chậm thanh toán nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bán bảo hiểm trì hoãn thanh toán, chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

       “Thực tế hiện nay khi có tranh chấp về bảo hiểm có thể thấy bộ hồ sơ bảo hiểm mà bên bán đưa cho bên mua là rất dày, điều khoản loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong phụ lục với nhiều từ ngữ khó hiểu, người mua không hiểu hết hợp đồng bảo hiểm, người mua không có quyền thay đổi, có chăng chỉ có thể thay đổi về mặt thời hạn và số tiền mua bảo hiểm mà thôi. Do vậy trong quan hệ bảo hiểm người mua là người yếu thế.” – Đại biểu Võ Mạnh Sơn nói.

       Chính vì lẽ đó, đại biểu Võ Mạnh Sơn thống nhất cao với các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật quy định.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu thực tế hiện nay nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ nhưng không hiểu hết nội dung cũng như các quy định trong hợp đồng dẫn đến yếu thế khi xảy ra tranh chấp giữa các bên. Ảnh: Hoàng Dũng

       Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không chấp nhận yêu cầu tại Khoản 2, Khoản 4, Điều 23 dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm…

       Về hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, đề nghị quy định rõ lý lịch tư pháp được cấp ở thời điểm nào (trong thời hạn bao nhiêu ngày tính đến ngày nhận hồ sơ) và bản sao các văn bản, chứng chỉ phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật công chứng, chứng thực.

       Theo khoản 2 Điều 99 dự thảo Luật quy định khi nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Tòa án sẽ “mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm” mà không tổ chức hội nghị chủ nợ và thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

       Tuy nhiên, theo Luật Phá sản 2014, Tòa án phải tuyên bố doanh nghiệp phá sản rồi mới tiến hành thanh lý tài sản. Trong khi đó, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lại quy định Tòa án sẽ tiến hành thanh lý tài sản ngay sau khi mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Tức là, thời điểm này doanh nghiệp bảo hiểm chưa bị tuyên bố phả sản. Như vậy, quy định tại Dự thảo sẽ không rõ thời điểm nào doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “bị tuyên bố là phá sản” hay là doanh nghiệp bảo hiểm không cần bị tuyên bố phá sản.

       Trong Báo cáo giải trình, cơ quan soạn thảo đang sửa đổi quy định theo hướng “Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, tuyên bố doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản”. Đồng chí Võ Mạnh Sơn cho rằng hướng sửa đổi này là hợp lý, tuy nhiên dự thảo vẫn chưa thể hiện được định hướng này, để nghị sửa lại quy định tại Điều 99 dự thảo cho phù hợp hơn.

Nguồn: Laodongcongdoan.vn

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa