Giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động khối các doanh nghiệp
Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang quản lý 123 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với tổng số lao động: 85.709 người, đoàn viên: 83.309 đoàn viên chiếm khoảng 1/3 số lao động, đoàn viên công đoàn toàn tỉnh. Số CĐCS thuộc khối doanh nghiệp là 121 đơn vị chiếm 98,4%.
Qua khảo sát thực tế và thống kê báo cáo từ các CĐCS trực thuộc, hiện đang có 23/121 doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động, mỗi suất ăn có giá trị từ 20.000 đồng trở lên; 98/121 doanh nghiệp chi hỗ trợ ăn ca cho người lao động bằng tiền mặt trị giá từ 17.000 đồng – 25.000 đồng. Theo báo cáo, có 4/23 doanh nghiệp thuê nhà thầu cung cấp suất ăn ca, 19/23 doanh nghiệp tự cung cấp suất ăn ca. Một số đơn vị có suất ăn ca trị giá khá cao như: Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (60.000 đồng/suất), Công ty TNHH Peci Việt Nam (45.000 đồng/suất), Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Công ty TNHH Newhope, Công ty CP CBHS Long Hải, Công ty TNHH Văn Lang…(30.000 đồng/suất).
Lãnh đạo Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn kiểm tra bếp ăn công nhân
Có thể nói, bữa ăn ca rất quan trọng đối với người lao động và doanh nghiệp. Bữa ăn ca trở thành một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt cho người lao động, đảm bảo tính tái tạo sức lao động, tạo sự ổn định về chất lượng nguồn nhân lực cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Khi suất ăn ca được đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng cũng như an toàn về vệ sinh thực phẩm, người lao động sẽ có đủ sức khỏe, tinh thần thoải mái để làm việc từ đó làm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cho doanh nghiệp đồng thời giúp xây dựng thiện cảm, sự tin cậy, gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.
Bữa cơm trưa của CNLĐ tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn
Xác định việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp là cơ sở để bảo vệ sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của người lao động, là động lực quan trọng giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người lao động. Những năm qua, Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh quán triệt triển khai Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” và Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/1/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam trong các CĐCS khối doanh nghiệp trực thuộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn và các đối tác liên quan về tầm quan trọng, vai trò, lợi ích mang lại cho các bên khi thực hiện nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; xây dựng và chia sẻ mô hình doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn ca cho người lao động. Chỉ đạo các CĐCS trực thuộc tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bữa ăn ca với giá trị thấp nhất từ 20.000 -25.000 đồng/suất trở lên đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thuộc vùng I, vùng II và từ 18.000-22.000 đồng/suất trở lên đối với địa bàn thuộc vùng III, vùng IV. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng thực hiện mức tối đa theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/9/2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các CĐCS đã thương lượng, đề xuất với chủ sử dụng lao động từng bước nâng dần giá trị bữa ăn ca, nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để người lao động tái sản xuất sức lao động, cải thiện sức khoẻ, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), các CĐCS đều đưa nội dung nâng cao chất lượng bữa ăn ca để thỏa thuận, thống nhất với chủ sử dụng lao động đưa vào bản TƯLĐTT để thực hiện. Nhờ đó, chất lượng bữa ăn ca được cải thiện, tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe để người lao động yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thuộc địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh luôn chú trọng chăm lo sức khỏe cho người lao động, quan tâm chăm lo cho bữa ăn ca của người lao động, đảm bảo về chất lượng và sự an toàn như: đầu tư xây dựng nhà ăn, khu vực bếp nấu rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát; các vật dụng chứa, đựng thức ăn được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng; có tủ đựng hoặc nắp đậy thức ăn; các thực phẩm được cung cấp bảo đảm tươi, mới, an toàn, rõ nguồn gốc; thực đơn được thay đổi hàng ngày, hàng tuần, khá đa dạng về món ăn và được công bố công khai, có sự giám sát chặt chẽ của đại diện cán bộ CĐCS, đoàn viên và phòng hành chính của doanh nghiệp; giờ ăn ca được bố trí hợp lý; sau mỗi bữa ăn đã thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thực phẩm để làm tư liệu và sự lưu trữ đảm bảo rõ nguồn gốc thực phẩm cho bữa ăn ca của người lao động… Do đó không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, đình công trái pháp luật; sức khỏe của người lao động được đảm bảo.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt, quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca cho người lao động thì vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca, nhất là các doanh nghiệp có công nhân trực tiếp sản xuất ở các nhà máy, phân xưởng; còn tình trạng doanh nghiệp cung cấp suất ăn ca với giá trị thấp về dinh dưỡng so với nhu cầu của người lao động; có doanh nghiệp chưa bố trí bếp ăn tập thể nên người lao động phải tự chuẩn bị suất ăn ca, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và người lao động tốn công sức, thời gian để chuẩn bị... Hiện nay, giá trị bữa ăn giữa ca cho người lao động vẫn chưa được quy định cụ thể, phần nhiều phụ thuộc hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thiện chí của chủ sử dụng lao động, nên việc thương lượng, nâng cao giá trị bữa ăn ca cho người lao động của CĐCS gặp nhiều khó khăn.
Trước những hạn chế nêu trên, để nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp tiếp tục quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động. Tăng cường hướng dẫn các CĐCS về nội dung, quy trình đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT, trong đó có nội dung đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca, nâng giá trị bữa ăn ca phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường; trong TƯLĐTT cần quy định rõ trách nhiệm nếu doanh nghiệp để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát huy vai trò của Ban Chấp hành CĐCS trong việc đối thoại, thương lượng để bữa ăn ca của người lao động thật sự có chất lượng.
Hai là, các cấp công đoàn cần tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có việc khảo sát, nắm tình hình tổ chức bữa ăn ca cho người lao động để đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện tốt cũng như phát hiện kịp thời những đơn vị vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ba là, CĐCS cần tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về kinh phí xây dựng, sữa chữa, nâng cấp các bếp ăn tập thể và khu vực nhà ăn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ; đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ thêm các chi phí khác như điện, ga, nước và không tính vào giá trị suất ăn để đảm bảo suất ăn cho người lao động có giá trị dinh dưỡng cao. Các bếp ăn tập thể phải có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; nhân viên nhà ăn phải được khám sức khỏe định kỳ và được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định. Đồng thời, CĐCS cần lắp đặt hộp thư tại các xưởng sản xuất để người lao động tham gia góp ý về chất lượng bữa ăn và thái độ phục vụ của nhân viên các bếp ăn để tổng hợp, kiến nghị với người sử dụng lao động.
CĐCS phải thường xuyên phối hợp với người sử dụng lao động tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình chế biến thức ăn; tất cả các nguyên liệu thực phẩm đầu vào đều phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào các bếp ăn tập thể, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động; CĐCS cần tham gia đề xuất ý kiến với chủ sử dụng lao động trong việc phê duyệt danh sách các món ăn trong tuần để làm phong phú thêm các món ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, thay đổi khẩu vị để bữa ăn ngon miệng hơn. Đối với các doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn, CĐCS tham gia ý kiến với chủ doanh nghiệp trong việc lựa chọn các nhà thầu cung cấp suất ăn uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động.
CĐCS đề xuất với doanh nghiệp trong một số dịp đặc biệt như Lễ, Tết, ngày thành lập công ty… cần quan tâm, chuẩn bị các suất ăn đặc biệt để động viên tinh thần đoàn viên, người lao động.
Bốn là, bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đoàn viên, người lao động, các doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm cải thiện bữa ăn ca để người lao động có sức khỏe, yên tâm làm việc.
Các doanh nghiệp có bếp ăn và tự cung cấp suất ăn ca cho người lao động cần đầu tư xây dựng, sử dụng các kho lạnh để bảo quản thực phẩm. Đối với các doanh nghiệp thuê nhà cung cấp suất ăn hoặc người lao động tự chuẩn bị suất ăn ca, doanh nghiệp cần bố trí phòng lạnh để bảo quản suất ăn, tránh nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp cần triển khai lấy mẫu và lưu mẫu thức ăn để kiểm soát và đảm bảo độ vệ sinh của thực phẩm sau khi chế biến.
Doanh nghiệp cần giám sát việc nhập thực phẩm từ các nhà cung cấp, thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng; liên kết, hợp đồng với nhiều nhà cung cấp thực phẩm để luôn chủ động về nguồn cung.
Mỗi suất ăn cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính: nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả). Thường xuyên thay đổi thực đơn theo tuần và bố trí 02 thực đơn/bữa, các ngày liền kề không sử dụng những loại thực phẩm giống nhau để đảm bảo sự phong phú của nhóm thực phẩm.
Cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các phương án, biện pháp chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi suất ăn ca tại doanh nghiệp.
Năm là, để doanh nghiệp quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng bữa ăn ca, rất cần có sự tham gia từ phía các cơ quan chức năng trong việc ký quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các cơ sở cung cấp suất ăn hoặc các bếp ăn của doanh nghiệp, phân công rõ trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể giữa cơ quan quản lý khu công nghiệp với cơ quan y tế; cần có quy định bắt buộc đối với một số trang bị, điều kiện và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhằm bảo đảm vệ sinh tại khu nấu ăn, chế biến và bảo quản thức ăn; tổng hợp, đề xuất ban hành định mức bữa ăn ca đối với người lao động nói chung và với một số ngành nghề, công việc nói riêng làm căn cứ cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức và hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động; tham mưu, đề xuất các biện pháp bình ổn giá để nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho đoàn viên, người lao động.
Sáu là, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp tham gia kiểm tra giám sát bữa ăn ca của người lao động tại doanh nghiệp. Các CĐCS cần tăng cường sự giám sát trực tiếp, thu thập ý kiến trực tiếp tổ chức, tham gia đối thoại và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động.
Công đoàn cấp trên cần nắm chắc các văn bản, cơ sở lý luận thực tiễn để có những định hướng, văn bản chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến các ngành chức năng để chỉ đạo đảm bảo bữa ăn ca cho công nhân lao động./.
Lê Thị Thuận – Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh