Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 16

    Hôm nay: 1495

    Đã truy cập: 3131972

Tiếp tục trình 2 phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Trước đề xuất về hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tiếp tục cân nhắc, nên tích hợp cả hai phương án này.

Giảm thời gian đóng BHXH là cần thiết

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Vấn đề hưởng BHXH một lần nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu, với nhiều ý kiến đồng tình với Phương án 1, một số ý kiến chọn Phương án 2, và có đại biểu đề nghị tích hợp cả hai phương án...

Phát biểu thảo luận, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu là cần thiết.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm còn 15 năm là đủ điều kiện hưởng lương hưu. Nếu phương án này được thông qua, theo đại biểu, sẽ có một nhóm người lao động tham gia BHXH muộn, tức là khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục, khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu là cần thiết. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu phân tích, dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.

Về vấn đề rút BHXH một lần, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng Phương án 2 như dự thảo Luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH. Để đảm bảo Luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu cho rằng nên thực hiện theo Phương án 1.

Đại biểu cũng đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách BHXH, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn.

Cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh sửa Luật BHXH.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quốc hội.

Đối với điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho đây là vấn đề khó, phức tạp. Phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên Phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày Luật này có hiệu lực. Vì vậy, đại biểu nhìn nhận, vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này.

Đối với Phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Bởi việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vì vậy nên giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí...

Tích hợp cả hai phương án

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng “cả 2 phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu”.

“Thực tế, trong bối cảnh, điều kiện của nước ta hiện nay, nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải, vượt qua những khó khăn trước mắt. Mà nếu không trang trải nổi những điều trước mắt, sao có thể nghĩ tới những cái lâu dài. Chính vì lẽ đó, nếu hạn chế hẳn việc rút BHXH một lần đối với những người lao động tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực như Phương án 1, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó, đôi khi có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống BHXH.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tích hợp cả hai phương án. Ảnh: Quốc hội.

Còn nếu chỉ áp dụng Phương án 2, nhiều người đang tham gia BHXH sẽ cảm thấy bị hạn chế quyền lợi, bị mất công bằng, có tâm lý so sánh và ồ ạt rút BHXH trước khi Luật có hiệu lực”, đại biểu phân tích.

Theo đại biểu, đây là nội dung lớn, rất cần có một lộ trình, vừa để người dân dần làm quen tiếp cận, và lộ trình đó cũng là thời gian để chúng ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống người dân. Cuộc sống có ổn định, kinh tế có khá giả, thì tự khắc, người dân sẽ không có nhu cầu phải rút BHXH một lần.

Đó mới thực sự là gốc rễ, là giải pháp căn cơ đối với vấn đề này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc, nên tích hợp cả 2 phương án này. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng Phương án 1 (sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm).

Đối với người tham gia BHXH sau khi Luật này có hiệu lực thì áp dụng Phương án 2 (sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH).

Theo dự thảo Luật, có hai phương án về hưởng BHXH một lần. Theo đó, Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Nguồn: Laodongthudo.vn

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa