Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 23

    Hôm nay: 41

    Đã truy cập: 3153639

Giải pháp nâng cao chất lượng ký kết các Thỏa ước lao động tập thể, mang lại nhiều điểm có lợi nhất cho đoàn viên, người lao động

       Theo quy định của pháp luật lao động, Thỏa ước  lao động tập thể (Thỏa ước LĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của  hai bên trong quan hệ lao động. Để có Thỏa ước LĐTT, hai bên phải tiến hành quy trình thương lượng, thỏa thuận và ký kết  mang tính chất tập thể, thông qua đại diện của tập thể lao động và đại diện sử  dụng lao động. Thỏa ước LĐTT cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp, làm cơ sở pháp lý, là cộng đồng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ, có những lợi ích thiết thực cho người lao động. Thỏa ước LĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng bảo  đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển  bền vững của doanh nghiệp và  cũng là công cụ quan trọng của  Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người  lao động.

Công đoàn công ty Alena ký thỏa ước  LĐTT với BGĐ công ty

       Những năm qua, tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Định đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc ký kết, thực hiện Thỏa ước LĐTT nói riêng, việc thực hiện chế độ, bảo đảm quyền lợi NLĐ tại các doanh nghiệp nói chung còn có những hạn chế cần được khắc phục. Năm 2022, có 22 doanh nghiệp đã thành lập CĐCS có Thỏa ước LĐTT, tuy nhiên nội dung một số thỏa  ước LĐTT còn mang tính hình thức, chủ yếu sao chép quy định của pháp luật chưa thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho NLĐ. 

       Nhằm phát huy hiệu quả vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong thời gian qua, trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động (năm 2019), LĐLĐ huyện Yên Định đã tích cực nghiên cứu, rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS khối doanh nghiệp trực thuộc, đặc biệt là những CĐCS mới thành lập xây dựng và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết Thỏa ước LĐTT với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. LĐLĐ huyện đã phân công cán bộ bám sát cơ sở, tham gia tập huấn, tích cực nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn kỹ năng đàm phán, thương lượng, ký kết và giám sát việc triển khai thực hiện Thỏa ước LĐTT cho đội ngũ cán bộ CĐCS các doanh nghiệp.  LĐLĐ huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các CĐCS phối hợp với NSDLĐ thu thập thông tin, lấy ý kiến NLĐ và hướng dẫn xây dựng dự thảo Thỏa ước LĐTT ngắn gọn, đầy đủ đúng theo quy định của pháp luật.  Ngoài việc đảm bảo nội dung theo đúng quy định của Bộ luật Lao động (năm 2019), các Thỏa ước LĐTT đã có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với trước đây như: Tiền lương, tiền thưởng, tiền lương trong thời gian thử việc, chế độ nâng lương trước thời hạn, chế độ bữa ăn ca, hỗ trợ tiền xăng xe, hỗ trợ tiền gửi trẻ, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, chính sách đối với lao động nữ, bảo đảm điều kiện cho hoạt động của tổ chức Công đoàn, các chế độ hỗ trợ nhân ngày Lễ, Tết, thăm hỏi khi NLĐ gặp khó khăn... 

       Điểm nổi bật là đến nay đã có 22/22 đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã ký kết được Thỏa ước LĐTT, điển hình là 2 công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam và công ty TNHH Giầy Weilina Việt Nam (2 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, có đông CNLĐ làm việc), đã thực hiện thành công việc thương lượng, ký kết Thỏa ước LĐTT. Giữa Ban Chấp hành CĐCS và Ban Giám đốc 2 Công ty đã phải qua nhiều cuộc thương lượng, đối thoại, qua đó đi đến thống nhất ký kết Thỏa ước LĐTT với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ, ví dụ như: tăng bữa ăn ca trưa từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng, bữa ăn ca tối từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng, hỗ trợ tiền xăng xe cho người lao động 15.000đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền chuyên cần 280.000đồng/người/tháng, tiền gửi trẻ 50.000đ/cháu/tháng cho NLĐ có con dưới 6 tuổi, thưởng tháng lương thứ 13, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, chính sách đối với lao động nữ, điều kiện bảo đảm cho tổ chức Công đoàn hoạt động vv…

       Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thương lượng, ký kết Thỏa ước LĐTT trong doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, đó là: Số Thỏa ước LĐTT có điều khoản có lợi về các nội dung cơ bản như tiền lương, phụ cấp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn chưa nhiều, một số chế độ doanh nghiệp thực tế đang thực hiện nhưng chưa đưa được vào nội dung Thỏa ước LĐTT, vẫn còn nội dung Thỏa ước LĐTT sao chép quy định của pháp luật lao động. Nguyên nhân là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn có mặt hạn chế; NSDLĐ và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết, vai trò quan trọng của việc thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước LĐTT. Mặt khác, một số cán bộ CĐCS chưa thực sự nắm vững kiến thức về pháp luật lao động; cán bộ CĐCS với tư cách là người làm việc theo hợp đồng lao động đều chịu sự quản lý, điều hành của NSDLĐ nên cũng có nhiều khó khăn trong việc thương lượng, kiến nghị về quyền lợi cho NLĐ tại doanh nghiệp.

       Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, cần có các giải pháp sau:

       Thứ nhất, các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động về Thỏa ước lao động tập thể.

       Thứ hai, tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Động viên người lao động tích cực tham gia các hoạt động của Công đoàn cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn.

       Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn, rèn luyện kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

       Thứ tư, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.

       Thứ năm, tổ chức tọa đàm, hội thảo nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể cho CĐCS khối doanh nghiệp.

       Thứ sáu, xây dựng quy trình ngắn gọn, dễ hiểu, kèm biểu mẫu về tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời tập trung vào Thỏa ước lao động tập thể đang có để hưởng dẫn bổ sung và nâng cao lợi ích cho người lao động.

       Thứ bảy, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

       Với những giải pháp trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng việc thực hiện pháp luật về lao động nói chung và việc thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước LĐTT tại các doanh nghiệp nói riêng sẽ đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, tạo sự gắn bó giữa NLĐ và NSDLĐ, để NLĐ yên tâm lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

                                                                                Phạm Thị Nga - Liên đoàn Lao động huyện Yên Định

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa