Giải pháp về nâng cao chất lượng công tác phối hợp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ ở các cấp Công đoàn huyện Thọ Xuân
Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong những năm qua, các cấp Công đoàn trong huyện đã tích cực tham mưu cấp ủy Đảng chỉ đạo, tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn phối hợp cùng thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế dân chủ, các nội quy, quy chế tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) và kiện toàn hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) trong cơ quan, đơn vị.
Hằng năm, LĐLĐ huyện phối hợp với UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở, trong đó tập trung vào Hội nghị CBCC, VC, NLĐ.
Hội nghị CBCC, VC, NLĐ đã trở thành diễn đàn phát huy dân chủ trực tiếp của CBCCVC, người lao động và vai trò đại diện của Công đoàn cơ sở trong việc tham gia với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch công tác, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCCVC, người lao động; hoàn thiện các quy chế nội bộ; là nơi Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp thể hiện rõ trách nhiệm của mình về bảo đảm việc làm, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho CBCCVC, NLĐ; là nơi CBCCVC, NLĐ chia sẻ khó khăn cùng Thủ trưởng cơ quan, chủ doanh nghiệp bàn luận thống nhất biện pháp khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị và xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đồng thời công khai các nội dung theo quy định của pháp luật; xây dựng đội ngũ CBCCVC là công bộc của dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu Nhân dân.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) trong các cơ quan, đơn vị được các cấp Công đoàn thường xuyên chú trọng và củng cố. Các Ban TTND đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nghị quyết Hội nghị CBCCVC, thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,... góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBCCVC, người lao động ở cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, việc tổ chức Hội nghị CBCC, VC, NLĐ bộc lộ một số hạn chế như: vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở các Nghị định, hướng dẫn, chưa phân rõ trách nhiệm nên có nơi thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động còn xem nhẹ nội dung này, coi đây là trách nhiệm của Công đoàn. Hoạt động của Ban TTND một số đơn vị còn mờ nhạt, hiệu quả thấp, có lúc, có nơi chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền pháp luật quy định. Một số đơn vị tổ chức Hội nghị CBCC, VC, NLĐ chưa đúng quy trình, nội dung chưa đảm bảo, còn hình thức, qua loa, đối phó với các cơ quan chức năng,…
Từ kết quả đạt được và những hạn chế chỉ ra, để nâng cao chất lượng Hội nghị CBCC, VC, NLĐ cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy tốt việc thực hiện quyền dân chủ của CBCCVC người lao động và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn.
Thứ hai, Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn, chính quyền, chuyên môn đồng cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đối với các đơn vị thuộc cấp quản lý; định kỳ, đánh giá phân loại, sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình, kịp thời khen thưởng, đồng thời chấn chỉnh, nhắc nhở những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thứ ba, Thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, trên cơ sở đổi mới cả nội dung và hình thức, phù hợp với từng đối tượng. Nội dung phải làm rõ được lợi ích của từng chủ thể tham gia thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở, giúp các chủ thể tự chuyển biến tư tưởng, nhận thức, tiến đến có hành động đúng đắn và hiệu quả.
Thứ tư, Kết hợp hài hòa giữa dân chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp của CBCCVCLĐ trên cơ sở nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là đối với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; tập huấn kỹ năng tham gia Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cho Công đoàn cơ sở và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; hướng dẫn Công đoàn cơ sở giúp đỡ CBCCVCLĐ thực hiện tốt các quyền được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra, giám sát trong hoạt động ở cơ quan, đơn vị.
Thứ năm, Lồng ghép việc tổ chức thực hiện Luật dân chủ cơ sở với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; hướng dẫn CBCCVCLĐ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CBCCVCLĐ.
Thứ sáu, các cấp Công đoàn tiếp tục tham gia với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện các quy định về Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, CBCCVCLĐ; giám sát tổ chức thực hiện bảo đảm lợi ích cho CBCCVCLĐ. Cùng chuyên môn tổ chức rà soát hoàn thiện các quy chế nội bộ, bảo đảm CBCCVCLĐ thực hiện quyền được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị.
Có thể nói việc nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong công tác chỉ đạo tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ công tác, triển khai có hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động để thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của đoàn viên, người lao động trong các cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Hoàng Giang – LĐLĐ huyện Thọ Xuân