Tăng cường phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp huyện Thường Xuân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đã để lại cho chúng ta nhiều bài học rất sâu sắc thông qua các tác phẩm, bài nói, bài viết của Người như: tác phẩm “Đường cách mệnh”, “Đạo đức cách mạng”, “Đời sống mới” và nổi bật hơn cả là tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947). Người khẳng định: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Người cũng nhấn mạnh “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”…
Các đồng chí lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo Huyện chứng kiến các Cụm thi đua ký cam kết thi đua giai đoạn 2021-2030 tại Lễ phát động phong trào thi đua “CNVCLĐ huyện Thường Xuan chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng, giai đoạn 2021-2030”
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay việc xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thấm nhuần lời dạy của Bác trong những năm qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức huyện Thường Xuân luôn không ngừng phấn đấu, học tập và công tác trên mọi lĩnh vực để cống hiến cho quê hương, đất nước. Tính đến ngày 15/9/2022 toàn huyện có 2684 người làm việc trong khối hành chính sự nghiệp, trong đó đoàn viên công đoàn là 2309 người đang công tác tại 81 công đoàn cơ sở khối hành chính sự nghiệp trực thuộc LĐLĐ huyện quản lý. Đây là lực lượng lao động đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện nhà, góp phần không nhỏ vào phong trào CNVCLĐ “Chung sức xây dựng quê hương Thường Xuân trước năm 2023 thoát khỏi huyện nghèo, năm 2025 trở thành huyện khá khu vực miền núi, trước năm 2030 đạt chuẩn huyện nông thôn mới; hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng giai đoạn 2021-2030”...
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định trong tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức huyện Thường Xuân cần sửa đổi, đó là: nhiều CBCC có biểu hiện nghại học lý luận; số ít CBCC của một số cơ quan, đơn vị chưa có nhiều đổi mới trong tác phong, lề lối làm việc, chưa thực sự nghiêm túc trong công việc, chưa thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp theo chuẩn mực chung của ngành; còn ỉ lại, ngại rèn luyện, tu dưỡng, ngại phấn đấu; còn hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức chưa hoàn thành nhiệm vụ đươc giao hoặc hoàn thành nhưng hiệu quả không cao; còn số ít cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến sai phạm về đạo đức cán bộ, công chức, viên chức chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như: đất đai, xây dựng, chế độ chính sách, tín dụng đen…trong đó có những vụ việc cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, khai trừ ra khỏi đảng, buộc thôi việc và đi tù. Ngoài ra, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như làm việc riêng trong giờ hành chính, đi muộn, về sớm, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến hiệu quả công việc không cao; giải quyết công việc sai quy định; một số cán bộ, công chức chưa dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe ý kiến nhân dân; ứng xử có lúc chưa thật sự đáp ứng sự hài lòng của người dân…dẫn đến người dân có cách nhìn, cách nghĩ không tốt về cán bộ, công chức, viên chức
Để khắc phục những hạn chế trên, trong giai đoạn tới cần xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức huyện Thường Xuân, đó là:
+ Đối với Công chức, viên chức khối các cơ quan cấp huyện: tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, “Cán bộ công chức, viên chức nói không với tiêu cực”... Trong quá trình thực hiện, đã có sự chuyển biến sâu sắc trong tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức đó là: đã phát huy được tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thể hiện trách nhiệm của mình đối với công việc, thái độ tiếp dân, quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, lối sống sinh hoạt giao tiếp; đã thay đổi sâu sắc trong nhận thức và tư duy của đảng viên, cán bộ, công chức, với tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện phong cách làm việc: dân chủ, năng động, sáng tạo, thân thiện và làm việc có kế hoạch, tiêu biểu như cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Dân Đảng, cơ quan UBND huyện, Bảo hiểm xã hội huyện…
+ Đối với viên chức khối giáo dục: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và cuộc vận động “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, hàng năm có trên 95% cán bộ, giáo viên nhân viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 70% cán bộ, giáo viên tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học. Tổng số sáng kiến kinh nghiệm giai đoạn từ 2020-2022 đã được cấp huyện công nhận là 691 sáng kiến, trong đó cấp tỉnh công nhận là 134 sáng kiến. Hưởng ứng cuộc thi “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và giai đoạn 01 Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã có 1.677 sáng kiến tham gia, góp phần đưa Thanh Hóa là đơn vị dẫn đầu cả nước. Trong đó chủ yếu là sáng kiến của các đồng chí cán bộ, giáo viên, đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tại đơn vị, có tính áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho cơ quan, đơn vị.
+ Đối với Công chức khối xã, Thị trấn: Tích cực thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, “Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá NN&PTNT gắn với xây dựng nông thôn mới”... đặc biệt là thực hiện tốt các mô hình “Chính quyền thân thiện của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”... Từ các mô hình này, từng bước làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa cán bộ, công chức và người dân; việc tiếp xúc, đối thoại với dân được duy trì nền nếp, hiệu quả; sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu vướng mắc trong quần chúng; niềm nở đón tiếp, hướng dẫn, giải thích tận tình các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch để đạt được mục tiêu là xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt nhất nhu cầu giao dịch của người dân thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trên các mặt, nêu cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được phân công…
Có thể nói xây dựng phong cách làm việc dân chủ, quần chúng, khoa học gắn với thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức sẽ góp phần tăng cường phong cách làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; là tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Xuân lần thứ XX, phấn đấu đưa “… Thường Xuân trước năm 2023 thoát khỏi huyện nghèo, năm 2025 trở thành huyện khá khu vực miền núi, trước năm 2030 đạt chuẩn huyện nông thôn mới..”, góp phần “chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng giai đoạn 2021-2030”.
Ngô Thị Vân Anh – Chuyên viên LĐLĐ huyện