Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa
CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG TIÊN PHONG, HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG THANH HÓA VĂN MINH, THỊNH VƯỢNG        
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 21

    Hôm nay: 2220

    Đã truy cập: 2314367

Nâng cao trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới và phát triển, góp phần quan trọng tạo lập môi trường làm việc minh bạch, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp và hiệu quả. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc có tác động tích cực đến mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phòng tránh được việc mất đoàn kết nội bộ, đơn thư khiếu kiện, đình công, ngừng việc tập thể…. giúp đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) yên tâm làm việc, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, góp phần tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ lãnh đạo quản lý với nhân viên, giữa người lao động và người sử dụng lao động, qua đó giúp nâng cao tinh thần làm việc, lao động, cống hiến của đoàn viên, CNVCLĐ.

Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là một trong những hoạt động cốt lõi của tổ chức Công đoàn. Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn và chủ sử dụng lao động phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, tạo ra những tác động tích cực trong quá trình phát triển chung của Thanh Hóa. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện QCDC ở cơ sở nhiều nơi vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, quyền làm chủ của đoàn viên, CNVCLĐ chưa thực sự được phát huy và còn bị vi phạm…. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia thực hiện dân chủ tại cơ sở và giám sát việc thực hiện dân chủ tại cơ sở cá nhân xin có một số nội dung đề nghị các cấp Công đoàn cần lưu ý:

       Thứ nhất: Đối với CĐCS cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập:

       Phối hợp với chuyên môn, thủ trưởng cơ quan đồng cấp Xây dựng được hệ thống các quy định, quy chế nội bộ về thực hiện Quy chế dân chủ phù hợp với pháp luật của Nhà nước và được nhất trí thông qua bởi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Trong cơ quan cần nêu cao ý thức trách nhiệm thực hiện tốt nội dung QCDC ở đơn vị mình cho phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tiễn, nhất là các nội dung có liên quan đến quản lý tài chính tài sản, đào tạo, thi đua khen thưởng, chính sách cán bộ ... Những nội dung này phải được tập thể công nhân, viên chức, người lao động cơ quan tham gia ý kiến.

       Căn cứ các văn bản sau để thực hiện:

       1. Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/01/2015 của Chính phủ ban hành quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ): Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/02/2015, gồm 4 Chương, 18 Điều (ít hơn 18 Điều so với Nghị định 71) với những nội dung cụ thể: Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Nghị định 04 đã quy định cụ thể đối tượng áp dụng cụ thể là cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (không chung chung là cơ quan như Nghị định 71); bổ sung cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng áp dụng mới của Nghị định đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực QCDC suốt 17 năm qua.

       Theo Nghị định, dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra. Yêu cầu việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị phải gắn liền với việc bảo chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; quy định rất cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện 11 nhiệm vụ (Điều 4, Điều 5); cán bộ, công chức, viên chức thực hiện 05 nhiệm vụ.

       Tên gọi Hội nghị cán bộ, công chức theo Nghị định số 71/NĐ-CP được đổi thành Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức thể hiện đầy đủ đối tượng áp dụng của Nghị định, tránh trường hợp mỗi đơn vị gọi mỗi tên khác nhau như thực tế hiện nay.

       2. Thông tư hướng dẫn số 01/TT- BNV ngày 13/01/2016 của Bộ nội vụ về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/NĐ-CP về “Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập”. Điểm lưu ý là Thông tư quy định rõ 02 hình thức tổ chức Hội Nghị CB, CC, VC là Hội nghị thường kỳ mỗi năm tổ chức 01 lần vào cuối năm và Hội nghị bất thường khi có 1/3 cán bộ công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc BCH Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết.

       3. Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và hướng dẫn số 1271/HD-TLĐ ngày 07/8/2017 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về Công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân: Các quy định về chức năng kiểm tra giám sát của Ban Thanh tra nhân dân được Nghị định quy định và Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

       Thứ hai: Đối với CĐCS các Doanh nghiệp

       Phối hợp với chủ sử dụng lao động xây dựng được hệ thống các quy định, quy chế trong nội bộ doanh nghiệp về thực hiện Quy chế dân chủ phù hợp với quy định pháp luật và tình hình doanh nghiệp. Nâng  cao ý thức trách nhiệm của công nhân lao động trong việc thực hiện QCDC tại nơi làm. Trước khi ban hành Quy chế quy định phải được lấy ý kiến thống nhất của công nhân lao động trong doanh nghiệp.

       Căn cứ các văn bản sau để thực hiện:

       Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018, hành quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (Nghị định thay thế Nghị định số 60/2013/NĐ-CP): Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2019 quy định rõ nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Theo đó, các chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện QCDC ở cơ sở quy định rõ hơn, các bước cơ bản khi tổ chức Hội đối thoại được thay đổi để các doanh nghiệp linh hoạt triển khai cho phù hợp.

       Quy định về Hội nghị người lao động: Nghị định đã đơn giản hóa quy trình, thủ tục, phương thức tổ chức hội nghị người lao động; Giao cho người sử dụng lao động quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nghị định quy định rõ nội dung Hội nghị người lao động thực hiện theo Quy định Điều 64 của Bộ luật lao động.

       Quy định về Đối thoại tại nơi làm việc: Nghị định nhấn mạnh hình thức dân chủ trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động; Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, phương thức thực hiện đối thoại; Giao cho người sử dụng lao động quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở nội dung đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, thời gian, thời điểm đối thoại, quy trình tổ chức đối thoại thực hiện theo Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp (khi ban hành Quy chế phải có sự tham gia ý kiến của Tổ chức đại diện tập thể người lao động).

       Thứ ba: Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở chủ động trong việc tham gia với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, thực hiện QCDC; nội dung QCDC phải thể hiện đầy đủ quyền của người lao động được biết, được bàn, được quyết định và được kiểm tra giám sát. Tăng cường các hình thức thực hiện dân chủ khác như hộp thư góp ý, hộp thư điện tử, thông tin nội bộ…. Tập trung nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ công chức; hội nghị người lao động; đối thoại.

       Thứ tư: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường tư vấn, hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong quá trình tham gia xây dựng Quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp cũng như việc tham gia tổ chức Hội Nghị CB,CC,VCLĐ; Hội nghị Người lao động; Hội nghị đối thoại, chú trọng  đối thoại đột xuất để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất việc đình công, ngừng việc tập thể.

       Thứ năm: Tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện QCDC và phối hợp chính quyền đồng cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt của ban Thanh tra nhân dân, chất lượng tổ chức Hội Nghị CB,CC,VCLĐ; Hội nghị Người lao động; Hội nghị Đối thoại, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

       Với 5 lưu ý trên, hi vọng công đoàn cơ sở sẽ xác định được vị trí, chức năng và trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở, tiếp tục phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ sử dụng lao động để thực hiện và giám sát có hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở nhằm tạo không khí cởi mở, dân chủ trong sinh hoạt, làm việc. Tiếp tục xây dựng tổ chức Công đoàn cơ sở thực sự là chỗ dựa tinh thần và là hạt nhân quan trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, đồng hành với chuyên môn, chủ sử dụng lao động trong thực xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh, toàn diện./.

                                                                Lê Thị Thuần –Ban Chinh sách – Pháp luật LĐLĐ

Trang thông tin điện tử Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa

Giấy phép số 06/GP-TTĐT do Sở thông tin Truyền thông tỉnh Thanh Hóa ngày 01/9/2021

Địa chỉ: Số 37 - Đại lộ Lê Lợi - Tp. Thanh Hóa

Điện thoại: 02373.852.369 ; Fax: 02373.852.369; Email: congdoanthanhhoa@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa