Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) trong các cấp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh vừa ban hành Hướng dẫn số 08/HD-LĐLĐ, ngày 01 tháng 3 năm 2024 về việc hướng dẫn tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với Chủ đề: “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - SỨC MẠNH VIỆT NAM, TẦM VÓC THỜI ĐẠI”
Mục đích tuyên truyền sâu rộng trong CNVCLĐ trong tỉnh về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; những đóng góp của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp bàn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953
Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam, trong đó có cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thanh Hóa đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Yêu cầu các hoạt động tuyên truyền phải được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh của ngành, của đơn vị; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong CNVCLĐ.
Theo đó tập trung vào một số nội dung sau:
- Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến, kết quả của Chiến dịch; những chiến thắng và chiến công của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
- Tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
- Tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân và dân ba nước Đông Dương; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta.
- Công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
- Những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Điện Biên Phủ cần tiếp tục được phát huy, lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và của tỉnh Điện Biên 70 năm qua; những nghị quyết, chiến lược, chương trình, dự án, định hướng phát triển vùng Tây Bắc và tỉnh Điện Biên trong thời gian tới, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Những đóng góp to lớn của quân và dân của Thanh Hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; khẳng định những đóng góp, hy sinh của tỉnh Thanh Hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân Thanh Hóa, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho các mặt trận, các chiến trường, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng. Tuyên truyền những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh những năm qua; những nghị quyết, chiến lược, chương trình, định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
- Các cấp Công đoàn tuyên truyền sâu rộng trong CNVCLĐ từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng đến các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, hoạt động về nguồn; tăng cường các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Với mục đích ý nghĩa và nội dung quan trọng, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn trong tỉnh cụ thể hóa và triển khai các hoạt động tuyên truyền làm cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; đưa tin, bài, hình ảnh đậm nét về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đến với đông đảo CNVCLĐ.
Ban Tuyên giáo – Nữ công