Thực trạng và kết quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thực trạng trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 4 đơn vị, doanh nghiệp được đầu tư xây dựng Khu văn hóa - thể thao, Nhà văn hóa cho công nhân như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn thuộc địa bàn TX Bỉm Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn trên địa bàn Thị xã Nghi Sơn, CTy CP Mía đường Lam Sơn trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Nhà văn hóa lao động của LĐLĐ tỉnh trên địa bàn TP Thanh Hóa
Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong cả nước; bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Thành phố Thanh Hóa và TP Sầm Sơn ); 02 thị xã và 23 huyện, với diện tích tự nhiên 11.120,5 km2 với số dân gần 3,7 triệu người. Hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 01 Khu kinh tế, 08 Khu công nghiệp trong đó có 06 khu công nghiệp đã hoạt động (gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn; Khu công nghiệp Lễ Môn; Đình Hương -Tây Bắc Ga; Bỉm Sơn; Hoàng Long và Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng), 03 khu công nghiệp mới được quy hoạch (Khu công nghiệp Thạch Quảng; Ngọc Lặc và Bãi Trành); Có 07 dự án bất động sản nhà ở phát triển đô thị tại tỉnh được khảo sát, trong đó Khu kinh tế Nghi Sơn có 05 dự án, Khu công nghiệp Lễ Môn 02 dự án. Hiện nay, tổng số CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh 356.813 người, trong đó đoàn viên Công đoàn là 299.133 người đang sinh hoạt tại 3.618 Công đoàn cơ sở; có trên 85.000 CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp. Trong những năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài, tuy vậy kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và có những bước phát triển mới, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân nói chung, CNVCLĐ nói riêng từng bước được cải thiện.
Thực hiện Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2011 về phê duyệt “Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013- 2020, định hướng đến năm 2030”…trong những năm qua, hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quy hoạch, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao, hưởng thụ văn hóa của Nhân dân nói chung, CNVCLĐ nói riêng trong toàn tỉnh như: Nhà văn hóa phường, xã; Trung tâm văn hóa - thể thao huyện...
Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao do ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa như: nhà đa năng, sân bãi luyện tập thể thao, phòng đọc sách, thư viện, phòng truyền thống...Tuy nhiên thiết chế phục vụ các hoạt động văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống tinh thần của NSDLĐ. Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ trong các khu công nghiệp tuy đã có phần ổn định và từng bước được cải thiện. Song trong thực tế hiện nay tại các khu công nghiệp, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Với 7 Khu công nghiệp và Khu kinh tế Nghi Sơn tập trung đông CNLĐ nhưng chưa có quy hoạch đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: Sân bóng đá, bóng chuyền, nhà tập thể thao đa năng; nhà sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; khu vui chơi giải trí sau giờ làm việc cho CNLĐ.
Thực trạng trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 4 đơn vị, doanh nghiệp được đầu tư xây dựng Khu văn hóa - thể thao, Nhà văn hóa cho công nhân như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn thuộc địa bàn TX Bỉm Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn trên địa bàn Thị xã Nghi Sơn, CTy CP Mía đường Lam Sơn trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Nhà văn hóa lao động của LĐLĐ tỉnh trên địa bàn TP Thanh Hóa ( trong đó có đơn vị Nhà văn hóa lao động thuộc LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý); Hiện tại 04 cơ sở này đã và đang phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động và Nhân dân trên từng địa bàn như: tổ chức các hoạt động dịch vụ trên các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, hội nghị, hội thảo và các dịch vụ văn hoá khác nhằm tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ kinh phí hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất và góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, CNVCLĐ. Còn lại hầu hết các hoạt động văn hóa, thể thao cho CNLĐ ở các KCN và các doanh nghiệp có đông CNLĐ Công đoàn có tổ chức hoặc phối hợp với NSDLĐ để tổ chức thì chủ yếu dựa vào các nhà ăn của các doanh nghiệp hoặc đi thuê lại các nhà văn hóa, nhà thi đấu của địa phương trên địa bàn. Chính vì vậy Công đoàn cơ sở chưa có điều kiện để tổ chức những hoạt động cần thiết về vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao cho CNLĐ sau giờ làm việc. Bên cạnh sự cần thiết các yếu tố trên thì sự khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ đời sống cho CNLĐ như nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở trạm y tế khám chữa bệnh, siêu thị bán các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cho CNLĐ cũng đang được đặt ra tính cấp thiết.
Nhà Văn hóa Lao động tỉnh với tổng diện tích 8.253,8 m², gồm các hạng mục chính như: Hội trường, nhà thi đấu đa năng, nhà công vụ và các phòng chức năng phục vụ các hoạt động dạy múa, thanh nhạc, mỹ thuật,... Với chức năng là trung tâm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tập hợp, tuyên truyền giáo dục CNVCLĐ; bồi dưỡng nghiệp vụ và là hạt nhân cho phong trào cơ sở; nơi thu hút CNVCLĐ và Nhân dân đến vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh. Trong những năm qua Nhà văn hóa lao động đã thu hút được nhiều câu lạc bộ, nhóm sở thích như: khiêu vũ, bóng bàn, cầu lông, võ thuật, thể hình...với đối tượng tham gia chủ yếu là người lao động và Nhân dân sống trên địa bàn Thành phố. Trong dịp hè, đã triển khai thực hiện mở các lớp đào tạo kỹ năng cho các cháu là con CNVCLĐ trên địa bàn thành phố và một số vùng lân cận như lớp cầu lông, bóng bàn, cờ vua, mỹ thuật. Tạo điều kiện cho các CLB mở thêm các lớp đào tạo năng khiếu cho các cháu như: lớp kỹ năng thuyết trình, lớp kỹ năng giúp trẻ vào lớp 1, học kỳ quân đội, lớp thanh nhạc, lớp đàn Oocgan, lớp võ thuật, lớp múa. Tất cả các hoạt động trên tạo nên không khí sôi nổi, là điểm đến về VHTT cho CNVCLĐ và các đối tượng khác trên địa bàn Thành phố và các vùng lân cận.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc đầu tư và phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nói chung, thiết chế dành cho công nhân nói riêng, đánh giá toàn diện và khách quan, việc xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn còn nhiều bất cập. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CNVCLĐ và trong các Khu công nghiệp vẫn chưa được quan tâm, định hướng đầu tư đúng mức. Hiện nay chỉ 01 thiết chế VHTT dành riêng cho CNVCLĐ rất hạn chế so với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc và sự gia tăng không ngừng về số lượng CNVCLĐ của tỉnh trong những năm qua và thời gian tới.
Hội thao CNVCLĐ toàn tỉnh năm 2018
Nhà Văn hóa Lao động nằm ở vị trí không thuận lợi, cách xa các Khu công nghiệp nên chưa phát huy hết ưu thế để hoạt động. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ phục vụ tổ chức các sự kiện còn rất hạn chế, chưa mang tính chuyên nghiệp cao mà chủ yếu là các hoạt động nhỏ và vừa. Sự ra đời, cạnh tranh của hàng loạt các Trung tâm Tổ chức sự kiện tại các nhà hàng, khách sạn....đã hạn chế phần nào hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa Lao động. Hơn nữa, với đặc điểm nhịp độ lao động công nghiệp, công nhân phải thường xuyên tăng ca sản xuất, đời sống khó khăn, đa số các hoạt động phải đi thuê địa điểm ngoài xa công ty, tổ chức ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ nên việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể thao chưa phù hợp và thu hút được người lao động. Mặt khác, hoạt động của thiết chế mới dừng ở các hoạt động định kỳ, chưa tổ chức được các hoạt động thường xuyên, đặc sắc, hấp dẫn để thu hút Công nhân tham gia.
Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, được đầu tư từ đầu những năm 2000 đến nay đã lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng; Các phòng chức năng được thiết kế theo kiến trúc cũ, nay không còn phù hợp, nên khó khăn trong tổ chức các hoạt động lớn. Dịch Covid - 19 kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức các hoạt động.
Năng lực điều hành, chuyên môn tổ chức các hoạt động của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chủ yếu làm kiêm nhiệm; kinh phí tổ chức hoạt động còn hạn hẹp nên ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng và hiệu quả của các hoạt động tại thiết chế VHTT phục vụ công nhân.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tích cực tham gia và chủ động liên kết, phối hợp tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao có quy mô để tạo ra phong trào chung. Các hoạt động văn hóa, thể thao, chương trình tuyên truyền được tổ chức ít có sự tham gia đông đảo của người lao động, công nhân.
Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ tỉnh kiến nghị có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, đề nghị Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh có quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở khám, chữa bệnh cho công nhân lao động, trước mắt xây dựng 02 khu thiết chế cho công nhân lao động tại Khu kinh tế Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) và tại thành phố Thanh Hóa; bố trí ngân sách của tỉnh để bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến phạm vi gianh giới khu đất quy hoạch được giao của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”; Tiếp tục đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở của các địa phương có các doanh nghiệp, khu công nghiệp đóng trên địa bàn.
Thứ hai, tăng cường sự kết hợp thường xuyên của các ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh với Liên đoàn Lao động tỉnh; LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, BQL Khu kinh tế Nghi Sơn & các Khu Công nghiệp trong xây dựng đời sống văn hóa công nhân.
Thứ ba, tăng cường triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao cho đối tượng công nhân tại khu công nghiệp và các địa bàn có công nhân sinh sống. Ưu tiên và chú trọng triển khai các hoạt động trực tiếp cho công nhân.
Thứ tư, có biện pháp nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc phối hợp với các đơn vị, địa phương nhằm tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho công nhân lao động.
Thứ năm, phân bổ kinh phí cho các đơn vị, địa phương trong việc triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Có thể nói, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại là yêu cầu cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi đó là cơ sở, nền tảng đầu tiên để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của toàn xã hội. Để tạo nên những thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển, để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành và sự tham gia của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và sự nghiệp CNH- HĐH theo tinh thần Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nguyễn Duyên – Ban Tuyên Giáo – Nữ Công