Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 48

    Hôm nay: 5385

    Đã truy cập: 2938818

Giải pháp nâng cao chất lượng thương lượng trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn

Thương lượng tập thể là một trong những phương thức hiệu quả nhằm xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và bền vững.

Cơ sở pháp lý

Trong quan hệ lao động (QHLĐ), thương lượng được hiểu là một quá trình thỏa thuận nhằm đạt tới sự thống nhất ý chí giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) về việc sử dụng hàng hóa sức lao động và giải quyết những vấn đề phát sinh trong QHLĐ. Thương lượng tập thể (TLTT) có thể giúp cân bằng vị thế của NLĐ và NSDLĐ trong QHLĐ. Điều này càng có ý nghĩa khi vốn dĩ trong QHLĐ, NLĐ thường ở vào vị trí thế yếu so với NSDLĐ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. TLTT có thể phòng ngừa, giảm thiểu hoặc loại bỏ những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền và lợi ích giữa các bên trong QHLĐ.

Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, Điều 65 quy định: “Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động nhằm xác lập điều kiện lao động, quy định về mối quan hệ giữa các bên và xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”.

Theo đó, nội dung thương lượng tập thể tại Điều 67 BLLĐ năm 2019 thì: “Các bên thương lượng lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để tiến hành thương lượng tập thể: Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế độ khác; Mức lao động và thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; Bảo đảm việc làm đối với người lao động; Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động; Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động; Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động; Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Hoặc nội dung khác mà một hoặc các bên quan tâm”.

Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh tổ chức buổi thương lượng tập thể với các doanh nghiệp

Quá trình triển khai và kết quả đạt được

Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh luôn chú trọng triển khai công tác này với nhiều giải pháp tích cực như: Tham mưu, tư vấn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS về TƯLĐTT; huấn luyện kỹ năng thương lượng tập thể cho người tham gia thương lượng tập thể; cử cán bộ Công đoàn cấp trên đến dự phiên họp thương lượng tập thể tại các Công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Ngoài ra Công đoàn Khu KTNS và các KCN tỉnh đã tập trung chỉ đạo hướng dẫn các Công đoàn cơ sở  làm tốt vai trò cầu nối giữa công nhân lao động với chủ doanh nghiệp, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động để thương lượng, ký kết và sửa đổi bổ sung TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động và phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp. Đó là các vấn đề về việc làm, mức lương cơ bản, chế độ bồi dưỡng sức khoẻ, cải thiện bữa ăn ca, cải thiện phương tiện, điều kiện, môi trường làm việc, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất... Việc làm này luôn được xác định là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Công đoàn KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh hiện đang trực tiếp quản lý, hướng dẫn thực hiện phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tại 138 đơn vị với 83.425 đoàn viên trên tổng số 84.990 CNVCLĐ. Với các hoạt động tích cực, số đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trong các KCN thực hiện ký kết TƯLĐTT tăng dần theo từng năm. Tính đến nay có 98,5% đơn vị tổ chức thương lượng, ký kết được TƯLĐTT; 70% các đơn vị tổ chức Hội nghị người lao động, 80% tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Qua tổng hợp, đánh giá chấm điểm có 19 bản TƯLĐTT đạt loại A, 10 bản TƯLĐTT đạt loại B. Trong đó có nhiều bản thỏa ước thỏa thuận cao hơn luật, có lợi hơn cho người lao động như: Đảm bảo việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng sức khỏe, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ ăn giữa ca, tặng quà sinh nhật, trợ cấp khó khăn đột xuất, thưởng mùa, thi đua khen thưởng, hiếu, hỷ và các chế độ phúc lợi khác. Điển hình tại các đơn vị như: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, Công ty TNHH giầy Annora Việt Nam, giầy SunJade Việt Nam, giầy Rollsport Việt Nam, giầy Aleron Việt Nam, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, Công ty CP thiết bị giáo dục Hồng Đức,…

Đặc biệt trong năm 2024 Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh đã thương lượng và tổ chức ký kết thành công thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp sản xuất giầy tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa với 7 doanh nghiệp với tổng số gần 65.000 CNLĐ được hưởng lợi. Có nhiều thỏa thuận tại thỏa ước có lợi cho CNLĐ như: Nâng tiền thưởng lỳ xì hàng năm cho người lao động từ 20.000 đồng lên 50.000 đồng/ người/ lần; Xây dựng khoản tiền thưởng gắn bó cho những lao động làm việc tại nhà máy từ  11 năm trở lên với các mức tiền thưởng hàng tháng cho mỗi CNLĐ từ 100.000  đến 400.000. đồng/ người/ tháng; Phép năm của NLĐ được tự sắp xếp 50% còn 50% số ngày phép trong năm do NSDLĐ sắp xếp; Xây dựng quy chế nâng bậc lương định kỳ; thành lập hội đồng khen thưởng các sáng kiến tại doanh nghiệp….

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thương lượng ở các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế, các KCN tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Nội dung thương lương về tiền lương và các chế độ phúc lợi cho NLĐ chưa thật sự rõ ràng. Tiền lương không phải là nội dung chính và không phải là kết quả của TLTT. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến thương lượng về những quy định đối với lao động nữ; Thương lượng tập thể còn diễn ra hình thức, chủ yếu là thương lượng thực thi luật, không đúng theo bản chất là “thương lượng đại diện”. Vì vậy  tỷ lệ ký kết TƯLĐTT theo đúng quy trình, thủ tục quy định còn thấp; nhiều đơn vị xây dựng, ban hành TƯLĐTT mang tính hình thức, chủ yếu sao chép lại một số nội dung của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH..., không thể hiện rõ quá trình thương lượng để đạt được một bản TƯLĐTT chất lượng.

Thực tế cho thấy việc thương lượng, xây dựng và ký kết TƯLĐTT chưa thực sự là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp, vì vậy tình trạng né tránh, không thực hiện việc thương lượng vẫn còn xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các doanh nghiệp còn hạn chế. Người sử dụng lao động và NLĐ chưa nhận thức được đầy đủ về sự cần thiết trong thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ CĐCS hiện nay là bán chuyên trách và kiêm nhiệm, còn thiếu kiến thức về pháp luật lao động, nhất là kỹ năng tuyên truyền, vận động năng lực đàm phán, thương lượng còn yếu. Tâm lý ngại va chạm, còn e dè, nể nang trong việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động. Ở một số doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn đồng thời là cán bộ doanh nghiệp (phó giám đốc hoặc trưởng, phó các phòng ban) nên còn bị chi phối nhiều vào người đứng đầu doanh nghiệp.

Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thương lượng

Thực tiễn cho thấy, mâu thuẫn trong quan hệ lao động chủ yếu liên quan tới lợi ích vật chất. Do đó, việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể sẽ tạo “điểm cân bằng” giữa các bên và sự đồng thuận trong quan hệ lao động. Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các DN khu vực ngoài nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về "Tăng cường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đặc biệt để thực hiện tốt 1 trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam "Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”. Thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, NSDLĐ và NLĐ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Phát huy hơn nữa vai trò tư vấn pháp luật, trợ giúp nhằm tăng cường tuyên truyền quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ luật Lao động.

Hai là, Đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ, các kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng với doanh nghiệp trong việc xây dựng TƯLĐTT tại đơn vị. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT, đảm bảo quyền lợi tập thể và trách nhiệm giữa hai bên, góp phần điều hoà lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ lao động.

Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, đàm phán với NSDLĐ trong xây dựng TƯLĐTT; tổ chức các hội nghị, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn, rèn luyện kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Bốn là, Cần xây dựng biểu mẫu và quy trình tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT; tập trung nâng cao chất lượng các bản TƯLĐTT ký mới, đồng thời rà soát các bản TƯLĐTT đã hết hạn hoặc đang thực hiện để bổ sung lợi ích cho NLĐ. Nâng cao công tác hỗ trợ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Năm là, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.

Sáu là, Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt và kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Dành nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và đánh giá xếp loại TƯLĐTT trong các cấp công đoàn.

Để công nhân lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển thì việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể là rất quan trọng trong các đơn vị, doanh nghiệp. Để đạt được điều đó, rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của các cấp Công đoàn, người sử dụng lao động và cả người lao động./.

Vũ Trần Thanh - PCT. Công đoàn Khu KTNS và các KCN

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa