Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 14

    Hôm nay: 141

    Đã truy cập: 3760502

Thay đổi cách tính lương hưu từ ngày 1-1-2018: Lao động nữ chịu thiệt thòi

Từ ngày 1-1-2018, lao động nữ (LĐN) để được hưởng lương hưu bằng 75% mức lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), phải có 30 năm đóng thay vì 25 năm như trước đây. Thay đổi trên đã khiến nhiều LĐN lo lắng, bức xúc vì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Quyền lợi bị cắt giảm

Từ ngày 1-1-2018, cách tính lương hưu cho LĐN sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Theo đó, người lao động (NLĐ) nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi có 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, NLĐ được tính thêm 2%. Với việc thay đổi cách tính này, LĐN đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%). Do quy định cách tính lương hưu của LĐN thay đổi “nhảy vọt” ngay trong năm 2018 dẫn đến một số LĐN có dưới 30 năm đóng BHXH nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (mức cao nhất lên đến 10% tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của LĐN.

“Sốc” và rất thất vọng là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ Hội Nông dân huyện Thạch Thành. Chị Lan cho biết: “Tôi và nhiều đoàn viên công đoàn chưa đồng tình với chính sách mới này bởi quyền lợi của chúng tôi bị cắt giảm quá nhiều và quá đột ngột. Ví dụ như trường hợp của tôi đến tháng 5-2018, tôi tham gia đóng BHXH được 34 năm và đủ tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Giả sử tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 (đóng BHXH được 33 năm) thì ngoài việc được hưởng mức tối đa là 75% cho 25 năm đóng BHXH, tôi còn nhận được khoản trợ cấp một lần cho 8 năm đóng dư còn lại. Thế nhưng, đến tháng 5-2018 đủ tuổi nghỉ hưu, tôi mất đi 4 năm đóng BHXH, nghĩa là chỉ còn nhận khoản trợ cấp một lần cho 4 năm đóng dư, điều này hết sức phi lý và bất công, gây  bức xúc cho LĐN”. Nếu trường hợp chị Lan có may mắn thừa năm đóng BHXH, thì chị Liên (TP Thanh Hóa) lại vô cùng lo lắng, chia sẻ: Theo tôi, quy định về việc giảm lương hưu của LĐN, nếu có thực hiện thì chỉ có thể áp dụng với người tham gia BHXH sau ngày 1-1-2016 chứ không thể áp đặt đối với người đã tham gia BHXH trước thời điểm đó. Tôi năm nay đã 45 tuổi và đóng BHXH được 15 năm. Đến khi đủ tuổi về hưu (55 tuổi), theo cách tính lương mới, tôi chỉ được hưởng lương hưu 65% thay vì 75% như trước kia. Không biết những năm tới có chính sách mới nào ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực NLĐ nữa không, tôi cảm thấy bất an.

Từ lo lắng, bức xúc, không ít LĐN bắt đầu có những dự tính mới cho công việc của mình. Chị Phương, công nhân Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam cho biết, những ngày gần đây, anh chị em đồng nghiệp trong công ty bàn tán rất nhiều về việc tăng thời gian đóng BHXH nhưng giảm tỷ lệ lĩnh BHXH khi về hưu. Tham gia đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu, nhưng nếu lương hưu thấp như vậy thì tôi phải suy nghĩ đến phương án sẽ “lĩnh một cục” lấy tiền về quê mở cửa hàng tạp hóa sinh sống chứ không muốn chờ lương hưu nữa.

Cần lộ trình để “giảm sốc”

Việc thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2018 trở đi không chỉ tác động đến LĐN mà có tác động chung đến tất cả NLĐ. Đáng lo ngại hơn, sự áp dụng khác nhau giữa nam giới và nữ giới khiến nhiều LĐN cảm thấy bất công. Bởi lẽ, thời gian đóng BHXH của lao động nam để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% được thực hiện theo lộ trình từng năm, kéo dài đến năm 2022, trong khi LĐN lại phải áp dụng ngay từ năm 2018, không có lộ trình. Việc này sẽ khiến LĐN càng không mặn mà với việc đóng BHXH để lĩnh lương hưu; những người làm công đoàn thì âu lo chính sách không phù hợp sẽ khiến NLĐ không muốn tham gia BHXH.

Là người trong cuộc, bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Ny Hoa Việt, không giấu được lo lắng: LĐN thường sức khỏe không bảo đảm lâu dài như nam giới, nên việc kéo dài thời gian để hưởng lương hưu tối đa là rất khó khăn. Đặc biệt trong một số ngành nghề có yếu tố độc hại thì sức khỏe hao mòn nhiều, tuổi nghề rút ngắn. Đối với LĐN làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước như chúng tôi, sự ổn định trong công việc thấp, dẫn đến việc tham gia BHXH cho đủ 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa 75% như luật cũ đã là rất khó khăn, nếu đóng BHXH 25 năm chỉ được hưởng 65% lương hưu thì việc đóng BHXH để hưởng lương hưu đối với LĐN càng xa vời.

Theo ông Vũ Tuấn Minh, Chủ tịch công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp hiện có trên 70.000 NLĐ, trong đó LĐN chiếm 90%. Hiện nay, thu nhập của LĐN còn thấp, chính sách thay đổi liên tục nên nhiều LĐN băn khoăn khi tham gia BHXH. Là cán bộ công đoàn, chúng tôi luôn khuyến khích NLĐ tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi về già, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, tôi mong các cơ quan chức năng xem xét lại cách tính tỷ lệ lương hưu, đừng để NLĐ phải chịu thiệt thòi, đặc biệt là LĐN.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Trưởng Ban Chính sách – Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Quy định của Luật BHXH năm 2014 về mức lương hưu hằng tháng của LĐN đã tạo ra tình trạng “sốc” do thay đổi chính sách và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây phản ứng tiêu cực và tâm lý bất an cho NLĐ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cũng như chính sách an sinh xã hội của đất nước. Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, cần phải xem xét, sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng điều chỉnh cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu của LĐN được thực hiện có lộ trình nâng dần trong 5 năm như nam giới để “giảm sốc” từ từ và để LĐN cảm thấy không bị thua thiệt, đồng thời tạo niềm tin cho NLĐ khi tham gia chính sách BHXH.

Trước những vướng mắc đang đặt ra và trước những dư luận của cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Văn bản số 1769/TLĐ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về việc xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với LĐN của Luật BHXH năm 2014. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ các phương án để xử lý vấn đề này; trong đó có phương án tạm thời chưa thực hiện Khoản 2, Điều 56, Luật BHXH năm 2014 và kéo dài tới năm 2022 mới thực hiện. Phương án sửa đổi, bổ sung sẽ bảo đảm nguyên tắc không để LĐN thiệt thòi, thực hiện có lộ trình, có đóng - có hưởng và tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định, phát triển bền vững.

Không thể phủ nhận BHXH là chính sách an sinh xã hội tốt đẹp của Nhà nước. Mục tiêu là đóng bây giờ để hưởng về sau, đóng khi còn trẻ để được sống khỏe khi đã già. Thực tế cho thấy LĐN ngày càng đóng vai trò quan trọng, tham gia hiệu quả vào mọi hoạt động của xã hội bên cạnh thiên chức làm vợ, làm mẹ. Quốc hội nên xem xét sửa đổi sớm quy định này, tránh gây thiệt thòi cho LĐN vốn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong lực lượng lao động cả nước. Bởi việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu ý kiến của người thụ hưởng chính sách còn là cách để động viên, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH, giúp phát huy những điều tốt đẹp vốn có của một chính sách an sinh xã hội.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa