Một số giải pháp nâng các chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Triệu Sơn
Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Triệu Sơn hiện nay quản lý 174 CĐCS với gần 18 nghìn đoàn viên, trong đó CĐCS khối doanh nghiệp là 33 đơn vị với gần 15 nghìn đoàn viên công đoàn, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (FDI).
Những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thực hiện đúng quy định của pháp luật. 100% Công đoàn cơ sở (CĐCS) khối doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức đối thoại với NSDLĐ và đại diện NLĐ thương lượng, ký kết TƯLĐTT, với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ theo quy định của pháp luật như: hỗ trợ tiền sữa cho con của NLĐ dưới 12 tháng tuổi, hỗ trợ tiền lễ, tết cho NLĐ, hỗ trợ tiền nhà trọ, hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, hỗ trợ tiền gửi nhà trẻ cho lao động có con nhỏ, chi phí hỗ trợ vật dụng cá nhân cho nữ, quy định suất ăn ca cho NLĐ, v.v…
Đồng chí Hoàng Văn Huy – UVBTV LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Triệu Sơn triển khai tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở
Bên cạnh những nội dung, quyền lợi của NLĐ được đưa vào TƯLĐTT, vấn đề bữa ăn ca là một trong những nội dung được các CĐCS quan tâm chú trọng, luôn chủ động tham gia với NSDLĐ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm lo sức khỏe, bữa ăn ca cho NLĐ. Qua các cuộc đối thoại, thương lượng giữa Ban Chấp hành CĐCS và NSDLĐ, các doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT có nội dung quan tâm về chất lượng bữa ăn ca, từ đó chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ ngày càng đảm bảo hơn, hiện nay 100% doanh nghiệp có bữa ăn ca từ 15-30 nghìn đồng, trong đó có 04 doanh nghiệp có bữa ăn ca từ 20 nghìn đồng trở lên...
Với những kết quả đạt được nêu trên, các CĐCS doanh nghiệp trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã xây dựng được niềm tin của NLĐ vào tổ chức Công đoàn, tạo cho người lao động phấn khởi, an tâm công tác, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quan hệ lao động vẫn còn tồn tại ở một số doanh nghiệp: Đối thoại giữa NLĐ với NSDLĐ chưa sâu, chưa cụ thể theo quy trình; việc tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT chưa theo đúng trình tự, quy định của pháp luật lao động, dẫn đến hình thức, chưa đi vào thực chất; chất lượng các bản TƯLĐTT tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ, nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi cho NLĐ. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp có TƯLĐTT để hợp thức hóa, mang tính đối phó; việc triển khai ký kết và thực hiện TƯLĐTT mới chỉ được các doanh nghiệp có tổ chức CĐCS quan tâm. Còn lại các doanh nghiệp chưa có CĐCS gần như chưa thực hiện ký kết.
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn huyện, thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện Triệu Sơn tiếp tục thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.
Thứ hai, củng cố nâng cao chất lượng tổ chức Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Động viên người lao động tích cực tham gia các hoạt động của Công đoàn cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Thành lập các tổ tư vấn pháp luật nhằm tăng cường tuyên truyền về những quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ Luật Lao động năm 2019.
Thứ ba, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia đối thoại, thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp.
Thứ tư, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ năm, xây dựng quy trình ngắn gọn, dễ hiểu, kèm biểu mẫu về tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời tập trung vào Thỏa ước lao động tập thể đang có để hưởng dẫn bổ sung và nâng cao lợi ích cho người lao động.
Thứ sáu, định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng các TƯLĐTT; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT, biểu dương khen thưởng các đơn vị làm tốt; kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hoàng Ninh – LĐLĐ huyện Triệu Sơn