Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động
Những năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được các cấp công đoàn trong tỉnh phát động và triển khai sâu rộng trong nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Phong trào đã trở thành nét đẹp truyền thống và có sức lan tỏa trong nữ CNVCLĐ, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Công nhân Công ty CP Tập đoàn quốc tế ABC trong ca sản xuất.
Hiện nay, nữ CNVCLĐ có 194.072 người, chiếm 64,6% tổng số CNVCLĐ trong tỉnh. Để phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” mang lại hiệu quả thiết thực, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch, đồng thời chỉ đạo các công đoàn cơ sở xây dựng nội dung, chương trình công tác nữ công. 100% công đoàn cơ sở đã triển khai phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Đội ngũ nữ CNVCLĐ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tự học, tự rèn luyện, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia công tác đảng, chính quyền, đoàn thể, chính trị – xã hội. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, các chị luôn tận tụy, hăng say, năng động sáng tạo, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nữ cán bộ, công chức, lao động khối hành chính sự nghiệp luôn hăng say với công việc, vươn lên tự học, tự rèn luyện, thực hiện tốt chức trách của người cán bộ công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Nhiều chị luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, uy tín, nêu cao tinh thần trách nhiệm tận tụy với công việc; đổi mới nội dung, cải tiến lề lối làm việc, vượt lên khó khăn để phấn đấu, trưởng thành và được đề bạt, bố trí giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, trong công tác đảng, chính quyền, chuyên môn, đoàn thể chính trị- xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nữ cán bộ, giáo viên luôn miệt mài với sự nghiệp “trồng người”, cụ thể hoá nội dung “Giỏi việc nước” bằng “Giỏi việc trường”; gắn với phong trào "Hai tốt" và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Các chị đã không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục, thi đua dạy tốt phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi, chất lượng dạy và học ở các nhà trường ngày càng được khẳng định, nâng cao. Điển hình là tập thể nữ giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn, trường THPT Hàm Rồng, Trường THPT Quảng Xương 1, Trường Đại học Hồng Đức.... Đến nay, ngành giáo dục có 2/6 nữ nhà giáo Nhân dân, 42/131 nữ nhà giáo ưu tú.
Trong lĩnh vực quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh, các chị luôn phát huy trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng động sáng tạo trong công tác lãnh đạo, điều hành, bám sát nhu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tiêu biểu là chị Trịnh Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống - tổ chức các sự kiện, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động; chị Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng hành chính, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam đã tham mưu cho công đoàn công ty một số chính sách có lợi cho người lao động; tổ chức sinh nhật kết hợp sinh hoạt câu lạc bộ nữ công hàng tháng cho người lao động; kiến nghị xây dựng hệ thống nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà thay đồ cho lao động nữ…
Ngoài việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, bản thân từng nữ CNVCLĐ luôn nhận thức sâu sắc rằng “Đảm việc nhà” là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, bởi đó cũng là yêu cầu, là điều kiện và cơ sở để chị em có một gia đình hạnh phúc. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, trong gia đình các chị là người quản lý giỏi, người tổ chức tài ba, vừa công tác vừa học tập, nuôi con, vừa tề gia nội trợ; động viên chồng cùng chia sẻ gánh vác công việc gia đình, giúp mình có điều kiện học tập, công tác. Một số chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đều nỗ lực vươn lên để trở thành tấm gương sáng trên các lĩnh vực công tác. Tiêu biểu là chị Đoàn Thị Hồng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Thiệu Hóa; chị Nguyễn Thị Hà; phó bí thư xã Ngư Lộc (Hậu Lộc); chị Đào Thị Hoa, chị Lê Thị Nga, Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ngày càng phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan toả trong các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị; lôi cuốn và thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ trong tỉnh tham gia, qua đó, chị em đã tự khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, hàng năm số chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” chiếm tỷ lệ 90%. Trong 10 năm qua (2010-2020) có 56/178 lượt chị được Tổng Liên đoàn tặng Bằng Lao động sáng tạo (trong đó có 3 chị được tặng lần thứ 2); 37 chị được Nhà Nước phong tặng danh hiệu thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sỹ ưu tú; có 3.926 chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”, 37.052 lượt chị được công nhận chiến sỹ thi đua các cấp; khen thưởng chuyên đề “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua cho 9 tập thể, Bằng khen cho 27 tập thể và 30 cá nhân; LĐLĐ tỉnh tặng Cờ thi đua cho 17 tập thể, Bằng khen cho 213 tập thể và 345 cá nhân.
Bài và ảnh: Thanh Huê